Ứng phó với biến đổi khí hậu: Xây dựng kịch bản cho 63 tỉnh, thành

Xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) cho 63 tỉnh, thành và kịch bản nước biển dâng cho 28 tỉnh ven biển, có bản đồ chi tiết về vấn đề nước biển dâng cho Hoàng Sa và Trường Sa… là một trong những giải pháp tích cực mà Việt Nam áp dụng để ứng phó với BĐKH.

Thông tin này được đưa ra tại diễn đàn Đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban Quốc gia về BĐKH và các đối tác phát triển, được tổ chức sáng 25/10.

Tìm giống mới ứng phó với BĐKH

Tham dự diễn đàn cấp cao này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về BĐKH - chia sẻ: “Năm 2016, tình hình khí hậu diễn biến bất thường, sẽ có rét đậm, rét hại ở phía bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, đời sống và môi trường”.

Cảnh báo về tác động của BĐKH, ông Hoesung Lee - Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) - nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thương nặng nề nhất do BĐKH. Tình trạng nóng lên hoặc nước biển dâng sẽ đe dọa các vùng duyên hải, đồng bằng châu thổ, tác động tiêu cực đến ngành thủy sản và ngư nghiệp”.

Trước thực trạng này, GS-TS Trần Thục - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng, thủy văn và môi trường - cho rằng các nghiên cứu khoa học đóng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra mô hình, giải pháp để ứng dụng từ cấp địa phương đến tầm quốc gia.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn về biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Hằng

“Để thích ứng với BĐKH trong nông nghiệp, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu giống cây, con mới chịu được mặn, úng, hạn… Để biết tình trạng thời tiết, khí hậu, nhà khoa học có thể nghiên cứu trước tình hình để dự báo, cảnh báo tốt và xa hơn, giúp người dân lường trước thiên tai” - GS Thục nói và cho rằng, các giải pháp thích ứng BĐKH của ở Tây Nguyên đang được thực hiện rất tốt, có thể nghiên cứu áp dụng cho miền núi phía bắc.

“Ngoài ra, trong kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam, các nhà khoa học sẽ tham gia đánh giá thực trạng trong quá khứ và dự tính khí hậu có thể diễn biến như thế nào trong tương lai. Hiện kịch bản chưa xét được tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực, ngành nghề, địa phương… và điều này đang rất cần sự đóng góp của các nhà khoa học” - GS Thục nhấn mạnh.

Mỗi địa phương cần một phương án ứng phó

Trước mối đe dọa của BĐKH, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để phê duyệt Thỏa thuận Paris trong năm 2016 và tích cực xây dựng kế hoạch đến 2030 nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam.

“Chúng tôi đã và đang chủ động, tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về BĐKH và các chiến lược Tăng trưởng xanh, Phòng, chống thiên tai, Phát triển năng lượng tái tạo... với nhiều chương trình, dự án thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ.

Việt Nam cũng xây dựng kịch bản BĐKH cho 63 tỉnh, thành và kịch bản nước biển dâng cho 28 tỉnh ven biển, có tính toán bản đồ chi tiết về vấn đề nước biển dâng cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bản đồ ngập cho các đảo lớn và quần đảo của Việt Nam.

“Theo kịch bản về nước biển dâng, nếu nước biển dâng 1m thì ĐBSCL có thể bị ngập 40%, chưa tính đến triều cường, nước dâng do bão hay các yếu tố khác như sụt lún địa chất, sụn lún do khai thác ngầm”- GS Thục cho biết. Theo ông, mỗi địa phương cần có một phương pháp ứng phó khác nhau. Các tỉnh duyên hải miền Trung không nên phát triển ở những khu vực quá gần biển. Những công trình tạm thời vẫn có thể xây dựng bình thường, nhưng các công trình lớn như nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện hạt nhân… thì phải có biện pháp cực kỳ đặc biệt.

ĐBSCL có 3 hệ sinh thái khác nhau là hệ sinh thái nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Với khu vực nước mặn, giải pháp tốt nhất là chuyển đổi nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn để bảo vệ các bờ biển khỏi bị sạt lở. Khu vực nước lợ nên trồng lúa, nuôi thủy sản; còn khu vực nước ngọt có thể trồng lúa.

Theo ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Khí tượng, Thủy văn và Biến đổi khí hậu: “Việc thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam trong giai đoạn này sẽ ưu tiên thích ứng với BĐKH, đây là nhiệm vụ trọng tâm tới năm 2020. Các bộ, ngành cần phối hợp xây dựng hệ thống bảo vệ bờ sông, bờ biển, không chỉ bằng biện pháp kè đê mà cần tập trung trồng rừng để bảo vệ. Ở các khu vực có sóng, nước biển dâng, cần làm sao để cho người dân có thể sinh sống. Có thể thấy trồng rừng ngập mặn... là một giải pháp ứng phó với BĐKH tốt”.

Lê Hằng

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-xay-dung-kich-ban-cho-63-tinh-thanh/20161027022235325p1c785.htm