Ước mơ giản dị của thầy cô giáo vùng rốn lũ

Ngày lễ 20/11 đối với các thầy cô giáo vùng rốn lũ Tuyên Hóa (Quảng Bình) đi qua như một cái mốc vượt khó khăn. Trước đó, các thầy cô ở một số trường vùng thấp đã phải đến từng nhà học sinh vận động các em sớm quay lại đi học sau khi lũ rút. Hỏi chuyện mới biết ước mơ của thầy cô nơi đây thật giản dị khó tin: Mong muốn 100% các em học sinh quay lại trường.

Giáo viên Trường tiểu học Châu Hóa dọn dẹp sau lũ. Ảnh: T.g

Thầy cô “gồng mình” để trò được đến trường

Chúng tôi về rốn lũ Tuyên Hóa sau khi nước rút đi đã hơn một tháng, nhưng còn đó những ngôi làng, trường học hằn in dấu vết của trận lũ lịch sử. Thầy trò ở các điểm trường dọc các xã: Văn Hóa, Châu Hóa, Tiến Hóa, Đức Hóa… vùng rốn lũ Tuyên Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã đi học trở lại từ vài tuần nay nhờ nỗ lực không biết mệt mỏi của các thầy cô giáo. Ít ai hình dung được chỉ cách đó không lâu, hai cơn lũ dữ đã nhấn chìm những ngôi trường ở đây trong biển nước, bùn lầy. Công cuộc dạy và học tưởng như phải đình trệ lâu dài.

Trường mầm non Văn Hóa, xã Văn Hóa phải chuyển địa điểm học do không tái khắc phục được. Thiệt hại sau đợt lũ kép đối với ngành giáo dục huyện ước tính hàng tỷ đồng. Hàng vạn học sinh trên địa bàn huyện phải nghỉ học. Thời điểm này, khi học sinh đi học trở lại, Tuyên Hóa đã áp dụng một số giải pháp như: Học bù trong các ngày nghỉ, ghép lớp tại những nơi phòng học bị hư hỏng và cử cán bộ hỗ trợ đến các vùng khó khăn nhất. “Lũ rút đi, trường huy động thêm 2 máy nổ từ các thôn về hỗ trợ bơm nước dọn dẹp. Chỉ trong thời gian ngắn, học sinh đã quay lại trường”, thầy Lê Hải Châu, Hiệu phó Trường THCS Văn Hóa chia sẻ.

Ở xã Phong Hóa, nơi bị ngập sâu nhất, các thầy cô cũng phải bỏ việc nhà, gồng mình dọn dẹp trường cho học sinh có thể đến lớp. Cô Phạm Thị Lệ Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Phong Hóa cho biết, trường có 15 giáo viên thì có 8 thầy cô ở bên kia bờ sông Gianh, 5 thầy cô là người địa phương, 2 thầy cô còn lại vừa mới chuyển đến, đang ở trong trường. Những ngày lũ về, các thầy cô phải ở lại trường đưa sách vở, tài liệu, thiết bị… lên tầng hai để tránh lũ, không có thời gian lo cho gia đình mình. Gia đình nhiều thầy cô cũng bị ngập, có nhà chỉ còn lại mỗi cái giường. Thế nhưng lũ vừa rút, các thầy cô lại tập trung ở trường dọn dẹp để học sinh có thể đến trường.

Ngôi trường này có tất cả 146 học sinh thì có tới 95 trò thuộc diện hộ nghèo. Lũ đến rồi đi, nghèo càng nghèo thêm. Gia đình các em còn khó khăn, nhiều trò ăn còn không đủ nên cũng chẳng màng việc đến trường. Các thầy cô trong trường đến động viên gia đình, động viên chính các em để các em không bỏ học. Thương trò, các thầy cô đã cố gắng vận động, kêu gọi để có thêm nguồn hỗ trợ cho các em. Sau khi lũ ập đến, nhiều đoàn làm từ thiện đã đến trường, hỗ trợ các em học sinh tiền, gạo, sách vở, cặp. "Nhiều học sinh đến trường mà không còn sách vở, đồng phục vì bị lũ cuốn hết. Chúng tôi phải huy động thầy cô mua tạm cho các em sách vở để động viên các em đến lớp. Nhà trường đã chuyển hơn 700 chiếc cặp và 300 bộ vở cho các điểm trường khác", cô Thủy cho biết.

Chăm lo từng bữa cho học sinh

Các thầy cô giáo đang dọn bùn đất sau lũ.

Ở đâu đó còn có cảnh “chạy trường, chạy lớp” cho con em, nhưng ở xã Lâm Hóa, sau khi nước rút đi, cán bộ xã và cán bộ, giáo viên, nhân viên, cả Hiệu trưởng đến nhà từng học sinh ở các bản để chở các em đến trường. Các trường ở địa bàn cao hơn thì cùng nhau đến giúp đỡ các trường ở vùng dưới. Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tuyên Hóa cho biết: “Khi nghe dự báo lũ về, các trường đã chủ động thu dọn đồ lên cao. Nhưng do một số trường đóng trên địa bàn quá thấp, lại toàn là nhà cấp 4, mặt khác do nước lũ lên quá nhanh. Mặc dù các trường đã chủ động phân công cán bộ, giáo viên, nhân viên trực trong đêm nhưng vẫn bị thiệt hại. Trong đợt lũ vừa rồi, giáo viên Trường tiểu học Liên Sơn, Trường THCS Đồng Hóa phải thức đêm trực lũ”.

Ông Phúc cũng cho biết thêm, khi lũ lên quá nhanh, học sinh đi học phải qua sông nên Trường THCS Đồng Hóa quyết định giữ học sinh ở lại trường. Các em trú tại tầng hai của nhà trường. Các thầy cô giáo phải tự lo nấu ăn, nước uống, nơi ngủ đủ ấm cho học sinh. Nhiều giáo viên vì nhiệm vụ trực ở trường mà đồ đạc của họ ở nhà bị nước lũ cuốn đi hoặc không thể dùng được nữa. “Những ngày sau lũ là quãng thời gian mệt nhọc của các thầy cô. Khi nước lũ rút còn khoảng 1/2 mét thì giáo viên trực báo cho cán bộ giáo viên đến trường để dọn bùn, rác ra ngoài. Nhiều trường phải làm từ nửa đêm, mờ sáng. Có nhiều giáo viên nữ, giáo viên lớn tuổi phải ngâm nước bạc (nước bùn lũ rất độc)”, ông Phúc nói.

Tuyên Hóa những ngày giữa tháng 11, trời hanh nắng. Mặc dù các trường đã triển khai khử trùng nhưng sau khi lũ xong lại có nắng. “Thời tiết này rất "độc" nên rất lo mầm bệnh có điều kiện xuất hiện. “Rốn lũ” Tuyên Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung, năm nào cũng có lũ. Khi cơn lũ qua đi cuốn theo cặp sách, chăn gối, nệm, bàn học của các em học sinh. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó cùng với sự chung tay giúp đỡ của nhiều tổ chức, lực lượng Biên phòng, đoàn Thanh niên đã đến các điểm trường để cùng thầy và trò dọn dẹp, vệ sinh trường lớp ngay sau khi nước rút. Với niềm vui được đến trường, bên đàn em thân yêu sẽ giúp các thầy cô giáo vơi đi những mệt nhọc và nỗi lo khi cơn lũ vừa đi qua.

"Các trường mầm non đã tiến hành tổ chức bán trú trở lại nhưng việc đảm bảo bữa ăn trưa còn gặp nhiều khó khăn”, Ông Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng Giáo dục huyện Tuyên Hóa tâm tư.

Hà Phương

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/uoc-mo-gian-di-cua-thay-co-giao-vung-ron-lu-20161123083336201.htm