Vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Hỏi: Trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định: "Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Là một cán bộ Mặt trận ở cơ sở, xin cho biết vai trò giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội?

Hỏi: Trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định: "Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”. Là một cán bộ Mặt trận ở cơ sở, xin cho biết vai trò giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội?

Điểu Ban

(Cán bộ Mặt trận cấp xã

thuộc huyện Đắc Rlấp,

tỉnh Đắc Nông)

Trả lời:

Theo Hiến pháp năm 1992 và Luật MTTQ Việt Nam, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội (CT – XH) giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật. Hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của nhà nước, nhằm góp phần xây dựng và bảo vệ nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH là việc xem xét, phát hiện, kiến nghị về các hoạt động của tổ chức đảng các cấp và đảng viên; của các cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ công chức nhà nước; của Quốc hội, HĐND các cấp, các cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức thuộc các cơ quan này trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; về tư cách, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, đại biểu dân cử và đảng viên.

Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mới xuất hiện những năm gần đây và chính thức ghi vào Văn kiện Đại hội X của Đảng. Phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của tổ chức đảng các cấp; đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án, đề án của Chính phủ, UBND các cấp; đối với dự thảo, chương trình, dự án, đề án của Quốc hội, UBTV Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan nhà nước.

Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH là giám sát và phản biện mang tính nhân dân, tính xây dựng và tính dân chủ xã hội chủ nghĩa. Giám sát và phản biện xã hội phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội không được cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội được thực hiện khách quan, công khai, minh bạch.

Th.s Lê Mậu Nhiệm

(Phó Chánh Văn phòng

UBTƯMTTQ Việt Nam)

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=50888&menu=1371&style=1