Ứng Hòa kiến nghị giải pháp hỗ trợ tôn tạo và phát huy giá trị di tích

Chiều 17/8, đoàn giám sát của HĐND TP do Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Ứng Hòa về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn huyện.

Trước đó, đoàn cũng đã đến khảo sát thực tế tại di tích Đình Hòa Xá (xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa).
Ông Lương Ngọc Hoàng - Phó Trưởng Phòng VHTT huyện cho biết, theo danh mục kiểm kê của UBND TP, hiện toàn huyện có 433 di tích, trong đó 68 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia và 89 di tích cấp TP. Thời gian qua, công tác bảo tồn giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa tại huyện được các cấp, ngành quan tâm, song trải qua các biến cố lịch sử, xã hội, sự bào mòn của thiên nhiên nên phần lớn di tích đã bị xuống cấp. Trong đó, hiện 25 di tích xuống cấp nghiêm trọng, một số di tích có nguy cơ sụp đổ. UBND huyện đã lập danh sách, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 để huy động vốn tu bổ, tôn tạo theo quy định.

Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương phát biểu

Trong những năm 2011-2016, nguồn kinh phí T.Ư, TP hỗ trợ cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích với tổng kinh phí 30 tỷ đồng đã triển khai cho một số di tích; năm 2016 - 2017, huyện tiếp tục triển khai nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa đối với 9 di tích, như: Đình-đền thôn Đinh Xuyên (xã Hòa Nam), đình Hòa Xá (xã Hòa Xá), đình Nội Xá (xã Vạn Thái), chùa Tảo Khê (xã Tảo Dương Văn), đình Trạch Bái (xã Hòa Lâm), chùa Già (xã Viên An), đình Phú Lương (xã Quảng Phú Cầu)... Bên cạnh đó, nguồn kinh phí huy động từ công tác xã hội hóa cũng được triển khai hiệu quả để tu bổ, tôn tạo một số di tích.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện, khó khăn hiện nay là với số lượng di tích trên địa bàn huyện nhiều (chỉ đứng thứ hai sau huyện Phú Xuyên), các di tích nhỏ lẻ, không tập trung, phân bổ xa trung tâm, nên khó khăn trong quản lý các di tích. Trải qua thời gian, với sự tác động của thời tiết và của con người nên phần lớn di tích xuongs cấp nghiêm trọng, đặc biệt một số di tích đình đã được xếp hạng cấp Quốc gia đã xuống cấp rất nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, nguồn ngân sách TP, huyện tuy có đầu tư tôn tạo, sửa chữa di tích nhưng không đáng kể, nguồn xã hội hóa thì hạn chế. Đồng thời, nhân lực để quản lý, bảo vệ di tích ở huyện và các xã, thị trấn còn bất cập; ý thức bảo vệ di tích của người dân thì chưa cao.
Vì vậy, cùng với việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, Nhân dân, tăng cường quản lý Nhà nước và chỉ đạo UBND, Ban quản lý di tích các xã, thị trấn tích cực hơn trong công tác bảo vệ, tôn tạo, trong coi di tích..., UBND huyện cũng đề nghị UBND TP quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí thích hợp cho công tác quản lý di tích ở cấp huyện, ban hành chính sách cụ thể cho những người trực tiếp trông nom, bảo vệ di tích. Bên cạnh đó, UBND huyện đề xuất các di tích có giá trị về lịch sử-văn hóa, cách mạng kháng chiến, kiến trúc nghệ thuật để bảo tồn và phát triển tiềm năng du lịch của huyện. Đối với Sở VHTT, huyện kiến nghị hàng năm có tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, các hội nghị triển khai văn bản về bảo vệ di tích, cùng với cử cán bộ thường xuyên phối hợp với huyện kiểm tra di tích để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, khắc phục những di tích đang bị hư hỏng xuống cấp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương cho biết: Đợt khảo sát này của đoàn giám sát tại các địa phương nhằm nắm bắt thông tin, những khó khăn vướng mắc tại các quận huyện trong công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức, các cơ quan đơn vị liên quan; làm cầu nối phản ánh để kiến nghị với các sở, ngành TP liên quan để có những giải pháp hiệu quả cho các địa phương trong công tác này trong thời gian sớm nhất.

Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/huyen-ung-hoa-kien-nghi-giai-phap-ho-tro-ton-tao-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-295759.html