Ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu

ND-Tìm hiểu, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu là chuỗi hành động dựa trên các hiểu biết của con người về tác động của biến đổi khí hậu. Nơi làm những công việc này thường là các trường đại học. Để những tri thức về biến đổi khí hậu đi vào nhận thức và sau đó đi vào hành động của xã hội thì cần phải có nơi đào tạo. Đó chính là trường đại học.

Cản trở việc thực hiện các mục tiêu Biến đổi khí hậu và tác động nhiều mặt của nó dường như không còn là vấn đề gây tranh luận nữa. Mực nước biển dâng cao một mét, Việt Nam sẽ mất đi 12% diện tích đất màu mỡ, khoảng 40 nghìn km2 diện tích vùng đất thấp bị ngập lụt, thiệt hại có thể lên đến 17 tỷ USD. Trong trường hợp nước biển dâng cao 5 m, khoảng 35% số dân Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Trong 50 năm qua, mực nước biển trung bình ở Việt Nam đã dâng cao 20 cm. Đây chỉ là một trong hàng loạt những hậu quả khởi đầu của biến đổi khí hậu mà chúng ta phải gánh chịu. Các chuyên gia WB dự báo, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng. Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan bắt đầu gia tăng, ngập lụt và hạn hán xảy ra bất thường không theo quy luật. Bão và lụt lội là những thảm họa thiên tai nguy hiểm nhất đối với các khu vực ven biển Việt Nam. Trung bình, một năm Việt Nam phải hứng chịu sáu cơn bão, năm nhiều nhất lên đến 12 cơn bão. Cơn bão Xang-sa-ne đổ bộ vào miền trung năm 2006 đã làm cho 300 nghìn người mất nhà cửa. Năm 2008, lượng mưa lớn và ngập lụt bất thường đã xảy ra, không chỉ người dân các tỉnh vốn xưa nay phải "quen" sống chung với lũ mà ngay tại Hà Nội cũng đã phải hứng chịu trận lụt lịch sử. Trong khi người dân Bắc Bộ đang phải chống chọi với lụt lội thì nguy cơ hạn hán đe dọa mùa màng, cháy rừng lại diễn ra một cách thường xuyên hơn ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa đối với an ninh lương thực, khi Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới (sau Thái-lan) với khoảng 70% số dân sống ở khu vực nông thôn. Những năm qua, trong bối cảnh ấm lên của toàn cầu, nhiệt độ trung bình của Việt Nam, đã tăng lên 0,7oC trong vòng 50 năm qua. Các phân tích số liệu thời tiết và sản lượng gạo của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) trong khoảng thời gian 1979-2003 cho thấy, nhiệt độ cao nhất hằng năm tăng 0,25oC và tối thiểu tăng 1,13oC. Sản lượng gạo giảm 10% khi nhiệt độ thấp nhất hằng năm tăng 1oC. Bên cạnh đó, hệ thống lương thực đang bị tổn thương do môi trường biến đổi, nhất là do quá trình suy thoái chất lượng đất và nước. Biến đổi khí hậu đã cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cướp đi sức lao động, tài sản của từng công dân, mỗi quốc gia và cả nhân loại. Hội nghị Thượng đỉnh Lương thực thế giới đưa ra mục tiêu, đến năm 2015, giảm nghèo đói xuống còn 50%. Mục tiêu này khó đạt được khi thiên tai, bão, lũ và những tổn thất của con người tăng lên, quá trình nghèo đói tiếp tục, chất lượng cuộc sống giảm sút. Khi năng lực tài chính không còn thì mục tiêu thực hiện công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo khó lòng thực hiện được. Những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu, không ai khác, chính là phụ nữ và trẻ em. Khác với nam giới, hai đối tượng này dễ bị tổn thương do nhu cầu về nước sạch, sức khỏe, trách nhiệm gia đình, kỹ năng sống và học vấn. Và do vậy, chỉ số phát triển con người bị tước đoạt. Mặt khác, một vấn nạn đang làm bận tâm các nhà quản lý, nhà khoa học và cả người dân chính là việc sử dụng và khai thác bất hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cùng với những tác động của biến đổi khí hậu, sự tàn phá những khu rừng nguyên sinh, những hoạt động công nghiệp hủy hoại môi trường đã khiến hàng loạt các hệ sinh thái bị tổn thương nghiêm trọng, trong đó, giới khoa học đã ghi nhận sự biến đổi nhanh chóng theo hướng tiêu cực các quần thể sinh vật và hệ sinh thái với mức độ tuyệt chủng báo động. Theo nhận định của các chuyên gia, chúng ta đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng thứ sáu với hàng chục nghìn loài động thực vật "xóa sổ" khỏi hành tinh mỗi năm. Tác động của biến đổi khí hậu đối với kinh tế - xã hội là không nhỏ: làm suy giảm quỹ đất, tăng nguy cơ ngập lụt và thiệt hại về người, phá hủy các công trình bảo vệ bờ và cơ sở hạ tầng ven bờ, tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh, phá hủy các tài nguyên và giá trị văn hóa phi vật thể... Những tai biến về địa chất cũng tăng lên do biến đổi khí hậu, nhất là khi Việt Nam là quốc gia khá nhạy cảm với những thảm họa thiên tai. Vai trò của trường đại học Biến đổi khí hậu đang là thách thức hàng đầu của các chính phủ. Thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành mối quan tâm lớn nhất trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khái niệm thích ứng thường liên hệ với quan niệm về rủi ro, nơi mà cả tai biến và tổn thương đóng một vai trò quan trọng. Còn trong địa hạt của khoa học xã hội, khái niệm thích ứng lại chủ yếu liên quan đến khái niệm tổn thương, khi mà chính khái niệm này cũng có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng thường tập trung vào các yếu tố kinh tế - xã hội. Sự thích ứng với biến đổi khí hậu phụ thuộc rất nhiều vào các hành động địa phương. Khi mà khả năng thích ứng được quyết định bởi những điều kiện khí tượng, thủy văn, địa-vật lý và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương thì việc nâng cao năng lực địa phương là cần thiết, đặc biệt ở các nước phát triển, trong đó cần tập trung phát triển nguồn nhân lực và năng lực công nghệ ở những vùng chịu tổn thương trên thế giới. Hành động của cộng đồng phải được thực hiện theo phương châm "tư duy toàn cầu, hành động địa phương". Việc chia sẻ, phổ biến những hiểu biết và kinh nghiệm toàn cầu đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên. Trong đó, giáo dục bậc cao đóng một vai trò quan trọng khi những nghiên cứu cần thiết có thể được tiến hành thông qua các dự án nghiên cứu ứng dụng trong sự hợp tác với cộng đồng địa phương. Động thái này sẽ giúp đưa ra phương thức quản lý và hành động để đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời thiết lập các chương trình khung thích hợp trong việc đối phó và thích ứng ở những cộng đồng chịu tác động trực tiếp. Thực tế, những lỗ hổng tri thức để thích ứng với biến đổi khí hậu trong cộng đồng là rất lớn. Công dân những nước đang phát triển là những đối tượng cần được trang bị những tri thức và kỹ năng nhất. Nhưng hiện nay, người dân ở những khu vực được đánh giá là chịu tác động nặng nề nhất thì khái niệm về biến đổi khí hậu còn rất mơ hồ. Các nhà khoa học, nhà quản lý cũng cần phải hiểu đúng và đủ để hoạch định những chính sách và xây dựng những giải pháp thích ứng và đối phó. Do vậy, giáo dục bậc cao ở các nước đang phát triển đóng một vai trò quan trọng. Việc này có thể làm tốt thông qua hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới; tiến hành những nghiên cứu liên ngành hay các chương trình trao đổi sinh viên và chuyên gia. Ở Việt Nam, trước hết, giải pháp hiệu quả hơn cả là giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của biến đổi khí hậu trong đời sống, trong đó có nâng cao năng lực của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu và giảm bớt mức độ tổn thương của những cộng đồng nghèo. Việc xây dựng chương trình giáo dục cần phải căn cứ vào những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, kết hợp các nhà giáo dục để biên soạn các tài liệu, hướng dẫn có nội dung ngắn gọn, dễ hiểu cho từng đối tượng, từng nhóm người, vùng miền chịu tác động của biến đổi khí hậu. Việc đưa, lồng ghép vào các chương trình giảng dạy chính thức và tổ chức các khóa học, tập huấn được xem là giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên. Đây là những giải pháp tiết kiệm nhất, bền vững nhất, lâu dài nhất và phù hợp nhất cho Việt Nam. Thách thức của biến đổi khí hậu có thể trở thành cơ hội đối với Việt Nam nếu chúng ta biết cách thực hiện, và các trường đại học là thành phần không thể thiếu trong các hoạt động và hành động của quốc gia nhằm ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể xây dựng các đại học bền vững kiểu mẫu, sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, tối ưu hóa kết cấu, giao thông... để hạn chế thấp nhất việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Việc xây dựng các trường đại học, trung tâm nghiên cứu về biến đổi khí hậu sẽ làm nòng cốt trong việc nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động và đề xuất các giải pháp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc này có thể được thực hiện thông qua việc xây dựng các chương trình nghiên cứu liên ngành và xúc tiến các chương trình đào tạo sau đại học, tập huấn nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu với sự tham gia của các chuyên gia cao cấp để định hướng và làm nòng cốt cho việc dự báo.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=153722&sub=127&top=39