Úng ngập ngày càng gia tăng: Nguy cơ trở thành “ốc đảo”

(HNM) - Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì TP Hồ Chí Minh và Bangkok là 2 trong số 10 TP chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chính vì thế, trận "đại hồng thủy" mà Thái Lan đang gánh chịu khiến nhiều người dân TP lo lắng, bởi giống như Thái Lan, ngoài tác động của thiên nhiên, TP Hồ Chí Minh và Bangkok đang cùng đối mặt với những vấn đề do con người tạo ra như khai thác nước ngầm quá mức gây lún, xây dựng tràn lan làm ngập lụt ngày càng nặng nề…

(HNM) - Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thì TP Hồ Chí Minh và Bangkok là 2 trong số 10 TP chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Chính vì thế, trận "đại hồng thủy" mà Thái Lan đang gánh chịu khiến nhiều người dân TP lo lắng, bởi giống như Thái Lan, ngoài tác động của thiên nhiên, TP Hồ Chí Minh và Bangkok đang cùng đối mặt với những vấn đề do con người tạo ra như khai thác nước ngầm quá mức gây lún, xây dựng tràn lan làm ngập lụt ngày càng nặng nề…

Tăng ngập do bị lún

Những ngày qua, người dân trong vùng triều cường của TP vô cùng khổ sở bởi đỉnh triều cuối tháng 10 đã cao đến 1,57m, vượt mức lịch sử trong vòng 50 năm qua. Trong khi đó, theo "Dự án nghiên cứu biến dạng mặt đất" do Trung tâm Địa tin học (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) thực hiện năm 2010 cho thấy, trong số 116 tuyến đường thường xuyên ngập do triều cường, có 79 đường bị ảnh hưởng do lún mặt đất.

Cuộc sống của người dân TP Hồ Chí Minh ngày càng gặp nhiều khó khăn do triều cường.

Nghiên cứu này cho thấy, tình trạng lún mặt đất cũng đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh và chưa có dấu hiệu dừng lại. PGS-TS Lê Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Địa tin học, cho biết: Từ năm 1996-1997, TP đã xảy ra lún. Tuy nhiên, lún nhanh nhất phải kể từ năm 2003-2004 trở đi, thể hiện bằng những vụ sụp đất ở huyện Hóc Môn, quận 9... Nhiều phường, xã ở các quận 6, 7, 8, 9, 11, 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè lún 7-10mm/năm; 67 phường, xã thuộc 17 quận, huyện có tốc độ lún khá nhanh (trên 10mm/năm). Đặc biệt, ở những nơi đô thị hóa nhanh như quận 2, 7, 9, 12, Tân Phú, Bình Thạnh và Thủ Đức có mức lún đáng báo động là hơn 15mm/năm.

Nguyên nhân chủ yếu gây lún được xác định là do khai thác nước ngầm quá mức. Mười năm trở lại đây số lượng giếng khoan đã tăng gấp 6,5 lần và hoạt động khai thác nước ngầm đã vượt mức 600.000m3/ngày. Từ năm 2000, mực nước ngầm của TP hạ thấp từ 2-3m/năm và liên tục từ năm 1994 đến 2004 đã hạ sâu 20m, gây tháo khô các tầng chứa nước ngầm. Theo PGS-TS Lê Văn Trung, TP cần lập bản đồ phân vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm nhằm giữ mức độ lún không quá 5mm/năm; ngoài ra cần xác định lại toàn bộ độ cao khống chế cơ sở trong bối cảnh nước biển dâng, mặt đất lún làm căn cứ để tính cốt nền trong xây dựng, trong các công trình chống ngập.

... và xây dựng tràn lan

Theo PGS-TS Lê Phu (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), phần lớn TP Hồ Chí Minh có cao trình thấp dưới +2.0m, chiếm khoảng 1.450km2, bằng 75,6% diện tích tự nhiên. Diện tích này nằm trong tầm ảnh hưởng của triều cũng như gây khó khăn trong việc thoát nước tự nhiên. Còn GS-TSKH Lê Huy Bá (Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường) cho rằng, TP có đặc tính của một "đô thị ngập triều" nhưng việc quy hoạch lại ngược với quy luật tự nhiên nên ngập lụt là hệ quả tất yếu. Theo ông Lê Huy Bá, thay vì mở rộng và phát triển đô thị về vùng cao hướng bắc và tây bắc (như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức...) thì TP lại chú trọng phát triển về vùng trũng, thấp, địa chất yếu ở đông nam. Chính vì thế các kênh rạch, dòng chảy tự nhiên bị san lấp.

Theo thống kê, TP có gần 700 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài hơn 1.000km, trong số đó nhiều tuyến là đường thoát nước quan trọng. Thế nhưng, trong giai đoạn 1990-2004, đã có gần 50 kênh rạch lớn nhỏ, tổng diện tích khoảng 16,42ha, đã "biến mất" hoàn toàn do bị san lấp. TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, triều cường càng ngày càng cao không chỉ do nước biển dâng mà phần nhiều do tình trạng xây dựng san lấp dòng chảy thoát nước. Nghiên cứu về lượng mưa, đỉnh triều từ năm 1990 đến nay, PGS-TS Hồ Long Phi, Phó ban điều phối Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết, trong khoảng 20 năm gần đây, mực nước ở Vũng Tàu tăng chỉ 0,8cm/năm, trong khi trạm Phú An, Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) tăng gần gấp đôi, đến 1,5cm/năm.

Chính bởi lý do trên mà TP càng ngày càng ngập nặng, trong khi các dự án chống ngập tiêu tốn hàng tỷ USD chưa thể hoàn thành. Theo ông Hồ Long Phi, tác động của con người đối với ngập lụt đô thị là rất rõ, bởi TP ngày càng ngập nặng trong suốt quá trình đô thị hóa; và nếu không có những dự án chống ngập hiệu quả và cách thức quản lý đô thị tốt hơn thì khi nước biển dâng 50cm nữa, đẩy đỉnh triều lên đến 2m thì TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ còn là… ốc đảo!

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/newsdetail/moi-truong/528859/%c3%bang-ngap-ngay-cang-gia-tang-nguy-co-tro-thanh-oc-dao.htm/