Uống bia trong giờ làm việc bị xử lý thế nào?

Bạn đọc có địa chỉ email: lthungthien@xxx cho biết: Bạn có vi phạm nội quy của Cty (uống bia trong giờ làm việc) nên bị Cty cho ngừng việc để họp xét kỷ luật. Bạn có nghe nói mình sẽ bị trừ tiền lương tháng do phạm lỗi trên. Bạn hỏi, khi họp xét kỷ luật thì Cty có cho bạn dự hay không?

Ảnh minh họa - Nguồn: IE

Luật sư Tăng Quốc Thừa - Đoàn luật sư TPHCM trả lời: Điều 125 BLLĐ 2012, quy định về hình thức kỷ luật lao động (KLLĐ) như sau: Khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá sáu tháng, cách chức; sa thải.

Điều 128 BLLĐ quy định về những hành vi bị cấm khi xử lý KLLĐ: Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của NLĐ; dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý KLLĐ.

Điều 123 BLLĐ quy định về nguyên tắc, trình tự xử lý KLLĐ như sau: NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ; phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; NLĐ phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

Căn cứ vào những quy định này thì Cty không được dùng hình thức trừ lương của bạn khi xử lý kỷ luật và khi họp xét xử lý KLLĐ thì bạn được quyền có mặt tham dự phiên họp để tự bào chữa, hoặc nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Bạn đọc có số điện thoại 03213789xxx (Hưng Yên) gọi đến đường dây nóng của Văn phòng TVPL Báo Lao Động hỏi: Trước đây, bạn và Cty có ký HĐLĐ 6 tháng, Cty đã đóng BHXH hằng tháng cho bạn. Khi hết hạn, hai bên không ký tiếp HĐLĐ. Bạn hỏi làm sao biết Cty còn đóng BHXH cho bạn nữa hay không? Nếu Cty không đóng BHXH thì phải làm sao?

Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 22 BLLĐ 2012, thì HĐLĐ của bạn đã giao kết với Cty thuộc loại HĐLĐ xác định thời hạn. Khoản 2, Điều 22, BLLĐ quy định, khi HĐLĐ quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1 điều này hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b, khoản 1 điều này trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều này trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng. Do bạn và Cty đã không ký kết HĐLĐ mới sau khi hết hạn HĐLĐ 6 tháng, nên mặc nhiên HĐLĐ của bạn hiện nay đã trở thành HĐLĐ có thời hạn 24 tháng. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 2, Luật BHXH 2014, NLĐ có HĐLĐ từ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Để biết Cty có tham gia BHXH cho bạn không, bạn nên đến BHXH huyện nơi Cty trú đóng, đề nghị cơ quan này cung cấp thông tin về quá trình tham gia BHXH của mình theo quy định tại khoản 7, Điều 18 Luật BHXH 2014. Trường hợp Cty không tham gia BHXH cho bạn, bạn có thể nhờ phòng LĐTBXH hoặc LĐLĐ huyện nơi Cty trú đóng can thiệp, bảo vệ quyền lợi hoặc khởi kiện Cty ra TAND huyện nơi Cty trú đóng để yêu cầu tòa tuyên buộc Cty phải tham gia BHXH cho bạn.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: hoặc đến 51 Hàng Bồ, Hà Nội và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp.

Q. Hùng - N. Dương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/uong-bia-trong-gio-lam-viec-bi-xu-ly-the-nao-606058.bld