Uyên ương

(TGĐA) - Mối tình điên dại, vô vọng và đẹp như thơ giữa một cô gái Paris trẻ trung

xinh đẹp với một người Mỹ già, liệu có gợi nhớ Lolita của Nabokov hay chỉ đưa ta vào thế giới huyễn tượng đầy đam mê, hạnh phúc, trầm thống, có phần bệnh hoạn mà Bernardo Bertolucci tạo ra?

Tôi muốn nói đến tác phẩm điện ảnh Last Tango in Paris (1972), một phim tôi xem đi xem lại trên mười lần, và lần nào cũng thế, cũng đều bị cuốn ào mối duyên nợ cắt chẳng lìa của Marlon Brando với Maria Schneider. Có nên xem họ, cặp đôi ấy, là đôi uyên ương đẹp nhất lịch sử điện ảnh không nhỉ? Có nên xem họ như Juliet và Romeo của thời hiện đại?

Nhiều yếu tố tính dục, nhiều khuôn hình ám ảnh, nhiều lời thoại không thể quên, và đặc biệt, nhạc vang lên như một chiếc nệm hoa đỡ lấy thân thể đôi tình nhân, ấy là Last Tango in Paris.

Tôi không rõ mình yêu phim vì đạo diễn, hay vì đôi uyên ương tuyệt vời của phim. Dù thế nào đi nữa, tòa án Bologna đã cấm chiếu phim này với lời phán quyết: “Dơ bẩn, đầy bản năng thấp kém, chỉ săm soi vào khía cạnh thỏa mãn sinh lý, toàn những gợi ý bằng hình ảnh, âm thanh cho tính dục” thì cũng có lý, bởi kết cục phim là một cái chết, cô gái giết người tình. Thì cũng có lý, Bertolucci làm bạo tay hơn mọi đạo diễn Âu châu (chứ đừng nói gì đến đạo diễn Mỹ vốn Thanh giáo, bảo thủ và che chắn an toàn) để Last Tango in Paris được liệt vào hàng những bộ phim bị chỉ trích nhiều nhất. Nhưng tất cả các phản ứng âm tính đó không làm mờ đi chút nào mối tình đẹp như thơ (cho dù đây là thơ chết chóc) của hai nhân vật chính. Của Brando và Schneider.

Họ là đôi uyên ương đẹp nhất trong trí tưởng tôi.

Vì sao tôi thích Last Tango in Paris? Chỉ riêng yếu tố tình dục không đủ giải thích. Bộ phim, trước tiên là một chuyện tình lãng mạn, ở đó, hạnh phúc ngập tràn và đau khổ tột cùng đan xen như những phím đen trắng đàn dương cầm. Vợ chết, người đàn ông (Marlon Brando) lập tức dan díu với cô đầm trẻ (Maria Schneider), họ trải qua những buổi chiều chìm đắm trong hoan lạc thể xác. Brando và Schneider, Paul và Jeanne trong phim, quấn lấy nhau để căn hộ biến thành “địa đàng của ta đó”. Rồi Jeanne cũng trở về với thế giới hiện thực, nơi có bà mẹ góa chồng, nơi có vị hôn phu chờ đợi. Bỏ lại một Paul luống tuổi, với cái chết dành riêng cho ông như món quà không thể từ chối của thần ái tình.

Họ không yêu chỉ vì xác thịt, Paul muốn thông qua hoạt động thể xác, đi sâu vào thế giới tâm hồn của Jeanne - “Vì sao ông muốn làm tình với em?” - “Vì tôi muốn nhập vào tâm hồn em”. Bi kịch bắt đầu từ đó: người ta chỉ bị quyến rũ bằng tính dục, chưa làm nên bi kịch; bi kịch chỉ diễn ra khi người ta mong mỏi một cái gì cao hơn hoạt động sinh lý. Paul say khướt khi nhảy trong quán rượu, và trong trạng thái thể chất hoàn toàn băng hoại ấy, ông thú nhận mình đã yêu.

Những trường đoạn của đôi uyên ương, từ cuộc đối thoại, dạo phố cho đến cảnh phòng the, đều đượm chất thơ tối ám, bi thương, nồng nhiệt và điên rồ. Bầu không khí cho đôi tình nhân là bầu không khí ước lệ: Paris không chỉ có thế, và chẳng nơi nào trên mặt đất này giống như thế. “Địa đàng” của đôi uyên ương nửa hư nửa thực, nó là chốn không-nơi-đâu, một cái làng Macondo.

Quốc Bảo

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/index.php?catid=34:phia-sau-ong-kinh&id=5023:uyen-ng&Itemid=27&option=com_content&view=article