URC bồi thường thiệt hại: Vấn đề không chỉ là tiền…

Nguyên nhân C2 và Rồng đỏ nhiễm chì vẫn đang hết sức “mù mờ”. Ngoài ra, người tiêu dùng khi uống sản phẩm nhiễm chì đó nguy cơ đối với sức khỏe ra sao cũng chưa có thông tin chính thức. “Chưa làm rõ đã đưa ra con số đền bù 3,9 tỷ đồng là hết sức vô lý”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi – Chủ nhiệm CLB phụ nữ với tiêu dùng đưa ra ý kiến.

Cần làm rõ mức độ gây hại

Cho đến thời điểm này, Công ty URC xác định, có hơn 40 nghìn sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì không thu hồi được. Con số này được hiểu là số sản phẩm trên người tiêu dùng đã mua và sử dụng hết.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, trước khi quan tâm đến con số đền bù, cơ quan chức năng cần làm rõ người tiêu dùng cụ thể là ai đã phải chịu thiệt hại. Nếu không xác định được người tiêu dùng cụ thể, vậy bây giờ số tiền đó để làm gì, đi về đâu, bồi thường cho ai… “Nếu tiền phạt hay tiền đền bù mà không minh bạch thì người tiêu dùng cũng không hề hưởng ứng”, bà Quỳnh Chi đưa ra quan điểm.

Quan điểm của bà Quỳnh Chi rất rõ ràng. Theo đó, trong vụ việc C2 và Rồng đỏ bị nhiễm chì này sẽ rất khó và có thể là không xác định được cụ thể người tiêu dùng nào đã sử dụng sản phẩm. Không xác định được nên việc định lượng và định tính để đưa ra một con số đền bù là rất khó. Trong trường hợp này, với hơn 40 nghìn sản phẩm nhiễm chì không thu hồi được và được xem như người tiêu dùng đã mua, đã sử dụng thì nguy cơ họ mắc bệnh là rất lớn”, bà Chi lập luận.

Bà Quỳnh Chi cho rằng, vấn đề lớn nhất, đáng quan tâm nhất là sức khỏe người tiêu dùng chứ không phải là tiền. Các cơ quan chức năng, các nhà khoa học phải làm rõ, lượng chì trong một chai nước là bao nhiêu? Nếu một người bình thường uống một chai đó nguy cơ ra sao, trẻ em uống có khả năng bị thế nào? Thể trạng người khỏe uống có sao không? Nếu người già, người đang ốm uống phải thì nguy cơ làm sao….

“Doanh nghiệp sai đương nhiên về mặt quản lý nhà nước anh sẽ bị phạt nhưng với người tiêu dùng, những người có nguy cơ thì phải làm rõ lúc đó mới đưa ra được cách xử phạt. Riêng vấn đề tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh khi uống phải sản phẩm nhiễm chì phải được làm rõ. Đến bây giờ người tiêu dùng cũng chỉ biết là C2, Rồng đỏ nhiễm chì nhưng chẳng ai nhận được khuyến cáo nào từ cơ quan chức năng”, bà Quỳnh Chi thắc mắc.

Ngoài ra, theo bà Quỳnh Chi, cơ quan chức năng cũng phải xác định tại sao chì có trong sản phẩm C2 và Rồng đỏ? Lỗi từ nguyên liệu hay do quá trình sản xuất? Khi chưa làm rõ được những câu hỏi như trên đã đưa ra một con số đền bù bà Quỳnh Chi cho rằng “không thỏa đáng”.

Một điều nữa mà bà Quỳnh Chi cho rằng hết sức vô lý là hiện nay một số cơ quan truyền thông vẫn quảng cáo về sản phẩm C2 và Rồng đỏ. “Trước khi phát hiện C2 và Rồng đỏ nhiễm chì thì 2 sản phẩm nay đã được quảng cáo rầm rộ. Người tiêu dùng cũng đã tin tưởng nên dùng. Cuối cùng, người tiêu dùng đã uống phải sản phẩm nhiễm chì. Vậy, ngoài nhà sản xuất, những người quảng cáo sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao”.

“Khi sản phẩm đã bị lỗi vẫn tiêp tục quảng cáo là nghịch lý. Đáng ra, khi đã bị “phốt” thế này, C2 và Rồng đỏ không được quảng cáo nữa. C2 và Rồng đỏ như thế mà vẫn quảng cáo, liệu anh sẽ chịu trách nhiệm. Đây là việc làm hết sức vô lý”, bà Quỳnh Chi nói.

Bà Quỳnh Chi đưa ra kiến nghị: Vụ việc C2 và Rồng đỏ nhiễm chì là vụ việc nghiêm trọng, không chỉ liên quan đến Luật bảo vệ người tiêu dùng mà còn liên quan đến Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, Luật cạnh tranh, Luật thương mại. Phải vận dụng tất cả các Luật đó vào thì mới xử lý đến nơi đến chốn sai phạm của URC.

Phải vì lợi ích của người tiêu dùng

Trước đó, trong buổi làm việc giữa URC, Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN (Vinastas), ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Vinastas - đã đề nghị URC phải dành ra một khoản tài chính để bồi thường cho người tiêu dùng.

Mức bồi thường đề xuất dựa trên tổng số sản phẩm nhiễm chì đã bán ra thị trường, tương đương số tiền gần 3,9 tỉ đồng. Vinastas đề xuất số tiền này nếu không có người tiêu dùng khiếu nại, sau 3 - 6 tháng, sẽ được sung vào công quỹ để nhà nước chi dùng vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số tiền đó chỉ là phần bồi thường về mặt vật chất, còn tinh thần, sức khỏe của người dùng là chưa tính đến.

Ngoài ra, những trường hợp người tiêu dùng nếu chứng minh được mình bị tổn hại do sử dụng sản phẩm URC bị nhiễm chì cũng sẽ được đền bù riêng lẻ thông qua con đường khởi kiện ở tòa án.

Tuy nhiên, ông Hùng cho biết chiếu theo các quy định hiện nay của VN, việc khởi kiện các công ty vi phạm như URC ra tòa rất khó vì thiếu bằng chứng. Chiếu theo pháp luật hiện hành, yêu cầu người tiêu dùng chứng minh thiệt hại hay yêu cầu về bằng chứng chẳng khác nào một sự thách đố.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Đến thời điểm này vẫn chưa có con số đền bù chính thức. Bên URC vẫn nói là chịu trách nhiệm bồi thường tất cả những thiệt hại nhưng cụ thể thế nào vẫn chưa có. Phía Vinastas đã thảo một thông cáo báo chí gửi URC và chờ xem họ có thống nhất với phương pháp chúng tôi đưa ra hay không? Vinastas muốn tổ chức họp báo nhưng URC lại muốn gửi thông cáo báo chí. Nếu họp báp sẽ rất thuận, Pv có thể đặt câu hỏi để URC trả lời, như thế mới có sự chia sẻ thông tin.

Cũng theo ông Hùng, Vinastas và URC vẫn tiếp tục thảo luận để thống nhất ý kiến, hiện tại vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. “Giả sử URC đền bù với số tiền bằng sản phẩm đã bán ra nhưng không thu hồi được thì tiền đó sẽ được quản lý thế nào, sử dụng ra sao… việc này lại phải tính toán tiếp. Ai giám sát, ai quản lý nguồn tiền đó thì mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ lợi ích chung người tiêu dùng”, ông Hùng nói.

Hà Thiều

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/urc-boi-thuong-thiet-hai-van-de-khong-chi-la-tien-118790