VAFI cảnh báo sẽ mất 1 tỉ USD nếu bán nhỏ giọt cổ phiếu Vinamilk

Hiệp hội Các nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) ngày 19.10 đã có công văn gửi Bộ Tài chính cảnh báo về việc Nhà nước sẽ mất 1 tỉ USD nếu bán cổ phần tại Vinamilk (VNM) theo cách của SCIC.

Việc bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk đang được các nhà đầu tư quan tâm

Cụ thể, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thông báo bán cổ phần nhà nước tại VNM thành nhiều đợt và đợt đầu chỉ bán 20% cổ phần nhà nước, tương đương 9% vốn điệu lệ tại VNM.

Theo VAFI, phương án này đã loại bỏ nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược tham gia, hạn chế sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán VNM sẽ rất thấp. Vì đối với các nhà đầu tư lớn là các tập đoàn đa quốc gia chuyên kinh doanh sữa, thực phẩm thì số lượng mua 9% vốn điều lệ không đáng quan tâm bởi khi đó họ chỉ là cổ đông thiểu số hay là cổ đông tài chính và có rất ít quyền về quản trị doanh nghiệp. VAFI khẳng định phương án này sẽ gây thất thu cho nhà nước khoảng 1 tỉ USD nếu so sánh với cách thức bán một lần toàn bộ cổ phần nhà nước, tương đương 45%/vốn điều lệ VNM.

Theo tính toán của VAFI, dự báo nhu cầu mua VNM đợt đầu không nhiều, cầu chỉ hơn cung một chút và giá thắng thầu chỉ tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với giá đang giao dịch niêm yết. Với giá trị doanh nghiệp của VNM hiện nay là hơn 9 tỉ USD, nếu bán đợt đầu nhà nước thu về khoảng trên 800 triệu USD.

Tương tự, nếu lần bán thứ hai, SCIC cũng chỉ bán bớt lượng cổ phần tương ứng 9%/vốn điều lệ và các đợt tiếp theo cũng thế thì tổng số tiền mà nhà nước thu được từ việc bán toàn bộ 45% vốn tại VNM khoảng 4 tỉ USD. Trong khi đó, nếu bán toàn bộ cổ phần chi phối thì sẽ thu hút đông đảo nhà đầu tư chiến lược trong nước và ngoài nước tham gia.

Đồng thời tăng cường sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong cơ cấu cổ đông, đẩy nhanh tốc độ của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra chậm chạp. Để mua được toàn bộ lô cổ phần 45% vốn của VNM, nhà đầu tư chiến lược phải bỏ giá cao hơn giá đang giao dịch niêm yết. Dự kiến giá đấu thành công không thấp hơn 25% so với giá niêm yết, tức là giá VNM được định giá khoảng trên 11,5 tỉ USD và nhà nước sẽ thu được hơn 5 tỉ USD.

VAFI kiến nghị: Nếu Bộ Tài chính chỉ đạo SCIC bán toàn bộ lô cổ phần nhà nước chiếm 45%/vốn điều lệ VNM thì đầu năm 2017 ngân sách nhà nước có ngay 5 tỉ USD và khoản này đủ để hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc Nam đến năm 2020.

Mai Phương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/vafi-canh-bao-se-mat-1-ti-usd-neu-ban-nho-giot-co-phieu-vinamilk-756774.html