Ứng xử sao khi bị mẹ chồng... 'cướp con'?

Mẹ chồng – nàng dâu xưa nay vốn đã chẳng mấy khi “cơm lành, canh ngọt”, đến khi có thêm cháu thì mối quan hệ này lại càng thêm căng thẳng.

Không ít gia đình rơi vào cảnh “bão tố” vì cuộc chiến không khoan nhượng giữa “con dâu – mẹ chồng” chỉ vì… quyền chăm con, chăm cháu.

Sinh con 3 tháng, ngủ với con chưa đầy tuần

Cách 2 năm sau lần sảy thai, chị Nguyễn Hoàng Lan (30 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) mới có thai lại. Khỏi phải nói, cả gia đình chị vui như thế nào, đặc biệt là bà Hoa, mẹ chồng chị. Trước đây, bà Hoa vốn chẳng ưa chị lắm, chuyện chị Lan khó mang thai lại càng khiến bà mặt nặng mày nhẹ, tỏ thái độ khó chịu với con dâu. Chị Lan thường xuyên nghe những người hàng xóm kể lại rằng, mẹ chị gọi chị là “đứa không biết đẻ” và than vãn rằng gia đình mình vô phúc lấy phải cô con dâu như thế. Tuy nhiên, từ khi biết chị mang thai, và nhất lại là “thằng chống gậy” thì bà Hoa thay đổi hẳn thái độ.

Nào vitamin tổng hợp nhập khẩu từ Mỹ, nào thuốc bổ Đông Y, Tây Y… bà mua về cả lố giục chị uống dần. Chim bồ câu, gà ác, cá chép… tự tay bà đi chợ chọn rồi tự tay bà nấu cho con dâu tẩm bổ. Chị thai nghén mệt mỏi, chính bà là người đề nghị chị nghỉ làm ở nhà dưỡng thai. Tiền sinh hoạt, ăn uống, thậm chí việc nhà việc cửa bà nhận lo tất. Ai cũng bảo chị Lan sướng, có bà mẹ chồng rất mực yêu thương, chăm chút con dâu. Và, chính chị Lan cũng mở cờ trong bụng, nghĩ mẹ chồng đã hoàn toàn thay đổi. Chị đoán chừng, đứa bé là sợi dây khiến chị gần gũi với mẹ chồng hơn. Thế nhưng, chị đã nhầm…

Hóa ra, tất cả những sự ân cần chăm chút ấy, 10 phần là bà lo cho thằng cháu đích tôn, không có một phần cho chị. Chị Lan đã thấm thía điều này ngay sau khi sinh mổ ở viện. Khi chị vẫn còn đau đớn sau ca phẫu thuật và khao khát được nhìn ôm con thì bà Hoa đã tranh phần bế cháu đi khoe khắp họ nội. Rồi bà khen, cháu mắt to giống bà, khuôn mặt tròn giống ông, chân tay dài giống bố, tuyệt nhiên chẳng có điểm gì bà thấy cháu bé giống mẹ. Bà cứ suýt xoa rồi ôm dịt cháu, ông ngoại bà ngoại đưa tay bế một chút bà đã đòi lại. Về phần chị Lan, bà chẳng hỏi han lấy một câu xem con dâu thế nào mà chỉ quay sang dặn dò: “Con mới mổ còn đau, lại chưa có sữa, giờ cứ lo giữ sức khỏe, việc chăm cháu cứ để mẹ!”.

Thế nhưng, khi chị Lan về nhà được 2 tuần, vết mổ đã lành hẳn bà Hoa vẫn “cứ để mẹ” mà nhất quyết không… nhường cháu cho con dâu. Bà còn phân công rõ ràng cho mẹ đẻ chị Lan: “Chị hiểu con hơn thì chị chăm cháu, còn thằng cu Tí tôi chăm”. Vậy là, chuyện chợ búa, ăn uống của chị Lan bà Hoa phó mặc hết cho bà thông gia. Còn bà, chỉ trừ thời gian cháu đòi bú bà mới bế sang phòng chị Lan, còn lại, bà cứ ôm dịt cháu cả ngày lẫn đêm. Thậm chí, bà còn yêu cầu chị vắt sữa để tủ lạnh, nói là để cho chị ngủ đêm ngon giấc, nhưng chị Lan hiểu là mẹ chồng chị ích kỷ không muốn “chia” cháu cho con dâu. Ngay cả khi mẹ chị Lan ẵm cháu, nhưng hễ nhìn thằng bé ọ ẹ một chút là bà Hoa giằng lấy ngay.

Nhiều đêm nằm nhớ con, chị Lan chỉ biết nuốt nước mắt khóc thầm. Chị bảo, chị mang nặng đẻ đau con ra, mà bây giờ, đến quyền ôm con ngủ chị cũng không có, chẳng khác nào người đi đẻ thuê. Nhìn cảnh vợ khóc rấm rứt, mất ăn mất ngủ vì buồn rầu chồng chị cũng xót vợ, nhưng xưa nay, anh là con trai độc nhất, là con cưng của bà Hoa. Bố anh mất cách đây 20 năm, bà ở vậy nuôi anh khôn lớn nên anh chưa từng cãi bà một câu. Anh cũng hiểu, vì quá khát cháu nên niềm yêu thương đã trở thành sự sở hữu. Một bên là vợ, một bên là mẹ, anh chọn cách im lặng rồi an ủi vợ để đỡ làm mất lòng cả hai.

“Mẹ cũng vì yêu con mình nên mới thế. Em xem, bà Nhàn ở đầu ngõ đấy, con dâu đẻ sinh đôi mà bà ấy còn chẳng ngó ngàng. Mọi chuyện chăm con đều một mình cô con dâu lo, vất vả đến mức mắc chứng trầm cảm. Mẹ thương cháu và cũng thương em vất vả nên mới nhận phần chăm cu Tí”, anh phân giải. Dù nghe chẳng lọt tai, nhưng chị Lan cũng không muốn tranh cãi để đẩy chồng vào thế khó.

Tuy nhiên, “con giun xéo mãi cũng quằn”, mãi tận 3 tháng sau sinh con, nhưng số lần được ôm con ngủ của chị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và, giọt nước làm tràn ly là khi chị chứng kiến bà Hoa vạch áo cho cháu ti. Chị không giữ được bình tĩnh, xồng xộc vào phòng gào toáng lên: “Tại sao mẹ lại làm thế?”. Hai người lời qua tiếng lại, bà Hoa mới nói hớ chuyện, bà cố tình cho cháu đi để cháu chán ti, ti mãi không có sữa cháu sẽ chán ti mẹ mà bỏ bú, từ đó, bà càng rảnh rang chăm cháu, không bị… phụ thuộc vào con dâu. Đến nước này, chị Lan không thể chịu nổi, bao nhiêu uất ức trong lòng chị tuôn ra hết. Chính bà Hoa cũng phải cũng giật mình vì thái độ của cô con dâu vốn ngoan hiền, cam chịu.

Đến khi chồng chị về, bà Hoa lu loa lên khóc lóc. “Anh xem, vợ anh gọi tôi là kẻ ích kỷ, muốn chiếm đoạt con anh, chia cắt tình mẫu tử của nó…”, nói rồi, bà lại nằm vật ra sô pha mà nước mắt ngắn dài. Cũng chẳng vừa, chị Lan đùng đùng bảo chồng, mai chị sẽ đem con về nhà ngoại, nếu cứ tiếp tục bị “cướp quyền nuôi con” như thế này chị sẽ chọn cách ly dị. Cuối cùng, chồng chị Lan phải mời cả bố mẹ vợ để tiến hành cuộc “họp gia đình khẩn cấp”. Sau một hồi trò chuyện, phân bua, lý giải, mãi rồi mẹ chồng – con dâu mới chịu giảng hòa. Thế nhưng, cũng phải mất nửa năm hai người mới hết “mặt nặng mày nhẹ” sau trận “đại chiến” hôm nào.

Ảnh minh họa.

Vai trò của người chồng cần được đề cao

Theo các chuyên gia tâm lý, chuyện mẹ chồng – con dâu “giành” quyền chăm con, chăm cháu không phải là hiếm trong xã hội hiện đại. Bởi, ngày nay việc sinh con không phải là dễ. Có nhiều gia đình hiếm muộn, lấy nhau nhiều năm mới được một mụn con. Bởi thế, từ sự yêu thương, khao khát ấy biến thành ước muốn được sở hữu của cả mẹ và bà. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu xưa nay vốn chẳng mấy khi yên ả, nay lại càng thêm phần sóng gió.

Người chồng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Ảnh minh họa.

Chưa kể việc chứng kiến sự “giằng co” giữa ông bà và mẹ đứa trẻ còn nhỏ, dù chưa hẳn nhận thức được nhưng cũng có cảm giác hoang mang, không an toàn trong chính ngôi nhà của mình. Từ đó, có thể thấy rằng, việc tưởng như nhỏ nhưng lại không hề nhỏ, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến không khí gia đình, thậm chí đẩy cuộc hôn nhân tới bờ vực đổ vỡ.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề này, vai trò của người chồng cần được đề cao. Không nên vì muốn được lòng cả hai bên mà chọn cách im lặng khiến sự việc càng đẩy lên cao trào. Người chồng cần đứng ở giữa, nhìn nhận khách quan, khéo léo, tế nhị phân giải, làm sao để dung hòa cả hai bên trong việc chia sẻ việc nuôi con, chăm cháu. Có như vậy, gia đình mới êm ấm, thuận hòa, đứa trẻ cũng được lớn lên trong sự yên ấm, hạnh phúc.

Theo KhoeDep

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tinh-yeu-hon-nhan/ung-xu-sao-khi-bi-me-chong-cuop-con-82476/