Ứng viên tổng thống Mỹ vận động thế nào nếu xóa bỏ đại cử tri?

Nếu bầu cử dựa vào phiếu phổ thông, ứng viên tổng thống Mỹ sẽ tập trung vận động ở các thành phố lớn, năng xuất hiện trên truyền hình và tăng cường gây quỹ.

Donald Trump tại cuộc vận động ở Dallas tháng 9/2015. Ảnh: AP

Lần thứ 5 trong lịch sử, Mỹ chọn ra một tổng thống thắng về số phiếu đại cử tri nhưng thua về số phiếu phổ thông, làm hồi sinh những lời kêu gọi bãi bỏ đại cử tri và chuyển sang một hệ thống đơn giản hơn, dựa trên đầu phiếu phổ thông.

Cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 chưa chính thức đưa tỷ phú Donald Trump vào ghế tổng thống Mỹ mà chỉ xác định 538 đại cử tri, những người sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống vào tháng sau.

Trước ngày bầu cử, cả hai đảng ở mỗi bang sẽ chọn một nhóm đại cử tri tiềm năng. Chẳng hạn, bang Alaska được ấn định là có ba đại cử tri thì cả đảng Cộng hòa và Dân chủ ở bang này đều sắp xếp trước ba đại cử tri tiềm năng ở mỗi bên. Vì ông Trump thắng phiếu phổ thông tại Alaska, ba đại cử tri tiềm năng của đảng Cộng hòa trở thành người đại diện cho bang để đi tiếp vào ngày bầu cử 19/12, chính thức quyết định người đắc cử tổng thống Mỹ.

Các chiến lược gia đã làm việc trong các chiến dịch tranh cử tổng thống nói rằng nếu bỏ hệ thống đại cử tri nói trên và chuyển sang tính đầu phiếu phổ thông, cách vận động của ứng viên tổng thống có thể thay đổi đáng kể.

Trước hết, các chiến lược gia nói rằng hình thức này sẽ thúc đẩy ứng viên đảng Dân chủ vận động tại các trung tâm đô thị, trong khi đảng Cộng hòa tìm cách tiếp cận cử tri tại khu vực ngoại thành.

"Tôi sẽ không bao giờ đến một hội chợ ở hạt. Tôi sẽ không bao giờ đến một cuộc vận động nhỏ tại địa phương. Tôi cũng sẽ chẳng bao giờ đến cuộc gặp mặt cựu chiến binh", Hogan Gidley, người đã cố vấn cho ứng viên đảng Cộng hòa Rick Santorum năm 2012, bình luận.

"Thay vào đó, tôi sẽ tư vấn cho ứng viên đến các trung tâm thành phố lớn ở hai bờ đông tây. Chẳng có lý do gì đi vận động ở Trung Mỹ bởi vì không có nhiều cử tri tại đó", ông nói thêm.

Chiến lược gia Dân chủ Josh Cohen cũng đồng ý với ý kiến này. "Cũng giống như trẻ con đi xin kẹo trong đêm Halloween, chúng muốn đến càng nhiều nhà càng tốt", ông nói.

Tổng thống đắc cử Donald Trump từng chỉ trích hệ thống đại cử tri vào năm 2012. Tuy nhiên, sau khi giành chiến thắng, ông đã ca ngợi hệ thống rằng nó "đưa tất cả các bang, kể cả những bang nhỏ hơn, vào cuộc chơi".

"Nếu kết quả bầu cử dựa vào số phiếu phổ thông thì tôi đã đi vận động tại New York, Florida, California (các thành phố lớn) rồi chiến thắng giòn giã và dễ dàng hơn", ông viết.

Gidley chỉ ra điểm bất cập của việc tính phiếu phổ thông là người chiến thắng chung cuộc có thể sẽ không hiểu các vấn đề cử tri nông thôn đối mặt. Ông cũng nhận xét rằng cử tri sẽ không được tiếp cận gần gũi ứng viên như hiện giờ, vì các sự kiện ở thành phố lớn nhiều khả năng sẽ là các cuộc vận động với quy mô hoành tráng, chứ không phải các cuộc gặp mặt nhỏ và dễ tham gia ở những nơi như Iowa và New Hampshire.

Trong khi đó, Dave Hamrick, người từng điều hành chiến dịch tổng thống của ứng viên đảng Dân chủ Martin O'Malley, nói rằng các ứng viên sẽ chú ý hơn đến cộng đồng thiểu số.

"Tôi nghĩ rằng có nhiều cử tri, trong đó có người Mỹ gốc Phi, gốc Á và gốc Tây Ban Nha bị xem nhẹ lá phiếu vì họ không sống ở các bang chiến trường (bang không nghiêng hẳn về đảng nào) và họ không được quan tâm nhiều trong hệ thống hiện tại", ông nói. "Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ tham gia vào cuộc bầu cử khi lá phiếu của tất cả mọi người được trân trọng".

Nhìn chung, các chiến lược gia nói rằng họ sẽ khuyên ứng viên tập trung ít hơn vào các sự kiện vận động mà tham gia nhiều hơn vào các cuộc phỏng vấn truyền hình, kể cả trên truyền hình cáp hay chương trình giải trí.

"Họ sẽ không cố gắng đến các điểm khác nhau trong một bang mà sẽ chỉ ngồi tại các trường quay ở New York và Los Angeles, nói chuyện với những đám đông lớn", Alex Conant, người đã cố vấn cho ứng viên đảng Cộng hòa Marco Rubio năm nay, nói.

Để cạnh tranh, các ứng viên sẽ cần huy động thật nhiều tiền để quảng cáo tại những hãng truyền thông đắt đỏ ở các đô thị hàng đầu, thay vì chỉ tại số ít các bang chiến trường. Họ cũng cần thêm tiền để chỉ trả cho các văn phòng chiến dịch trên toàn quốc, đặc biệt là ở những thành phố lớn với giá thuê cao, cũng như gửi thư trực tiếp và tiếp cận cộng đồng trực tuyến trên toàn bộ đất nước.

Sarah Isgur Flores, người đã cố vấn cho ứng viên đảng Cộng hòa Carly Fiorina năm nay, cho biết điều đó có nghĩa là ứng viên sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào việc gây quỹ, nếu không, họ cần phải có tên tuổi từ trước. Trong mùa bầu cử năm nay, hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton đều là người có nhiều tiếng tăm và tai tiếng.

"Những người nổi tiếng sẽ có nhiều cơ hội hơn", bà nói. "Bạn thực sự cần tất cả mọi người biết tên bạn ngay lập tức, vì bạn sẽ không có thời gian để xây dựng tên tuổi".

Preston Maddock, người hỗ trợ đảng Dân chủ ở bang Pennsylvania năm nay, nói rằng tùy thuộc vào cách thức tổ chức, bầu cử bằng phiếu phổ thông có thể giúp ích cho ứng viên độc lập (không thuộc hai chính đảng), đặc biệt là nếu nó không đi kèm với yêu cầu người chiến thắng phải giành được quá bán số phiếu. Việc này có thể dẫn đến việc ứng viên có sự ủng hộ mạnh mẽ trong chỉ một khu vực, chẳng hạn như miền nam hoặc vùng Trung Tây.

"Điều đó có thể gây lo ngại", ông nói. "Nếu họ chỉ được lòng một khu vực thì những cử tri tại các nơi khác sẽ nghĩ gì về thẩm quyền của họ?".

Theo VNE

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/ung-vien-tong-thong-my-van-dong-the-nao-neu-xoa-bo-dai-cu-tri-96687/