'Ươm mầm' tương lai cho đồng bào Đan Lai

Đan Lai là tộc người sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Vì vậy, đời sống của đồng bào Đan Lai gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, với những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ tận tình của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An, đói nghèo đang được đẩy lùi, đời sống vật chất, tinh thần của người Đan Lai ngày càng được cải thiện.

Đem no ấm đến với đồng bào

Giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An), bản Cò Phạt đang xuống giống vụ mới. Nhìn những hàng lúa non thẳng đều tăm tắp hứa hẹn vụ mùa bội thu, ít ai nghĩ rằng, chỉ hơn chục năm trước, người Đan Lai vẫn còn lạ lẫm với cây lúa nước, vì họ sinh sống chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm trên rừng. Anh La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, nhớ lại:

- Lúc đầu, BĐBP đến nói chuyện với người dân về khai hoang đất làm ruộng, bà con không ai theo. Sau đó, bộ đội làm trước, rồi cấy lúa. Khi nhìn những hạt gạo trắng ngần và nấu lên thơm phức, đồng bào ai cũng muốn trồng lúa... Thời gian tiếp theo, bộ đội cùng dân bản khai hoang thêm được hơn 2ha đất và chia đều cho các hộ. Có ruộng, được bộ đội hỗ trợ giống, dạy canh tác, mùa nào bà con cũng cấy lúa. Nhờ vậy, nhà nhà có gạo ăn, bớt phải lên rừng kiếm củ mài, củ sắn. Không những vậy, BĐBP còn mang nhiều loại cây giống, con giống về trồng, chăn nuôi và hướng dẫn nhân dân làm theo.

Trung tá Hồ Bá Mai, Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết:

- Để tuyên truyền, vận động người Đan Lai, bộ đội phải cầm tay chỉ việc và làm mẫu để bà con làm theo. Vì vậy, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Đảng ủy, chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An xây dựng các tổ, trạm biên phòng bám bản để trực tiếp giúp đỡ đồng bào.

Đầu năm 2000, Đồn Biên phòng Môn Sơn xây dựng hai tổ, trạm tại bản Cò Phạt và bản Búng. Khi đã có trụ sở, có đất canh tác, cán bộ, chiến sĩ mang cây trái và rau màu về trồng. Nhìn thấy vườn rau của BĐBP xanh tốt, cây trồng cho trái ngọt, lợn, gà, vịt phát triển, dân bản lúc đó mới đến tìm hiểu. Vậy là, những "thầy giáo" BĐBP lại cặm cụi cầm tay chỉ việc, giúp bà con biết cách trồng cây, chăn nuôi gà, vịt; hỗ trợ dân bản làm chuồng trại. Từ đó, đồng bào Đan Lai dần chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm và số ngày đói trong năm đã ít dần theo sự chăm chỉ lao động của từng người, từng gia đình.

Cán bộ tổ công tác biên phòng Cò Phạt, Đồn Biên phòng Môn Sơn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa cho bà con.

Để cuộc sống của đồng bào Đan Lai phát triển bền vững, hằng năm, BĐBP tỉnh Nghệ An đầu tư giúp bà con từ 5 đến 7 con bò giống sinh sản và từ 30 đến 40 con lợn giống. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2015, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Đồn Biên phòng Môn Sơn tập trung chăn nuôi lợn nái ở trang trại để cung cấp lợn giống cho nhân dân trên địa bàn; hằng năm cấp cho nhân dân từ 80 đến 100 lợn con giống. Ban đầu là hỗ trợ 100%, sau đó, đơn vị cân đối và hỗ trợ 30-40% con giống, người dân nuôi lợn lớn, có thu nhập mới phải trả tiền. Năm 2016, BĐBP hỗ trợ 80 con lợn giống và trong năm 2017 tiếp tục hỗ trợ khoảng 100 con lợn giống.

Xóa thế “ốc đảo”

Ở bản Cò Phạt đã 5 năm, Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Hanh, y sĩ trạm Quân dân y kể:

- Ngày trước, đồng bào tiếp xúc với thuốc tây rất khó khăn. Như năm 2010, bản bị dịch đau mắt đỏ, đồng bào chỉ lấy lá trên rừng đắp, nhiều trường hợp mắt sưng tấy. Chúng tôi phải đến từng nhà vận động khám, chữa bệnh và tuyên truyền mới từng bước ngăn chặn được dịch. Hoặc hồi tháng 6-2015, cháu La Văn Ngoan, 7 tuổi, leo bờ rào bị que nứa cắt ngang động mạch, người nhà đưa sang nhà thầy cúng lấy lá đắp và làm lễ để cầm máu, nhưng không được. Hay tin, bộ đội đến sơ cứu và chuyển cháu lên tuyến trên điều trị. Từ những việc làm hết sức cụ thể ấy đã giúp bà con ngày càng có nhận thức đúng về việc phòng, chống và điều trị bệnh.

Để đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào phát triển, BĐBP tỉnh Nghệ An đã chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp hỗ trợ mở đường tới bản. Năm 2014, con đường dài 17km nối liền trung tâm xã với bản Cò Phạt và bản Búng đã hoàn thành. Tuy là đường đất nhưng con đường đã giúp xe máy, xe bán tải hay máy cày vào tận bản. Nhờ vậy, dân bản đã biết đến các phương tiện giao thông khác ngoài đôi bàn chân; biết đi ra ngoài trung tâm xã buôn bán, trao đổi hàng hóa, lương thực, thực phẩm… Cũng nhờ vậy, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào trở nên thuận lợi hơn. Với sự tuyên truyền tích cực và giúp đỡ ngày công làm chuồng trại, hiện 90% hộ dân bản Cò Phạt và hơn 50% hộ dân ở bản Búng đã không nuôi trâu, bò dưới gầm nhà sàn.

Song song với những việc làm trên, BĐBP tỉnh Nghệ An đã kêu gọi đầu tư Trạm Y tế quân dân y kết hợp khám, chữa bệnh và vận động các nhà hảo tâm xây dựng trường mầm non, trường tiểu học để các cháu học sinh được đến trường. Nhờ xóa bỏ được thế "ốc đảo" nên đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhận thức của bà con về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng tốt hơn; các tập tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết thống không tái diễn, tỷ lệ tảo hôn thấp; con cháu Đan Lai được đi học đầy đủ... Thượng tá Phạm Hữu Tình, Chính trị viên Đồn Biên phòng Môn Sơn chia sẻ thêm về những phần việc đã làm:

- Để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Môn Sơn coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ biết và nắm chắc phong tục tập quán, từ đó thực hiện chủ trương "cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc" với đồng bào. Đồn cũng chủ động kết nối, giữ mối quan hệ với các cơ quan, doanh nghiệp và phát động cán bộ, chiến sĩ tham gia quyên góp, hỗ trợ các chương trình Tết cho người nghèo, Trung thu cho thiếu nhi; làm tốt công tác vận động xã hội hóa nguồn kinh phí hỗ trợ giúp đỡ đồng bào xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tranh tre dột nát... Cuộc sống của đồng bào, bổn phận của chúng tôi...

Chia tay đồng bào Đan Lai, giữa rừng Pù Mát, trên con đường đầy đá gộc, chúng tôi thấy các trụ điện mới đã được đấu nối dây và những người thợ điện đang thi công trạm điện. Vậy là bản nghèo sắp được hòa mạng điện lưới quốc gia. Khi có điện, người dân sẽ được tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống văn minh, hiện đại… lúc đó, người Đan Lai sẽ có thêm tri thức để phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương-nơi mà Bộ đội Cụ Hồ đã "ươm mầm" tương lai cho họ!

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/uom-mam-tuong-lai-cho-dong-bao-dan-lai-514352