Vài mẩu chuyện nhỏ về nhà thơ Việt Phương

Nhà thơ Việt Phương là người uyên bác thuộc nhiều lĩnh vực như Kinh tế, lí luận chính trị, văn học nghệ thuật.

Lễ viếng nhà thơ Việt Phương từ 11h30 đến 13h30 ngày 10-5-2017 (tức ngày 15-4 năm Đinh Dậu) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, TP. Hà Nội.

Sau đó là lễ Truy điệu. Hóa thân về cõi vĩnh hằng tại Đài Hóa thân Hoàn vũ Văn Điển - Hà Nội.

1- Tôi gặp nhà thơ Việt Phương vào cuối những năm Bảy mươi. Khi ấy chúng tôi từ cuộc chiến về học tại Đại học Tổng hợp (1977) mới có dịp đọc tập thơ Cửa mở của nhà cách mạng Việt Phương. Thật ra gọi thế mới đúng vì ông đã từng hoạt động cách mạng, từng tham gia quân đội đi chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, đã từng bị địch bắt và công việc nhiều nhất là làm thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng...

Hồi đó bọn sinh viên chúng tôi chỉ là chuyền tay nhau đọc vì tập thơ không phổ biến rộng rãi, nghe nói bị cấm (sau này mới biết không bị cấm). Không những chuyền tay nhau đọc mà còn ghi chép. Ngày đó những câu như Nghe đài địch như mở toang cửa sổ, Ta đã biết những vết bùn trên tận chín tầng cao...là vô cùng táo bạo và mới mẻ so với không khí lúc bấy giờ. Còn về tình yêu quả cũng là sự khác thường. Tình yêu của ông là Ta đi yêu người ta yêu nhau. Và tôi cứ ao ước sẽ có một lần được gặp ông và nghe ông nói chuyện về thơ.

Đúng là cầu được ước thấy, tôi đã gặp ông nhưng không phải ông nói chuyện thơ mà nói chuyện...nghị quyết. Chả là Trường Đại học Tổng hợp ngày đó đang học Nghị quyết Đại hội lần thứ IV. Ông đến nói về những vấn đề lý luận về kinh tế của đất nước, về những vấn đề chuẩn bị nghị quyết.

Tôi còn nhớ ông mở đầu cuộc nói chuyện thế này: Vừa rồi tôi có gặp một ông bạn, thấy tôi thế này (to béo) ông ta nói ngay: này làm kinh tế là phải làm cho mọi người giàu có sung sướng to béo như cậu mới là làm kinh tế, không phải chỉ một vài người to béo như cậu, như vậy chỉ có mà...ăn cắp. Thật ra đó là câu nói vui nhưng đằng sau đó là cả một triết lý.

Nhà thơ Việt Phương tại lễ kỷ niệm báo VietNamNet 12 tuổi. Ảnh: Lê Anh Dũng

2- Tôi gặp ông lần thứ hai là vào những năm đầu của thế kỷ 21, dạo đó ông trong Ban tư vấn của VietNamNet mà tôi thỉnh thoảng cũng tham gia.

Nhà thơ Việt Phương hầu như không viết bài nào đăng trên VietNamNet nhưng những ý kiến của ông thật sâu sắc cho anh em trong toà soạn về quan điểm, đường lối của Đảng. Ông là người uyên bác thuộc nhiều lĩnh vực như Kinh tế, lí luận chính trị, văn học nghệ thuật. Sở dĩ VietNamNet ra chuyên trang Tuan VietNam là từ những ý kiến đóng góp này. Ông nói trong báo mạng cần có cả báo ngày và báo tuần, những tin tức là báo ngày còn những vấn đề chuyên sâu là của báo tuần, báo tháng. VietNamNet báo ngày làm tốt nhưng vẫn yếu về chuyên sâu, cần có một trang như vậy.

Trong cuộc họp ông thường đề cho những người khác nói trước. Tôi có cảm giác như giữa ông Nguyễn Trung và nhà thơ Việt Phương có rất nhiều sự đồng điệu về nhận thức. Trong cuộc họp thường ông hay nói: Nguyễn Trung nói trước đi nào, Nguyễn Trung trình bày quan điểm trước đi, có những lần ông nói Nguyễn Trung trình bày về vấn đề này mà anh em mình đã nói cho mọi người nghe đi.

Tôi nhận ra hầu hết những vấn đề mà ông Nguyễn Trung viết có nhiều dấu ấn của Nhà thơ Việt Phương. Ông thường là người nói sau, kết luận vấn đề một cách rõ ràng, minh triết, nhất là những vấn đề liên quan đến tình hình thế giới, tình hình đất nước. Ông có nhiều thông tin nhưng ở ông luôn được rọi chiếu bởi những vấn đề lý luận, những phân tích rõ ràng. Đặc biệt tôi đã nhiều lần mắt tròn, mắt dẹt khi ông nhớ chính xác các cụm từ những quan điểm của các kỳ đại hội, đại hội này thì thế này, đại hội sau thì thêm, bớt những chữ này, chữ này...

VietNamNet và nhất là Tuan VietNam được bạn đọc yêu quí có sự đóng góp vô cùng to lớn của ông.

3- Tôi biết ông với tư cách nhà thơ, với tư cách nhà kinh tế khi ông đảm nhận uỷ viên thường trực tổ tư vấn của Thủ tướng nhưng điều tôi thú vị nhất đó chính là những vấn đề lý luận Triết học. Tôi không thể ngờ được có cả một bản thảo về những vấn đề Triết học những vận dụng những nguyên lý đó vào thực tiễn Việt Nam.

Thật ra tôi và ông đã nhiều lần ngồi riêng với nhau, tôi thường nói chuyện về những vấn đề chính trị, những vấn đề liên quan đến thời ông làm việc với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo. Tôi đã từng làm ở một Ban của Bộ chính trị nên cũng nắm được một số tin tức. Hai chú cháu thường nói chuyện rất lâu. Tôi thích ở cách nói chuyện có nguyên tắc của ông.

Những vấn đề ông biết, ông chứng kiến thì ông mới nói nhưng không quá sa đà vào những đồn thổi vô căn cứ. Nghị quyết 15 lúc đầu có 3 người theo chỉ đạo của Bác là Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng và Trần Quang Huy chuẩn bị. Hai người Là Võ Nguyên Giáp và Hoàng Tùng thì ai cũng biết nhưng Trần Quang Huy là ai thì tôi (và chắc nhiều người) đều chịu. Ông nói Trần Quang Huy là tên tôi, nhưng trong thời kỳ hoạt động ông đổi tên là Việt Phương còn anh bạn ông lấy tên ông làm bí danh. Và đồng chí Trần Quang Huy tên thật là Vũ Khắc Huề Tổng biên tập đầu tiên của báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế của Chính phủ...

Lại nói về tập bài viết về những vấn đề Triết học, một lần nghe Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn giới thiệu tôi là Thạc sỹ Triết học ông đã chăm chú nghe tôi nói về việc giảng dạy triết học ở nhà trường. Ông nói những vấn đề lý luận phải vận dụng nhuần nhuyễn không nên dập khuôn, giáo điều. Ông đọc những vấn đề Triết học của Mác, Ăng ghen bằng tiếng nước ngoài. Ông bảo mình dich cụn từ Chủ nghĩa cộng sản là chưa đúng mà phải dịch là Chủ nghĩa cộng đồng.

Chính vì suy nghĩ như vậy ông đã tập hợp những bài viết thành cuốn vận dụng những nguyên lý Triết học trong thực tiễn Việt Nam. Tôi có cuốn sách đó ông đưa và đã đọc rất say sưa những vấn đề ông viết. Có lần tôi đã giới thiệu với anh bạn là Viện trưởng viện Triết học, anh cũng muốn được đọc và xuất bản cuốn sách đó. Tôi đã trao đổi và được ông đồng ý nhưng rất tiếc việc xuất bản chưa thực hiện được.

4- Dạo Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất tôi có viết bài thơ Lòng dân và đăng trên VietNamNet. Trước khi đăng tôi gửi cho Tổng biên tập nhà thơ Bùi Sỹ Hoa duyệt.

Thơ đăng và nhận được nhiều ý kiến phản hồi tốt từ bạn đọc. Ngoài từ hệ thống phản hồi tôi còn nhận được một thư gửi qua mail đại ý rất thích bài thơ về những cảm xúc và tình cảm với Đại tướng. Cũng vì công việc nên tôi quên bẵng không viết mail cảm ơn về những chia sẻ ấy. Tôi vô tâm không biết người viết mail cho mình là nhà thơ Việt Phương.

Rồi có lần ngồi nói chuyện với nhà báo Kim Dung, tôi có khoe về một bạn đọc đã hoan nghênh bài thơ. Khi xem mail nhà báo Kim Dung ồ lên và trách: Đây là mail của nhà thơ Việt Phương sao anh không trả lời. Lúc đó tôi mới ớ người ra. Trong một lần gặp ông sau này tôi đã xin lỗi vì sự vô tâm của mình.

Thơ ông thì nhiều người đã nói, đã viết. Ông vào Hội nhà văn khi tuổi đã cao. Có người cho rằng ông vào hội chính là đã làm sang cho cái Hội ấy. Sau khi vào hội ông liên tục cho xuất bản nhiều tập thơ (khoảng 7 tập nữa). Những bài thơ sau này ông hay đặt tít chỉ bằng 1 chữ nhưng khái quát vô cùng.

Tuy nhiên nói về thơ mình ông lại rất kiệm lời và vô cùng khiêm tốn. Một lần ngồi cùng tôi và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ông khen thơ Thiều và nói tư duy thơ của Thiều hiện đại gần với tư duy của thế giới mà mình chưa đạt được. Ông thích thơ Thiều có nhiều tầng nhiều lớp, đọc cần có sự chiêm nghiệm...

Thật ra đây không chỉ là một lời đánh giá, một lời khen mà là biểu dương một tư duy thơ, một xu hướng thơ cái mà ông đã khai mở nhưng lại khiêm tốn nói mình chưa đạt được. Nhận được lời khen, lời động viên như vậy là hạnh phúc của người làm thơ.

Nguyễn Đăng Tấn

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/vai-mau-chuyen-nho-ve-nha-tho-viet-phuong-371934.html