Ứng xử với nạn “thích” tuyển lao động nước ngoài

Tỉnh Bình Thuận mới đây đã chấp thuận cho Công ty TNHH Vận hành kinh doanh Vĩnh Tân Điện lực Trung Quốc được tuyển 196 lao động nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sử dụng của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.

Một góc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: THÀNH HOA

Thông tin trên một lần nữa lại gây quan ngại trong dư luận bởi liên quan đến lao động Trung Quốc, mặc dù tin tức cho biết trước đó công ty này đã thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đăng tuyển rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trên phạm vi cả nước nhưng không tuyển được người nào nên buộc phải chuyển sang tuyển lao động nước ngoài. Cũng cần biết thêm là tiêu chuẩn tuyển dụng là tốt nghiệp đại học trở lên, thông thạo tiếng Trung, tiếng Anh.

Trước khi bàn vào chủ đề chính, xin nói chuyện ngoài lề một chút. Cách đây vài năm người viết có tham gia một chuyến đi thăm thực địa tại một nhà máy nhiệt điện phía Bắc được xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành bởi nhà thầu Trung Quốc. Bước vào các phòng điều hành, dễ nhận thấy toàn bộ ê kíp điều hành là người Trung Quốc. Máy móc, thiết bị, hệ thống phần cứng và phần mềm điều hành đương nhiên là được ghi bằng tiếng Trung.

Khách quan mà nói, trong môi trường như vậy mà “lọt” vào đó một vài người Việt không nói, đọc và viết thạo được tiếng Trung thì quả là chuyện không tưởng, không chỉ vì họ sẽ không làm được (một cách hiệu quả) công việc, mà còn gây khó dễ, thiệt hại cho phía nhà điều hành, nhà máy, bởi không lẽ phải bố trí cho mỗi một vị trí làm việc của người Việt một người phiên dịch Trung - Việt hay sao? Đó là chưa kể việc truyền đạt qua phiên dịch sẽ dễ dẫn đến tình trạng “chữ tác đánh chữ tộ” để rồi chất lượng công việc bị ảnh hưởng, thậm chí gây đình trệ.

Trong số những lao động Trung Quốc sẽ được tuyển dụng bởi Nhà máy
Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sắp tới, có mấy người tốt nghiệp đại học và thông thạo tiếng Anh?

Từ chuyện nhỏ trên, quay trở lại với chủ đề, có thể thấy vấn đề đầu tiên nằm ở việc phía Việt Nam dùng nhà thầu Trung Quốc, thiết bị, tài liệu và phần mềm của Trung Quốc (vốn để dùng trong nội địa Trung Quốc) nên mới dẫn đến tình trạng phải tuyển lao động Trung Quốc. Giả sử nếu các thiết bị máy móc, tài liệu và phần mềm bằng tiếng Anh, tiếng Việt, và nếu nhà thầu Trung Quốc sẽ tiến hành đào tạo, chuyển giao vận hành cho lao động Việt Nam thì có lẽ sẽ không mấy khó khăn để tuyển được số nhân viên cần thiết cho công việc tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Tương tự như vậy, nếu Việt Nam không chọn các nhà thầu xây dựng Trung Quốc thì chắc cũng không dẫn đến tình trạng các công trường xây dựng này “thích” tuyển lao động Trung Quốc, ít nhất là bởi, nói một cách công bằng, giao tiếp với nhau giữa các nhân viên quản lý, điều hành (là người Trung Quốc, đương nhiên) với công nhân xây dựng bằng cùng một thứ tiếng, tiếng Trung, sẽ là thuận lợi hơn rất nhiều cho công việc.

Nhưng từ vấn đề trên, không thể tùy tiện suy ra rằng Việt Nam không nên, không cần tuyển dụng, sử dụng nhà thầu và thiết bị Trung Quốc nữa thì sẽ tránh được tình trạng này. Vì, cũng phải nói một cách công bằng, rằng trong không ít trường hợp việc sử dụng các yếu tố Trung Quốc này là có những lý do chính đáng.
Vậy thì vấn đề tiếp theo là phải bàn đến biện pháp “sống chung với lũ”, nếu không còn lựa chọn nào khác ngoài nhà thầu và thiết bị Trung Quốc. Biện pháp căn bản nhất đương nhiên sẽ là trực tiếp và gián tiếp khuyến khích nhà tuyển dụng Trung Quốc (trong ví dụ trên là các nhà thầu, nhà điều hành) tự giác tuyển dụng ít lao động Trung Quốc và thay vào đó là lao động Việt Nam. Nói cách khác, phải làm cho nhà tuyển dụng tự giác, thấy rõ được rằng họ sẽ có lợi hơn, ít tốn kém hơn nếu thực sự họ tìm thấy và tuyển được lao động Việt Nam đáp ứng được điều kiện tuyển dụng đặt ra như với lao động Trung Quốc.

Trên thực tế, việc nhà tuyển dụng Trung Quốc có tạo cơ hội bình đẳng trong tuyển dụng lao động người Việt tại Việt Nam hay không đang là “vùng xám”, gây nghi ngờ, thắc mắc, lo ngại trong dư luận. Bởi vì, cho đến nay, ở không ít công trường, cơ sở công nghiệp đã có sự hiện diện của nhiều lao động Trung Quốc, khi nhìn vào công việc họ đang làm thì khó có thể nói đó là lao động kỹ thuật (cao) mà lao động địa phương không đáp ứng được. Ngay chính thông báo tuyển dụng của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nói trên cũng làm người ta nghi ngờ thực tâm của nhà tuyển dụng. Vì sao lại đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học trở lên, phải thông thạo tiếng Trung mà còn cả... tiếng Anh nữa? Những người đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn này có lẽ không nhiều, và chắc cũng chẳng mặn mà với công việc tại nhà máy này. Quan trọng hơn, trong số những lao động Trung Quốc sẽ được tuyển dụng bởi nhà máy này, có mấy người tốt nghiệp đại học và thông thạo tiếng Anh?

Đến đây, sẽ là hữu ích nếu tham khảo kinh nghiệm của các nước phải đương đầu với vấn đề lao động nước ngoài. Trong số này phải kể đến Singapore với nhiều biện pháp hữu hiệu được đưa ra trong vòng mấy năm qua để hạn chế lao động tay nghề thấp hoặc lao động giản đơn từ nước ngoài tràn vào, gây nhiều hệ lụy xã hội. Tất nhiên, tiền đề tham khảo ở đây là không có chuyện “tiếp tay” cho nhà tuyển dụng Trung Quốc của cán bộ ở các cơ quan quản lý hữu trách địa phương, một khả năng khó có thể phủ nhận hoàn toàn trên thực tế ở Việt Nam.

Những biện pháp hạn chế lao động nước ngoài của Singapore bao gồm: Hạ thấp hạn mức (hay trần) số lượng lao động nước ngoài mà công ty tại Singapore được phép tuyển dụng trên tổng số lao động của công ty; nâng mức thuế đánh lên việc tuyển dụng lao động nước ngoài không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp; hạn chế số lượng giấp phép lao động cấp mới hay hạn chế việc gia hạn giấy phép lao động hiện thời đối với những công ty nào không chứng tỏ được rằng đã nỗ lực tuyển dụng, đào tạo và phát triển cơ hội nghề nghiệp cho lao động bản địa (các công ty này sẽ bị liệt vào danh sách đen của Bộ Lao động nước này, và sẽ bị cấm vĩnh viễn tuyển lao động nước ngoài nếu một thời gian sau đó vẫn không cải thiện được tình hình).

Các công ty trước khi tuyển dụng lao động nước ngoài cũng bị yêu cầu phải đăng quảng cáo việc làm cùng với mức lương dự kiến lên trang web quốc gia về việc làm tối thiểu trong 14 ngày để qua đó đánh giá được khả năng đáp ứng và mức độ hưởng ứng của lao động bản địa. Mức lương tối thiểu để lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại Singapore cũng được nâng lên đáng kể, làm tốn kém thêm cho các công ty tuyển dụng nếu họ vẫn cứ “thích” lao động nước ngoài.

Quan trọng không kém, để giảm thiểu khả năng “lách luật” của các công ty, Chính phủ Singapore tăng cường thanh tra, hậu kiểm việc tuyển dụng lao động nước ngoài và tăng nặng hình phạt với các công ty vi phạm. Nếu là trong ví dụ trên ở Việt Nam, việc thanh tra, hậu kiểm có thể sẽ tập trung vào yếu tố như trình độ ngoại ngữ và mức lương có đúng như đã quảng cáo trên mạng việc làm quốc gia hay không, có thật là không có lao động bản địa nào đáp ứng được hay quan tâm đến công việc này không...

Phan Minh Ngọc

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163464/ung-xu-voi-nan-thich-tuyen-lao-dong-nuoc-ngoai.html