Vai trò của Mỹ ở châu Á khi cắt giảm ngân sách quốc phòng?

Ông J. Randy Forbes, Chủ tịch Siêu ủy ban quân sự của Quốc hội Mỹ, nhận định cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ có thể làm xói mòn sự ổn định tại châu Á và các lợi ích của Mỹ ở đây. Theo ông, bằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng ngày hôm nay, nước Mỹ sẽ phải trả những cái giá đắt không thể chấp nhận được trong tương lai, và đơn giản là quân đội và đất nước Mỹ sẽ không thể chịu đựng nổi.

Giống như lịch sử thế giới đã được viết ra tại châu Âu trong thế kỷ 19 và 20, lịch sử của thế kỷ 21 chắc chắn sẽ được viết ra tại châu Á - Thái Bình Dương. Bốn thập kỷ tăng trưởng kinh tế gần như không ngừng đã tạo ra một khu vực hòa bình, thịnh vượng và hội nhập có thể cạnh tranh với bất kỳ khu vực nào khác trong lịch sử. Mỹ từng là một trong những nhà bảo trợ lớn nhất cho thành công của châu Á - và bản thân Mỹ cũng được tiếp cận với các thị trường mới, tạo ra các liên minh sâu sắc hơn để đảm bảo ổn định.

Nhưng điều bị nhiều người lãng quên là sức mạnh quân sự của Mỹ và các đồng minh đã bảo trợ cho an ninh của khu vực trong 7 thập kỷ qua, tạo ra một môi trường ổn định, từ đó duy trì thành công. Tuy nhiên, sau khi một đạo luật về giảm ngân sách quốc phòng được thông qua, tất cả điều này có thể thay đổi. Tệ hơn thế, đúng lúc Mỹ chọn cách giảm bớt quân sự, Trung Quốc lại đang tiếp tục hiện đại hóa quân đội của mình với một tốc độ nhanh chóng. Kết quả là một sự thay đổi sắp tới trong cán cân quyền lực khu vực làm dấy lên cảnh báo trong những nước láng giềng của Trung Quốc và đặt câu hỏi về các cam kết an ninh lâu dài của Mỹ. Nói tóm lại, việc Mỹ cắt giảm ngân sách quốc phòng thêm nữa sẽ làm hủy hoại sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong tương lai, Mỹ sẽ có hai lợi ích rất lớn trong khu vực này. Đầu tiên, họ cần đảm bảo dòng thương mại tự do. Sự nổi lên về kinh tế của khu vực này đã khiến những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (và Đài Loan) và Singapore trở thành các đối tác thương mại lớn của Mỹ và các nước khác trên thế giới. Nhưng chỉ hàng hóa ở Mỹ được chuyển từ Pennsylvania đến Virginia bằng đường bộ, thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải đi qua các "quốc lộ" trên biển, cắt ngang các biển trong khu vực và đi qua các điểm nút giao thông quan trọng. 40% thương mại thế giới vượt qua Eo biển Malacca. Duy trì khả năng tiếp cận các hải trình này và đảm bảo sự tự do hàng hải sẽ có vai trò quan trọng đối với các tàu thương mại và quân sự.

Thứ hai, sự ổn định trong khu vực cần phải tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ. Một cuộc xung đột xảy ra tại Eo biển Đài Loan hay trên Bán đảo Triều Tiên sẽ không chỉ đặt các lực lượng Mỹ vào thế khó khăn, mà còn gây ra những xáo trộn về kinh tế và ngoại giao trong toàn khu vực, có thể làm tê liệt các thị trường toàn cầu. Hơn nữa, nếu các nước như Hàn Quốc, Việt Nam hay Nhật Bản nghĩ là Mỹ quay lưng lại với các cam kết an ninh của mình, họ có thể đầu tư vào vũ khí hạt nhân như một phương tiện răn đe tương đối rẻ, tạo ra một cái vòng phổ biến vũ khí hạt nhân, có thể đẩy khu vực và cộng đồng quốc tế vào một tình thế nguy hiểm hơn.

Về phần mình, Trung Quốc nhấn mạnh sẽ theo đuổi một quá trình "phát triển hòa bình" không tìm cách chế ngự các nước láng giềng. Trong khi nhiều người hy vọng những điều Trung Quốc nói là đúng, thì cơ sở duy nhất khiến chúng ta phải hiểu tương lai sẽ thế nào, đó là dựa vào các năng lực quân sự ngày càng lớn mạnh của nước này. Thật không may, chúng lại không vẽ ra một bức tranh với những mục đích tốt lành.

Dù Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn lâu mới đuổi kịp Mỹ, nhưng họ đang phát triển nhanh chóng và vững chắc các năng lực không đối xứng - tên lửa, tàu ngầm, và các năng lực chống vệ tinh và chống chiến tranh mạng - để đối phó với các lực lượng hải quân và không quân tinh vi hơn của Mỹ. Các chiến lược gia Trung Quốc muốn đạt mục đích bằng cách tránh xung đột, theo binh pháp Tôn Tử. Vì vậy, Trung Quốc muốn đạt các khả năng thông thường đủ để răn đe Mỹ, ngăn Mỹ lao vào một cuộc xung đột tại Tây Thái Bình Dương, hoặc một khi xung đột xảy ra, sẽ ngăn cản các lực lượng của Mỹ tiếp cận tác chiến từ các căn cứ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam.

Nếu Mỹ không chống lại các năng lực này, độ tin cậy của các cam kết an ninh của họ sẽ bị suy giảm. Australia, Nhật Bản và Singapore đều đã bắt đầu đặt câu hỏi về sức mạnh của Mỹ trong khu vực và lo ngại về sự nổi lên của Trung Quốc.

Bất chấp các bằng chứng chưa từng có cho thấy các nỗ lực của Bắc Kinh đang chín muồi, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cắt giảm thêm 465 tỷ USD ngân sách quốc phòng trong thập kỷ tới. Sự cắt giảm này sẽ buộc các cơ quan quân sự của Mỹ giảm đáng kể việc mua sắm các hệ thống vũ khí mới cần thiết để duy trì sự cân bằng về sức mạnh quân sự với Trung Quốc, trong khi giảm các nguồn lực cần để duy trì khả năng sẵn sàng của quân đội.

Một đòn giáng thậm chí mạnh hơn đè lên quốc phòng an ninh của Mỹ sẽ xảy đến vào mùa Thu này: nếu Quốc hội không nhất trí với các kiến nghị của Liên Ủy ban đặc biệt của Quốc hội về Giảm thâm hụt ngân sách, việc cắt giảm tự động ngân sách quốc phòng theo tiến trình "tạm thời" của Luật Kiểm soát Ngân sách sẽ làm giảm thêm 550 tỷ USD tiền dành cho an ninh quốc gia. Khi được hỏi việc cắt giảm ngân sách lớn như vậy phải chăng giống như tự bắn vào chân mình, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta trả lời không do dự: "Không, chúng ta đã tự bắn vào đầu mình".

Châu Á - Thái Bình Dương là một sân khấu trong đó các lực lượng không quân và hải quân có vai trò sống còn. Ủy ban Quân lực Hạ viện (HASC) cho biết việc cắt giảm tạm thời có thể khiến Hải quân phải giảm từ 285 tàu chiến (vốn đã là hạm đội nhỏ nhất trong gần 100 năm qua) xuống còn 238 tàu, ít hơn Hải quân Trung Quốc rất nhiều. Nghiên cứu của HASC cũng cho thấy Không quân, lực lượng được huy động trên khắp khu vực như một cách để ngăn chặn xâm lược và tung ra sức mạnh hủy diệt trong trường hợp khủng hoảng, cũng sẽ phải "mất" hàng trăm máy bay chiến đấu. Các chương trình quan trọng như chế tạo bom thế hệ mới cũng sẽ bị cắt. Lực lượng Lính thủy đánh bộ, một lực lượng có thể hoạt động trong một loạt các sứ mệnh đa dạng tại những vị trí huy động rất xa như ở Nhật Bản, cũng sẽ phải đối mặt với sự cắt giảm lớn, có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động của lực lượng này.

Trong các thập kỷ sắp tới, có lẽ không khu vực nào quan trọng hơn đối với các lợi ích của Mỹ như châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng vào thời điểm mà chúng ta cần thêm nhiều tàu ngầm tấn công, tàu khu trục và máy bay chiến đấu hiện đại cũng như bom để gìn giữ hòa bình trước sự tiến bộ của Trung Quốc, thì giới chức quân sự của chúng ta và các đồng minh lại tự hỏi liệu Mỹ có muốn tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong khu vực nữa hay không.

Khi Washington tính đến việc tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng, chúng ta không thể quên các thách thức chiến lược dài hạn mà chúng ta phải đối mặt. Việc không cung cấp đầy đủ cho các lực lượng của chúng ta ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ làm yếu đi sức mạnh răn đe và tăng khả năng xảy ra xung đột- cuộc xung đột không thể giúp cho Mỹ mà kéo Mỹ vào đó vì các lợi ích quan trọng của nước này trong khu vực. Bằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng ngày hôm nay, chúng ta sẽ phải trả những cái giá đắt không thể chấp nhận được trong tương lai. Và đơn giản là quân đội và quốc gia của chúng ta sẽ không thể chịu đựng nổi./.

Châu Giang dịch từ The Diplomat

Nguồn TuanVietNam: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-11-01-vai-tro-cua-my-o-chau-a-khi-cat-giam-ngan-sach-quoc-phong-