Ưu tiên lợi ích của người dân

NĂM 2017, DỰ KIẾN THÀNH PHỐ HÀ NỘI SẼ THU HỒI 3.743 HA ĐẤT ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 1.026 DỰ ÁN. DIỆN TÍCH ĐẤT THU HỒI LỚN SẼ CÓ TÁC ĐỘNG KHÔNG NHỎ ĐẾN NGƯỜI DÂN VÀ MÔI TRƯỜNG. CHÍNH VÌ VẬY, TẠI HỘI NGHỊ PHẢN BIỆN XÃ HỘI VỀ NỘI DUNG NÀY VỪA ĐƯỢC MTTQ THÀNH PHỐ TỔ CHỨC, NHIỀU Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ TRƯỚC KHI HĐND THÀNH PHỐ THÔNG QUA CẦN ĐÁNH GIÁ TỔNG THỂ CÁC TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN, TRONG ĐÓ LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI DÂN LÀ ƯU TIÊN SỐ MỘT.

Theo dự thảo tờ trình về việc thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2017; dự án công trình chuyển mục đích trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2017 thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố vừa được đưa ra lấy ý kiến, trong 1.026 dự án năm 2017 có 944 công trình, dự án cần thu hồi đất với tổng diện tích hơn 3.000 ha và 423 công trình, dự án chuyển đổi mục đích sử dụng với diện tích là 876,9 ha.

Tại hội nghị phản biện về nội dung này do MTTQ thành phố tổ chức, phần lớn các ý kiến đồng tình với dự kiến số lượng dự án, công trình thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng năm 2017 nêu trong tờ trình. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi trong triển khai thực hiện, khi nhiều dự án của năm 2016 còn đang “dậm chân tại chỗ”. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong 1.460 dự án phải thu hồi đất trong năm 2016, thì có tới 221 dự án không thực hiện được phải đưa ra khỏi danh mục. Dự báo, đến cuối năm nay thành phố cũng chỉ triển khai thực hiện được khoảng 86,5% kế hoạch, tương đương với hơn 2.000 ha đất được thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng. Nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường là do một số quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai còn chồng chéo, cho nên các dự án thường bị kéo dài hơn dự kiến. Ngoài nguyên nhân khách quan về cơ chế, chính sách, còn có nguyên nhân chủ quan là công tác dự báo một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa sát với thực tế và chưa sát với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng thực hiện. Việc thực hiện đăng ký nhu cầu sử dụng đất của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn mang tính chủ quan.

Lo ngại trước thực tế nhiều dự án dù đã đưa vào danh mục, nhưng buộc phải đưa ra vì không khả thi trong thực hiện, tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm (Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội) đề nghị cần phân tích, làm rõ từng dự án chậm trễ của năm 2016, trên cơ sở đó làm căn cứ xác lập danh mục dự án năm 2017 bảo đảm tính khả thi cao hơn. Các danh mục năm 2017 cần bám sát định hướng phát triển, tuy nhiên cần đề cập tới các dự án đã được chuyển đổi chức năng, di dời ra khỏi khu vực nội đô để sử dụng hiệu quả. Mặt khác, thành phố đã có quy hoạch vườn hoa, cây xanh, mặt nước từ năm 2014 trong đó xác định diện tích cần bổ sung trong khu vực nội đô là 687 ha, chúng ta cần đưa ngay một số dự án này vào kế hoạch năm 2017 bởi đây là nhu cầu thiết yếu của người dân.

Ông Vũ Hoàng Vĩnh, đại diện Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật MTTQ thành phố Hà Nội chỉ rõ, một trong những hạn chế tại các dự án có vốn ngoài ngân sách của năm 2016, đó là chủ dự án vừa đăng ký danh mục, vừa lo thủ tục, cho nên tính hiệu quả không cao. Vì vậy trong năm 2017 cần rà soát kỹ hơn nội dung này. Với các dự án khi triển khai sẽ tác động đến môi trường, sinh thái và tư tưởng, dư luận trong nhân dân cần được đánh giá kỹ, thận trọng, bảo đảm dân chủ khi lấy ý kiến nhân dân trong vùng. Thí dụ như dự án nghĩa trang Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì; lò đốt rác thải rắn tại xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên hay khu xử lý rác Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa. Tại quận Long Biên, có nhiều dự án đất xen kẹt không lớn về diện tích nhưng có giá trị về kinh tế và là vấn đề nhạy cảm về dư luận xã hội. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, khi lập dự án cần ưu tiên đến nhu cầu của người dân trong khu vực như xây dựng trạm y tế, nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng, hơn việc chỉ coi đây là các nguồn lực của địa phương khi đấu giá.

Để tạo quỹ đất phục vụ quá trình đô thị hóa, việc thực hiện thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, giải phóng mặt bằng cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình công cộng phục vụ lợi ích quốc gia, các khu công nghiệp, đô thị là việc làm tất yếu. Tuy nhiên, việc thu hồi đất như thế nào cho hiệu quả, tránh thu hồi xong rồi để hoang hóa, biến thành dự án “treo” gây lãng phí tiền của, đất đai là vấn đề cần tính toán kỹ. Theo Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, thời gian tới MTTQ sẽ tham gia giám sát, phản biện, bảo đảm các dự án nếu thu hồi phải có chủ trương, nếu là chuyển mục đích sử dụng phải có kế hoạch, hạn chế thấp nhất tình trạng các đơn vị ào ào đề xuất, tổng hợp rồi đưa vào danh mục. Cùng với đó, MTTQ, các tổ chức thành viên và nhân dân sẽ công khai giám sát minh bạch trong quá trình triển khai để việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng mục đích và đạt hiệu quả, trong đó lợi ích của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31401402-uu-tien-loi-ich-cua-nguoi-dan.html