Ứng xử văn hóa, cho và nhận…

Dường như chưa bao giờ công chúng, nghệ sĩ, những con người có số phận,hoàn cảnh đặc biệt… lại dễ dàng gần nhau và tương tác nhau như hiện nay. Tuy nhiên, sự hữu ích này như con dao hai lưỡi, vừa là cơ hội lại vừa là thách thức…

Câu chuyện lùm xùm giữa một ca sĩ trẻ và một nghệ sĩ đáng tuổi cha chú tạm dừng lại khi lời xin lỗi đã được nói ra và được chấp nhận. Và như lời người nghệ sĩ trong cuộc nói: giới showbiz dường như cái tốt đã bị cái xấu khỏa lấp hết… “Chúng ta tha thứ để tất cả cùng tiến về phía trước... để cùng nhau xóa lỗ hổng văn hóa này. Chúng ta còn tồn tại thì chúng ta còn làm điều gì đó tốt đẹp để văn hóa được duy trì trên nền tảng đạo đức, nhân văn".

Phải thừa nhận, giới showbiz thời gian qua có khá nhiều chuyện liên quan đến ứng xử thiếu văn hóa, thiếu văn minh. Nếu như những gì họ thể hiện trên sân khấu lộng lẫy quyến rũ bao nhiêu thì những câu chuyện hậu trường đằng sau cũng không kém phần xù xì gai góc bấy nhiêu.

Ứng xử văn hóa là bài học mà mỗi chúng ta đã được học từ rất sớm, từ mầm non cho đến bậc đại học. Nhưng dường như cuộc sống với muôn hình muôn vẻ không phải bài học nào cũng có cách giải quyết như sách vở. Vì thế, nền tảng cốt lõi của mỗi người là văn hóa. Nền tảng văn hóa vững sẽ dẫn dắt mỗi người có hành động đúng.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Hiện nay, có không ít gameshow đã tạo ra những “ngôi sao” chỉ sau một đêm. Họ nổi tiếng quá nhanh nên không kịp trang bị cho mình vốn sống, kỹ năng và những nền tảng cần thiết. Trong khi đó, cơ hội kiếm tiền, ánh hào quang của sự nổi tiếng, được mọi người vây quanh tán dương khiến họ choáng ngợp, thấy mình quan trọng, mải miết chạy theo. Rồi các gameshow ùn ùn xuất hiện, mời chào những gương mặt mới, vừa được công chúng tung hô, được nhớ mặt, biết tên để đủ độ “hot”, đảm bảo lượt xem... Họ - những nghệ sĩ vừa rời một cuộc thi không có thời gian để sống chậm, để nhìn lại mình xem còn chỗ nào thiếu sót mà bù đắp, học hỏi. Giữa các giá trị bị đảo lộn đó họ tự cho mình cái quyền được nói, phán xét và áp đặt theo ý của mình bất chấp đúng sai, nực cười, thiếu văn hóa…

Còn các chương trình tạo ra người “nổi tiếng” luôn được nhắc đến, đi kèm với tên tuổi các thí sinh như một sự “hàm ơn”, nhờ có chương trình này thì người này mới nổi tiếng. Nhưng đến khi xảy ra “điều tiếng” gì thì những chương trình này coi như “vô can”, đứng ngoài cuộc, hoàn toàn là do lỗi cá nhân, cá nhân phải chịu trách nhiệm. Nếu như các chương trình “đỡ đầu” cho những “thần tượng”, “hiện tượng” “kiệt xuất” không quá nâng họ lên cao, không nháo nhào mà thận trọng, nghiêm cẩn… thì biết đâu những người có tài năng thực sự có thời gian để trau dồi mọi thứ.

Không chỉ những người trong cuộc từ các chương trình gameshow mà ngay cả khán giả cũng có nhiều điều rất đáng bàn.

Khán giả quá dễ dãi khi đón nhận những “thần tượng” mới vừa chân ướt chân ráo trở về từ một cuộc thi nào đó để tiếp tục “đôn” họ lên cao thêm. Không những thế, khi “thần tượng” có sự cố thì fan (người hâm mộ) “nói lấy được” để gỡ tội hơn là bình tĩnh xem xét đúng – sai để nói thấu tình đạt lý, giúp thần tượng nhận ra cái sai để sửa chữa, rút kinh nghiệm. Đằng này “fan” còn thẳng thừng ném đá những ai không bênh vực cái sai của thần tượng.

Hẳn nhiều người còn nhớ những ngày gần đây, dư luận xôn xao về trường hợp ông bố nuôi hai con teo não sau khi xuất hiện trên truyền hình bằng câu chuyện cảm động đã nhận được sự giúp đỡ của bao người. Nhưng cuối cùng sự thật không hoàn toàn giống như lời ông bố nói khiến những người từng ủng hộ quay ra không đồng tình. Thậm chí cao điểm hơn, họ còn muốn đòi lại tiền, dùng những lời nặng nề chỉ trích, đe dọa tính mạng của ông bố và hai đứa trẻ tật nguyền. Họ cho rằng ông bố đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ những người hảo tâm vài năm nay rồi. Và sự thực người mẹ không hề bỏ con, dù họ li dị và mỗi người nuôi một con nhưng vì chị đang bị bệnh và gửi con cho anh nuôi một thời gian. Thế là bỗng nhiên họ cảm giác như những giọt nước mắt của mình rơi xuống vô nghĩa, đồng tiền tự nguyện làm từ thiện như thể bị móc túi. Nếu như chỉ cách đấy ít lâu, người từ thiện với tâm nguyện đẹp đẽ, thánh thiện bao nhiêu thì sau đấy họ lại trở thành người khác lạ, đầy dấu hỏi. Tất nhiên, nếu như quả thực người cha lợi dụng lòng tốt để chuộc lợi thì cũng cần lên án. Bởi xã hội còn nhiều hoàn cảnh đáng thương cần giúp đỡ và để lòng tốt của con người không bị hoài nghi, điều tử tế cần lan tỏa.

Chúng ta từng biết đến câu: của cho không quý, quý ở cách cho. Một khi đã cho đi rồi, như người đưa bàn tay gieo lên những hạt mầm thiện, thì nếu mảnh đất mình gieo chưa hợp lý vẫn cứ cầu chúc cho hạt mầm thiện đó nảy mầm. Để rồi lần sau lựa chọn mảnh đất tốt hơn. Nói như một MC hay đi làm từ thiện thì “từ thiện cũng phải tỉnh táo”. Bởi nếu không tỉnh táo, người tốt cũng dễ rơi vào “cái bẫy truyền thông” và để xảy ra những điều đáng tiếc khi tự nhiên trao cho họ con cá quá to mà không phải cái cần câu.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/ung-xu-van-hoa-cho-va-nhan-240056.html