Vài trăm nghìn 1 buổi dã ngoại của học sinh, cao không?

Chưa hết nửa học kỳ 1 nhưng nhiều trường học ở Hà Nội đã bắt đầu rục rịch tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại cho học sinh. Địa điểm, mức phí luôn là mối bận tâm của các bậc phụ huynh bởi chi phí cho các chuyến tham quan, dã ngoại của học sinh luôn cao.

Học sinh mẫu giáo tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh chỉ mang tính minh họa không liên quan đến bài viết). Ảnh: T.Hằng

Không thích vẫn phải đăng ký đi

Gần đây, hoạt động tham quan, dã ngoại dành cho học sinh ở các trường học từ cấp mầm non cho đến PTTH trên địa bàn Hà Nội đã trở thành một hoạt động mang tính cố định, được đưa vào như một chương trình ngoại khóa. Thậm chí, có khá nhiều trường học lên kế hoạch cho học sinh đi tham quan, dã ngoại tới vài ba lần trong một năm.

Nhận được thông báo của cô giáo chủ nhiệm là sắp tới lớp con đi dã ngoại, chị Nguyễn Lan An (ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 4 cho biết: “Năm nào cũng tổ chức dã ngoại nhưng chỉ vài điểm như thủy cung, thành phố hướng nghiệp, nông trại... Đến mức con cũng không còn hứng thú khi nhắc tới đi dã ngoại cùng cả lớp vì nhàm chán. Năm trước đã đi rồi, năm nay lại tổ chức điểm dã ngoại ở khu nông trại vùng ngoại thành với mức đóng góp là 250.000 đồng/học sinh, mức này cũng khá cao cho một chuyến đi gần”.

Con gái học lớp 6 cũng chuẩn bị đi tham quan, dã ngoại tại thành phố hướng nghiệp cho trẻ em, chị Hồng Vân (Khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Cũng biết là khu vui chơi con sắp đi có nhiều cái bổ ích, con được làm quen với một số ngành, nghề qua các trò chơi ở khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, hơn 200.000 đồng/trẻ có thể coi là mức phí khá cao, các cháu cũng chỉ được uống sữa và về trường ăn cơm trưa như bình thường. Nếu không đăng ký cũng ngại với cô, vả lại tham quan buổi sáng, buổi chiều vẫn học bình thường”.

Một số điểm đến của học sinh tiểu học, THCS ở Hà Nội hay tổ chức như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Hoàng thành Thăng Long, Thiên đường Bảo Sơn… được các công ty du lịch “chào giá” với mức phí từ 200.000 - 300.000 đồng/học sinh. Đối với cấp THPT, có các chuyến tham quan đến các địa điểm ngoại thành như: Đồng Mô, Ba Vì, Chùa Hương hoặc đi các danh lam thắng cảnh một số tỉnh lân cận như: Tràng An - Ninh Bình, Tây Thiên - Vĩnh Phúc… có mức giá từ 500.000 - 800.000 đồng/học sinh.

Giá cao vì phải “trích lại”

Theo ghi nhận của PV, để tránh phát sinh tình huống mất an toàn, nhiều trường học ở Hà Nội thường chọn các bảo tàng, di tích lịch sử, trang trại… Mặc dù đây là các điểm tương đối an toàn nhưng với học sinh đang ở lứa tuổi thích tìm tòi, khám phá thì các điểm này khó có thể tạo hứng thú cho học sinh nếu không đầu tư tổ chức xen kẽ các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao... Theo các bậc phụ huynh, nhiều địa điểm hiện nay nếu tổ chức đi sẽ mang tính hình thức, phụ huynh tốn tiền nhưng hiệu quả giáo dục không cao.

Hoạt động tham quan, dã ngoại là một nhiệm vụ giáo dục mà trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đặt ra từ nhiều năm nay. Thầy Tùng Lâm, Hiệu trưởng chia sẻ, việc các trường ký hợp đồng với các công ty du lịch thì giáo viên đỡ vất vả nhưng chi phí sẽ tăng thêm so với tự đứng ra tổ chức. Để đảm bảo hiệu quả, an toàn cũng cần sự nỗ lực của giáo viên, chứ không thể để thả nổi các em học sinh tại điểm du lịch, muốn làm gì thì làm. Như vậy là không đảm bảo ý nghĩa giáo dục.

Cũng theo thầy Tùng Lâm: “Hàng năm trường đều lên kế hoạch tổ chức 2 lần dã ngoại cho học sinh. Các em sẽ được cắm trại qua đêm kết hợp biểu diễn thời trang, thi thể thao, bơi lội… Trường rất vất vả, nhưng do có kế hoạch kỹ nên đảm bảo được mọi khâu. Học sinh tham gia rất vui vẻ, gắn bó với nhau bằng hoạt động tập thể. Để có một chương trình ý nghĩa, nếu các trường chọn đơn vị liên kết cần cân nhắc chọn công ty du lịch có uy tín, có chương trình cụ thể, đảm bảo an toàn cho học sinh. Kinh phí phù hợp với khả năng của các bậc phụ huynh”.

Chia sẻ về giá thành của các chuyến tham quan, dã ngoại của học sinh hiện nay, anh Nguyễn Duy Khoa, Phụ trách điều hành các chuyến du lịch tại một công ty du lịch ở Hà Đông cho biết: “Để giảm giá thành, các trường có thể lên kế hoạch tới các điểm tham quan, vui chơi gần, miễn phí hoặc có giá vé vào cửa rẻ. Nếu công ty du lịch tổ chức thường có thêm ăn nhẹ, sữa, nước uống và hướng dẫn viên… nên phí đóng góp cao hơn so với khách thông thường. Bản thân công ty cũng không lãi nhiều, bởi cũng dành ra một khoản trích lại cho quỹ công đoàn của nhà trường”.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường học được phép tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại cho học sinh. Tuy nhiên, kế hoạch phải được phụ huynh thông qua, cơ quan phụ trách cấp trên phê duyệt mới được tổ chức. Lãnh đạo Sở cho biết, các chuyến dã ngoại, tham quan của nhà trường đều phải đặt an toàn lên hàng đầu, đồng thời phải góp phần rèn luyện các kỹ năng mềm cho học sinh. Nếu lựa chọn đơn vị lữ hành để phối hợp cần chọn nơi có uy tín, có kinh nghiệm.

Theo Quang Anh (GĐ&XH)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/vai-tram-nghin-1-buoi-da-ngoai-cua-hoc-sinh-cao-khong-d48136.html