UPCoM: Mục sở thị “hàng mới” quý III

Đã có thêm 27 cổ phiếu gia nhập thị trường UPCoM trong quý III vừa qua. Dù không có những cái tên đình đám, song vẫn có một số cổ phiếu chất lượng, nhận được sự quan tâm đáng kể của nhà đầu tư.

Tính đến hết quý III/2016, UPCoM chào đón thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn, với đa dạng thành phần: từ những doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP (KSK, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng), Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam – CTCP (VOC, vốn điều lệ 1.218 tỷ đồng)… hay cổ phiếu có giá chào sàn “ngất ngưởng” như ABC của CTCP Truyền thông VMG đạt 28.500 đồng/CP (nếu tính từ đầu năm, mức giá chào sàn của ABC chỉ thua kém cổ phiếu VGG của May Việt Tiến là 40.000 đồng/CP)..., đến những “hàng thải” như cổ phiếu FDG của CTCP Docimexco (trở lại sàn chứng khoán sau 2 năm bị hủy niêm yết), hay các cổ phiếu chào sàn dưới mệnh giá như DC1 của CTCP Đầu tư phát triển xây dựng số 1 (5.100 đồng/CP), SP2 của CTCP Thủy điện Sử Pán 2 (7.000 đồng/CP)...

Với đa dạng các loại cổ phiếu như vậy, VOC và VNB được xem là 2 “tân binh” đáng chú ý nhất. Trong khi VOC là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dầu thực vật, với cổ đông chiến lược là “đại gia” KIDO, thì VNB hấp dẫn bởi có sự xuất hiện của “ông lớn” Vingroup, cũng như quỹ đất khủng mà doanh nghiệp này sở hữu.

Kể từ khi gia nhập UPCoM, giá cổ phiếu VOC tăng một mạch từ 13.500 đồng/CP lên 25.900 đồng/CP, tức gần gấp đôi, trong khi VNB dù diễn biến tăng giảm đan xen, nhưng cũng ghi nhận mức tăng mạnh, từ 13.000 đồng/CP lên 20.000 đồng/CP (giá chốt phiên 30/9).

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm nay, VOC đạt doanh thu thuần 2.554,5 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 11,5%, đạt 217,3 tỷ đồng. Kết quả này trái ngược hẳn so với thực hiện năm 2015, khi doanh thu thuần đạt 5.035 tỷ đồng, giảm 13,46% so với năm 2014 (5.713 tỷ đồng), còn lợi nhuận sau thuế lại tăng mạnh 68,26%, đạt 525 tỷ đồng (năm 2014 lãi ròng 312 tỷ đồng).

Trong 2 năm 2016 và 2017, VOC đặt mục tiêu doanh thu đều là 4.100 tỷ đồng; còn lợi nhuận sau thuế lần lượt là 140 tỷ đồng và 150 tỷ đồng; tỷ lệ chia cổ tức 8%/năm. Trong diễn biến mới nhất, nhiều khả năng KIDO sẽ nâng sở hữu tại VOC từ 24% hiện nay lên tối thiểu 51% để trở thành công ty mẹ nắm quyền kiểm soát đối với VOC.

Về phía VNB, tính đến 10/6/2016, doanh nghiệp này có 2 cố đông lớn nhất là Vingroup và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, với sở hữu lần lượt là 65,3% và 10% vốn điều lệ. Mặc dù là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh sách, văn hóa phẩm , tuy nhiên, đây không phải là điểm hấp dẫn của VNB, mà lợi thế nằm tại những bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội mà VNB đang sở hữu như: khu đất tại số 2 Dịch Vọng, Cầu Giấy; khu đất tại số 44 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm; khu nhà, đất tại số 22A Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm…

Về hoạt động kinh doanh, trong giai đoạn 2012-2015, doanh thu của VNB đã “cài số lùi”, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 200-500 triệu đồng mỗi năm. Gần nhất, trong 2 năm 2014 và 2015, VNB đạt doanh thu thuần mỗi năm hơn 31 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lần lượt là 429 triệu đồng và 400 triệu đồng. Sau khi cổ phần hóa và tăng vốn điều lệ từ 68 tỷ đồng lên 679 tỷ đồng, năm 2016, VNB dự kiến tổng doanh thu 185 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 48,2 tỷ đồng, đều tăng đột biến so với thực hiện 2015, chia cổ tức tỷ lệ 3,55%/năm.

Quý IV này, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn khác hứa hẹn sẽ gia nhập UPCoM như Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng), CTCP Cao su Tân Biên, CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan)…

Mới đây, thông tin từ HNX cho biết, nhiều tên tuổi lớn được giới đầu tư chờ đợi lên sàn đã nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên UPCoM. Trong đó, bao gồm các doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Vinatex (vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV (vốn điều lệ 21.771 tỷ đồng), Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng), Tổng công ty Điện lực TKV (vốn điều lệ 6.800 tỷ đồng), Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (vốn điều lệ 1.400 tỷ đồng)... Hiện tại, HNX đã có quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cho 2 doanh nghiệp trong số này là Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc với mã giao dịch MVB và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội với mã giao dịch HAN.

Như vậy, có thể thấy rằng, UPCoM trong thời gian tới sẽ đón nhận nhiều hàng hóa chất lượng, hứa hẹn mang lại nhiều lựa chọn cũng như cơ hội cho nhà đầu tư.

Theo thống kê của HNX, 9 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân/phiên trên UPCoM đạt 8,29 triệu đơn vị, giá trị giao dịch bình quân/phiên đạt 119,88 tỷ đồng, gấp tương ứng 2,1 lần về khối lượng và 2,07 lần về giá trị so với năm 2015. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 383 tỷ đồng trong 9 tháng qua trên UPCoM.

Anh Quốc

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/upcom-muc-so-thi-hang-moi-quy-iii-165637.html