Vai trò của chế tài và đạo đức kinh doanh trong sản xuất thực phẩm

'Thực phẩm bẩn' đang là nỗi nhức nhối và là bài toán nan giải của nhiều gia đình. Tuy nhiên bên cạnh chế tài thì không thể không nhắc tới vấn đề đạo đức kinh doanh.

Phải có chế tài đủ mạnh

Hiện nay, trách nhiệm quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm bao gồm 3 bộ; Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý đối với: phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng. Bộ Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm quản lý đối với: các loại sản phẩm nông nghiệp (như: ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong …); chịu trách nhiệm trong cả quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại sản phẩm nông nghiệp, và tiếp đến là bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý đối với: các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột bánh, mứt, kẹo.

Ngoài ra UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn quản lý.

Đã có ý kiến cho rằng việc “một mâm cơm 3 bộ quản lý” đã dẫn đến tình trạng chồng chéo, trách nhiệm chưa rõ ràng. Và không phải người dân nào cũng nắm được trách nhiệm quản lý về An toàn thực phẩm của các bộ trên. Thậm chí TP.HCM từng đề xuất với chính phủ cho lập Sở chuyên trách về ATTP. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã bị bác.

Tấp nập buôn bán tại chợ đầu mối Long Biên. Ảnh: thutuong.chinhphu.vn

Khi mua phải hàng kém chất lượng, không an toàn, người dân cũng chưa có thói quen khiếu nại, bồi thường như một quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Giả sử, nếu phát hiện ngay bằng mắt thường sản phẩm kém chất lượng thì họ có thể đổi, trả, nhưng nếu sản phẩm có hàm lượng một chất hóa học nào đó vượt ngưỡng cho phép thì họ vô cùng lúng túng không biết phải làm gì vì “lỡ ăn”, không biết phải chứng minh như thế nào, đòi bồi thường ra sao. Phần lớn thực phẩm không an toàn là sự tích tụ dần dần các chất độc hại ảnh hưởng sức khỏe, chỉ có số ít gây phản ứng ngộ độc ngay tức khắc.

Bộ luật hình sự năm 2015 (nhưng chưa có hiệu lực thi hành) đã có quy định từ về tội phạm trong lĩnh vực ATTP. Theo đó, các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, buôn bán hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối, lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi đều được coi là hành vi tội phạm, bị xử lý về hình sự với chế tài nghiêm khắc như; phạt tiền, phạt tù, cấm kinh doanh, trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù giam tới 20 năm. Nếu như bộ luật này có hiệu lực thi hành và các cơ quan chức năng xử lý nghiêm thì vấn đề ATTP sẽ được cải thiện.

Bên cạnh chế tài đủ mạnh, rõ ràng, cụ thể, sát với thực tế… thì các chất thuộc danh mục cấm cần được quản lý chặt chẽ. Bởi thực tế có tình trạng người sử dụng không biết chất này bị cấm, và mức độ độc hại như thế nào, nhưng lại được mua – bán dễ dàng và tràn lan trên thị trường.

Có lẽ chỉ khi vi phạm ATTP bị xử lý hình sự và mức phạt hành chính gấp nhiều lần so với lợi nhuận mang lại thì mới không “nhờn luật”.

Nâng cao đạo đức kinh doanh

Tuy nhiên, song song với chế tài xử lý vi phạm thì một điều cũng khá quan trọng không thể không nhắc tới đó là đạo đức kinh doanh.

Đạo đức kinh doanh được xây dựng trên cơ sở ý thức tự giác của mỗi người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sự nhận thức trong đạo đức kinh doanh là nền tảng để tạo ra an toàn thực phẩm, nhất là sản xuất nhỏ lẻ, mang tính gia đình vẫn còn đang tồn tại hiện nay.

Đạo đức kinh doanh cũng là nền tảng của sự bền vững trong kinh doanh nói chung, tạo ra chữ tín. Nếu không có đạo đức kinh doanh thì sự chụp giật, cơ hội không chỉ diễn ra nhất thời.

Hiện nay, đạo đức kinh doanh đang bị xuống cấp. Người sản xuất thực phẩm sẵn sàng cho những chất độc hại vào để tăng lợi nhuận, bất chấp những nguy cơ, cảnh báo về sức khỏe. Ai cũng biết, đã xác định làm kinh tế thì phải có lãi, nhưng hãy thử cân đong đo đếm xem giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, hãy đặt lợi nhuận cân bằng với sức khỏe giống nòi và đừng làm bằng cả tính mạng của người tiêu dùng.

Hãy cân nhắc lợi nhuận và lợi ích cộng đồng. Ảnh: Internet.

Trong chuyến thị sát tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội ngày 27/9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ: “Bà con buôn bán cần giữ gìn đạo đức kinh doanh, không vì lợi nhuận mà mua bán những loại hoa quả có ngâm tẩm, chứa chất bảo quản độc hại, không rõ nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và cho chính bản thân”.

Tại Hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức, thạc sĩ Trần Trọng Toàn – Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh cho rằng: “ Thực phẩm bẩn” không chỉ làm tổn hại sức khỏe của người tiêu dùng hôm nay, tạo gánh nặng về chi phí y tế cho xã hội, làm giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế, mà còn ảnh hưởng tai hại đến sự phát triển giống nòi của người Việt Nam thuộc các thế hệ tương lai cả về thể lực và trí lực. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm giúp nâng cao sức khỏe người dân, tăng cường nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng xóa đói giảm nghèo và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/vai-tro-cua-che-tai-va-dao-duc-kinh-doanh-trong-san-xuat-thuc-pham-218618.html