Ưu tiên hàng đầu là bình ổn giá và an toàn thực phẩm

Ngoài việc tăng cường bình ổn để giá cả không tăng vọt vào những ngày cao điểm Tết, các cơ quan, ban, ngành TP Hồ Chí Minh còn siết chặt công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân yên tâm vui xuân.

Hàng Tết đã sẵn sàng

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đến nay các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị hàng Tết đạt 80%. Năm nay, DN tại thành phố sản xuất, dự trữ gần 17.069 tỷ đồng hàng hóa trong hai tháng cao điểm Tết, tăng 5,3% so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân. Riêng đợt cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 29-12-2016 đến 27-1-2017), các DN chuẩn bị gần 9.705 tỷ đồng hàng hóa; trong đó hàng bình ổn thị trường gần 3.765 tỷ đồng. Các mặt hàng bình ổn sẽ giữ giá bán đã đăng ký với Sở Tài chính trong tháng trước và sau Tết (từ ngày 1-1-2017 đến hết ngày 28-2-2017).

Các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị đủ nguồn hàng phục vụ thị trường Tết.

Theo Sở Công Thương, hàng hóa, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh chủ yếu đến từ các chợ đầu mối, chiếm 60% - 70% thị phần (rau củ quả, thủy hải sản, thịt gia súc). DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30% đến 40% thị phần; các DN khác chiếm 10% - 20%. Hiện lượng hàng hóa nhập về 3 chợ đầu mối bình quân trên 8.500 tấn/ngày, dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày. Các hệ thống phân phối lớn cũng cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng hàng Tết.

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết đơn vị này đã chuẩn bị hơn 110.000 tấn hàng hóa, tăng 15% so với năm trước. Trong đó, lượng hàng bình ổn tăng từ 5% đến 30% tùy nhóm, các mặt hàng còn lại có độ tăng trưởng khác nhau từ 10% đến 30%. Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh, Giám đốc Marketing Lotte Mart Vietnam cũng cho biết, tùy theo từng mặt hàng mà hệ thống siêu thị này chuẩn bị tăng từ 20% đến 40% lượng hàng so với Tết năm trước. Hệ thống siêu thị Big C cũng đã chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Các hệ thống này đều có khuyến mãi giảm giá từ 5% đến 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.

Năm nay, dự báo thị trường thành phố tiêu thụ khoảng 18.000 tấn bánh, mứt, kẹo. Các công ty bánh kẹo chuẩn bị nhiều sản phẩm mới dành biếu tặng, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương bánh ngoại nhập và giá không tăng nhiều so Tết Bính Thân. Công ty Bibica đưa ra thị trường 1.800 tấn sản phẩm, tăng 10% so với cùng kỳ. Sản phẩm Tết của công ty này đã có mặt trên quầy kệ cách đây một tháng, có nhiều phân khúc từ cao cấp cho đến bình dân, giá từ 45.000 đến 350.000 đồng/sản phẩm. Công ty Mondelez Kinh Đô đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm với 40 loại bánh, có mức giá dao động từ 40.000 đến 194.000 đồng/sản phẩm.

Một trong những mặt hàng có giá luôn tăng mạnh trong dịp Tết như bia, nước giải khát thì năm nay, thông tin từ các nhà máy bia cũng cho biết sẽ không tăng giá. Dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này trong tháng Tết là khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát, tăng khoảng 30% so với thông thường.

Tăng cường quản lý giá, truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Tết năm nay, người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh sẽ có nhiều thịt sạch hơn bởi từ ngày 10-12, đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn sẽ được triển khai. Theo Sở Công Thương, hiện đã có 15 công ty lớn và khoảng 1.000 hộ chăn nuôi tham gia chương trình với trên 500 điểm cung ứng, dự kiến lượng lợn cung ứng đạt khoảng từ 7.000 đến 8.000 con/ngày. Trong những ngày cận Tết khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thịt lợn được truy xuất nguồn gốc có thể đáp ứng từ 10.000 đến 15.000 con/ngày.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến Tết sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng; tăng cường kiểm tra giá cả nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, găm hàng, tăng giá… Sở Công Thương cũng yêu cầu ban quản lý các chợ truyền thống có phương án tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát về việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết và bán đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tại cuộc họp với TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp ngày 29-11 về chuẩn bị hàng hóa cho Tết Đinh Dậu 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng Tết của thành phố như chuẩn bị nguồn hàng, phát triển điểm bán, bình ổn thị trường..., đồng thời đề nghị địa phương tăng cường tập trung kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm và chất lượng của hàng bình ổn, trong đó quan tâm đến việc tuyên truyền cho đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn, tạo điều kiện cho mô hình này phát triển phục vụ người dân tốt hơn.

Đặng Loan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/856713/uu-tien-hang-dau-la-binh-on-gia-va-an-toan-thuc-pham-