Ủy ban Tư pháp: Quy định 'biên chế suốt đời' tạo nên sức ì rất lớn

Với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ ngày 28/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã nhấn mạnh các vấn đề khiến dư luận bức xúc thời gian qua, trong đó có việc điều động, bổ nhiệm cán bộ.

“Mới đây nhất cử tri có phản ánh có Sở 46 người nhưng có tới 44 lãnh đạo, chỉ có 2 chuyên viên. Thực trạng này gây nghi ngờ, bức xúc trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng nói chung và phòng chống tham nhũng trong công tác cán bộ nói riêng”, bà Nga nói.

Theo đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo người có trách nhiệm tổng kiểm tra, rà soát và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.

Bên cạnh những hạn chế trong việc điều động, bổ nhiệm cán bộ, công chức như đã nêu ở phần trên, theo bà Nga, với quy định “biên chế suốt đời”, “có vào không có ra”, “có lên không có xuống” đã tạo nên sức ì rất lớn, dù cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả nhưng người đứng đầu rất khó để xem xét trách nhiệm và kỷ luật họ.

Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, “dễ mình dễ ta”.

Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị để phòng chống tham nhũng còn hạn chế. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn để xác định các giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ lưu ý một thực tế hết sức quan trọng, đó là: hiện nay có những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”…

Các nghiên cứu quốc tế về tham nhũng đã khẳng định rằng: Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực - đây chính là bản chất và là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ.

Do đó, theo Ủy ban Tư pháp, Chính phủ cần nghiên cứu để cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng có hiệu quả và góp phần thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.

N.Mạnh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/uy-ban-tu-phap-quy-dinh-bien-che-suot-doi-tao-nen-suc-i-rat-lon-2132869.html