Vai trò doanh nhân FDI trong tiến trình hội nhập của Việt Nam

Chỉ con hơn một năm nữa, chúng ta sẽ có dịp kỷ niêm 30 năm đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam. Ba mươi năm tuy không dài so với lịch sử phát triển của một quốc gia, song cũng đủ để có một cái nhìn, một sự đánh giá khách quan, toàn diện sự đóng góp của ĐTNN và các doanh nhân ĐTNN (Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, giám đốc điều hành) đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê trong năm 2015 tổng vốn đầu tư xã hội của Việt Nam bao gồm đầu tư của nhà nước, của khối tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 62 tỷ USD, Trong đó riêng số vốn FDI là 22,7 tỷ USD chiếm 36,6%, một con số khá ấn tượng trong điều kiện nước ta luôn thiếu vốn cho phát triển kinh tế.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến cuối tháng 12/ 2015 đã có 20.069 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 394 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2016 đã có 1.820 dự án đầu tư mới và 851 dự án đầu tư mở rộng với tổng số vốn là 16,43 tỷ USD, trong đó vốn giải ngân là 11,02 tỷ USD.

Trong nhiều năm gần đây, doanh nghiệp FDI đóng góp tỷ lệ khá cao vào cán cân thương mại hai chiều cả nước và luôn luôn xuất siêu, tính đến cuối tháng 9/2016, các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 89,471 tỷ USD không kể dầu thô, chiếm 69,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước, nhập khẩu 74,019 tỷ USD chiếm 59% kim ngạch xuất khẩu cả nước, xuất siêu 15,452 tỷ USD không kể dầu thô. FDI đã góp phần giảm đáng kể nhập siêu, cải thiện cán cân thương mại theo hướng tích cực.

Về giải quyết việc làm và đào tạo nguồn nhân lực, tính đến cuối năm tháng 9/ 2016 đã có 21.889 dự án FDI đăng ký tại Việt Nam, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Các doanh nghiệp FDI luôn chủ động đào tạo bổ sung và đào tạo lại lực lượng lao động sau khi họ tham gia vào doanh nghiệp về kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng chuyên môn, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cũng như năng lực quản lý. Rất nhiều lao động kỹ thuật cao và lao động quản lý Việt Nam đã trưởng thành từ các doanh nghiệp FDI.

Lĩnh vực chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tuy không đạt được mục tiêu và kỳ vọng, song FDI đem đến một cú hích cũng như một sự chuyển giao trực tiếp và gián tiếp về công nghệ cho một số lực lượng lao động kỹ thuật Việt Nam. Không có ai có thể chuyển giao cho không bí quyết công nghệ, nhưng khi lao động Việt Nam có thể tiếp thu và chi phí lao động thấp hơn so với lao động nước ngoài thì họ đã chuyển giao và sử dụng lao động Việt Nam.

Nói về tính lan tỏa của các doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước, tuy chúng ta chưa đạt được kỳ vọng về sự tham gia của doanh nghiệp nội địa vào chuỗi giá trị hàng hóa sản phẩm của doanh nghiệp FDI, song rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các nhà cung ứng dịch vụ và nguyên liệu, bán thành phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp FDI đã học tập và phát triển từ những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của họ trong thời gian hợp tác kinh doanh.

Trong tiến trình hội nhập phát triển, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, một thách thức rất lớn về đổi mới chính sách và thể chế Kinh tế được đặ ra, các doanh nghiệp FDI đã là nhân tố và thực thể quan trọng tham gia vào quá trình này. Riêng đối với hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động các doanh nghiệp FDI, nếu như Luật ĐTNN năm 1987 là một bước đột phá tao hành lang pháp lý cho thu hút FDI vào Việt Nam thì Luật Đầu tư năm 2005 và Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 là bước tiến dài tạo một môi trường chung, bình đẳng giữa doanh nghiệp FDI và doang nghiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI là nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình đổi mới chính sách và đổi mới thể chế kinh tế của Việt Nam.

Qua gần 30 năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, với những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, các doanh nghiệp FDI đã trở thành bộ phận hữu cơ của nền kinh tế đất nước. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận doanh nghiệp FDI không phải chỉ là doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam mà còn là biểu tượng của quá trình hội nhập của Việt Nam. Đồng thời, những sản phẩm của doanh nghiệp FDI Made in Viet Nam đã kết tinh từ sức lao động của cả người nước ngoài và người Việt Nam, được xuất khẩu đi các nước trên thế giới đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam hội nhập, phát triển.

Nói đến doanh nghiệp FDI, chúng ta không thể không nói đến đội ngũ lãnh đạo và điều hành các doanh nghiệp này là các doanh nhân FDI. Họ là những chủ tịch hội đồng quản trị, những tổng giám đốc, những giám đốc điều hành doanh nghiệp FDI, họ hàng ngày hàng giờ chèo lái con thuyền doanh nghiệp trên vùng đất mới và rất xa lạ với họ trong ngững ngày đầu tiên mà nay đã trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu mang tính quyết định tạo nên thành công của các doanh nghiệp FDI.

Trong tiến trình hội nhập, các doanh nhân FDI đã là những sứ giả thổi một luồng gió mới vào Việt Nam. Họ đem đến Việt Nam nguồn vốn, kỹ thuật công nghê, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, họ trực tiếp và gián tiếp đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, xây dựng tác phong công nghiệp và văn hóa công ty, nhiều người trong số họ còn là “sứ giả thiện chí” khi họ tham gia tích cực các hoạt động xã hội.

Trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, những doanh nhân FDI luôn có sự gắn kết với cộng đồng người Việt, những cán bộ nhân viên trong doanh nghiêp, những nhà cung cấp, những khách hàng, trong số đó có rất nhiều doanh nhân Việt, họ cùng sống và làm việc trên mảnh đất chung, cùng hít thở bầu không khí chung, cùng hưởng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chung và theo tiến trình phát triển, họ đang và sẽ cùng chung môi trường pháp lý, hệ thống văn bản pháp luật.

Sự đóng góp của các doanh nhân FDI trong gần 30 năm qua thật to lớn và rất đáng trân trọng, nhiều doanh nhân FDI đã coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Có một vị tổng giám đốc một công ty Liên doanh người Nhật Bản, khi hết nhiệm kỳ 5 năm làm việc tại Việt Nam, trong buổi chia tay thân mật ông đã nói: “Trong năm năm qua, tôi chưa đóng góp được nhiều cho công ty, cho Việt Nam, song tôi luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và không bao giờ quên những năm tháng sống và làm việc tại Việt Nam”. Ông đã khóc và nhờ chúng tôi chuyển 2.000 USD tiền lương của ông để trang bị một phòng máy tính nhỏ cho các cháu học sinh trường trung học cơ sở nơi công ty đặt trụ sở. Lời nói khiêm tốn, mộc mạc và cử chỉ chân tình của ông làm chúng tôi rất xúc động.

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều hoạt động biểu dương, ghi công các doanh nhân FDI tiêu biểu, hãy coi họ như những doanh nhân Việt Nam đang đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước chúng ta. Để thay lời tri ân đối với các doanh nhân FDI đã và đang làm việc tại Việt Nam, nhân Ngày doanh nhân Việt Nam, xin kính chúc các bạn sức khỏe, hạnh phúc, thành công, đóng góp càng nhiều cho tiến trình hội nhập của Việt Nam, tình hữu nghị tốt đẹp của Việt Nam với đất nước thân yêu của các bạn.

* Tác giả bài viết hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (Vafie)

Theo tạp chí Nhà Đầu tư

Nguyễn Văn Toàn*

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/vai-tro-doanh-nhan-fdi-trong-tien-trinh-hoi-nhap-cua-viet-nam-2078720.html