Văn bản pháp luật... “vi phạm pháp luật”

Theo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2012 của Bộ Tư pháp, trong tổng số 564.524 văn bản được kiểm tra có 10.039 văn bản “có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp”, trong đó có 1.394 văn bản quy phạm pháp luật “có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung”.

Theo Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2012 của Bộ Tư pháp, trong tổng số 564.524 văn bản được kiểm tra có 10.039 văn bản “có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp”, trong đó có 1.394 văn bản quy phạm pháp luật “có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung”.

CôngThương - Với hơn 10.000 văn bản “có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp”, người dân có quyền nghi ngờ, giảm niềm tin vào cơ quan công quyền.

Văn bản quy phạm pháp luật lại “có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung” có nghĩa là tinh thần “thượng tôn pháp luật” đã bị triệt tiêu ngay khi ban hành văn bản.

Vì sao có tình trạng đó? Có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết là cơ quan có quyền kiểm soát văn bản không đủ thẩm quyền. Trước đây, Viện Kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm soát xem văn bản có hợp pháp hay không rồi công bố, kháng nghị. Sau đó, quyền này chuyển về cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp, tức là chuyển từ cơ quan tư pháp về cơ quan hành pháp. Trong khi đó, cơ quan hành pháp chỉ có quyền kiểm soát, không có quyền phán xét. Chẳng hạn, Cục trưởng không thể ban hành quyết định hủy quyết định của một Chủ tịch UBND tỉnh vì “có dấu hiệu vi phạm pháp luật”. Thực tế cho thấy, có không ít thông tư hướng dẫn của các bộ trái với luật hoặc nghị định, Cục Kiểm tra văn bản pháp luật nhắc nhở, nhưng các bộ không sửa sai. Nghiêm trọng hơn, có những công văn trao đổi giữa bộ này với bộ khác hoặc trả lời thắc mắc của người dân, doanh nghiệp lại mặc nhiên được coi là văn bản quy phạm pháp luật!

Bên cạnh đó, quan trọng hơn là nguyên nhân về con người. Đó là những người có quyền ban hành văn bản không chịu khó đọc, không chịu khó học, không chịu nghiên cứu hoặc không thèm nghe ai cả. Bởi, trên thực tế, nhiều khi có những lý do rất khác nhau, một người được ngồi vào vị trí lãnh đạo nào đó, chẳng hề nắm được lĩnh vực mình phụ trách nhưng vẫn buộc phải đưa ra quyết định quản lý thì sai là dễ hiểu.

Về nguyên tắc phải xử lý người ra văn bản sai nhưng rất khó thực hiện. Vì vấn đề cá thể hóa kỷ luật và trách nhiệm trong công vụ ở nước ta rất kém. Trong rất nhiều trường hợp, chỉ rút kinh nghiệm chung chung, quy vào “trách nhiệm tập thể” rồi... hòa cả làng!

Đã đến lúc phải lập lại trật tự trong lĩnh vực này. Những việc cần làm ngay là minh bạch trong việc quy định quyền và nghĩa vụ, trong các quy trình, trong các tiêu chí ban hành văn bản. Xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng là biện pháp rất quan trọng.

Cần thành lập một cơ quan thuộc lĩnh vực lập pháp hoặc tư pháp, đủ sức mạnh và trách nhiệm để công bố chính thức văn bản đã ban hành có hợp pháp hay không và có thẩm quyền quyết định hủy bỏ văn bản “vi phạm pháp luật về nội dung”.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/p0c186n30984/van-ban-phap-luat-vi-pham-phap-luat.htm