Ưu tiên về hợp tác hải quan trong năm APEC 2017

Ngày 16-11, tại TP.HCM, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan phát triển Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Xác định chủ đề và ưu tiên về hợp tác hải quan trong năm APEC 2017 tại Việt Nam”. Đây là lần thứ hai, sau hơn 10 năm Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2006 và là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập APEC.

Đại diện Cục Hải quan TP.HCM nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: T.D

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, hội thảo này là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ SCCP 2017 với mong muốn là tiền đề chuẩn bị tốt nhất cho SCCP APEC 2017 và đóng góp cho một kỳ họp SCCP năm tới thật thành công tại Việt Nam.

Nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh trong chống khủng bố, di cư bất hợp pháp và kiểm soát vận chuyển hàng hóa trong tình hình buôn lậu và vận chuyển các chất ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi với khối lượng lớn. Những thách thức về an ninh thương mại trong kỷ nguyên số hay áp lực về duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu... đòi hỏi trách nhiệm và sức mạnh liên kết của lực lượng hải quan khu vực và quốc tế trong đó có trọng trách của chúng ta để đảm bảo an ninh huyết mạch cho khu vực có tầm chiến lược quan trọng như APEC.

Liên quan đến các ưu tiên về hợp tác hải quan trong năm APEC 2017, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận và đề xuất nhiều sáng kiến nhằm tận dụng cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật quản lý hải quan hiện đại góp phần thúc đẩy quá trình cải cách hiện đại hóa…

Ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP.HCM cho biết, hiện ở một số nước như Mỹ, Autraslia, Singapore việc thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh và hải quan chỉ là một nên việc kết nối trao đổi thông tin được thông suốt, nhanh chóng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện việc thực hiện hai cửa rất nhiêu khê, cơ quan Hải quan chưa nhận được sự chia sẻ dữ liệu điện tử từ Cục xuất nhập cảnh đối với nhân thân của người nhập cảnh để kết nối với hành lý của họ trong công tác kiểm tra. Do đó, Tiểu Ban thủ tục hải quan của APEC 2017 nên đưa vấn đề này vào chương trình ưu tiên.

Ông Phan Thanh Sơn, đại diện Cục Hải quan Khánh Hòa đề xuất, hiện việc thông quan hàng hóa còn chậm như kiểm tra C/O, kiểm tra chất lượng hàng hóa. Các thành viên APEC nên công nhận chất lượng hàng hóa lẫn nhau, trong đó có cơ chế đảm bảo cho người thực hiện nhằm tránh rủi ro.

Đặc biệt, theo nhiều đại biểu, cơ chế một cửa trong khuôn khổ Việt Nam đã kết nối. Tuy nhiên, trên thực tế một cửa quốc gia mới có 10/18 bộ ngành tham gia với 27 thủ tục của cơ quan chuyên ngành được thực hiện trên cơ chế một cửa. Bởi phần mềm một cửa khó sử dụng, không phù hợp với tất cả các bộ, ngành. Điều này cho thấy giải pháp công nghệ thông tin chưa được tốt. Theo đó, cơ chế một cửa của APEC cần phải thực hiện tốt giải pháp về công nghệ thông tin. Nhất là trong bối cảnh các thành viên APEC trình độ phát triển có sự chênh lệch nhau.

Đồng quan điểm, ông Nestor Scherbey, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Customs, Trade & Risk Management Services (Việt Nam) cho rằng, ủng hộ hoàn toàn việc sử dụng cơ chế một cửa hải quan quốc gia vì chúng tôi biết rằng, vấn đề thủ tục thông quan hàng hóa không chỉ do cơ quan hải quan mà còn phụ thuộc vào các cơ quan liên ngành, các bộ. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp, vì thời gian thông quan chậm.

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận một số vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng như quá cảnh hải quan; phát triển chương trình DN ưu tiên và tăng cường quan hệ hợp tác Hải quan- doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử biên giới; tăng cường thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới...

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/uu-tien-ve-hop-tac-hai-quan-trong-nam-apec-2017.aspx