Ứng dụng năng lượng hạt nhân chọn tạo giống lúa thuần siêu năng suất

Ba giống lúa NPT3, BQ và TQ14 là các giống được chọn tạo bằng phương pháp đột biến chiếu xạ tia gamma (nguồn C060) ở dạng khô nhằm cho ra năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, tỉ lệ gạo nguyên cao hơn hẳn so với các giống lúa lai.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích gieo trồng lúa cả nước đạt khoảng 7,8 triệu ha (năm 2014), trong đó diện tích gieo cấy lúa lai chiếm khoảng 10%. Song lượng giống lúa lai sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 30%, còn lại phải nhập khẩu 70%.

Số liệu này cũng chỉ ra rằng mặc dù lúa lai có năng suất cao nhưng trong thực tế lại không chịu được sâu bệnh hơn lúa thuần nhất là bệnh bạc lá. Hơn nữa, năng suất lúa lai bình quân trồng ở Việt Nam chỉ cao hơn lúa thuần khoảng 10 – 15%.

Đầu tháng 10, tại hội thảo “Ứng dụng kết quả nghiên cứu tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, GS.TSKH Trần Duy Quý – nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp đã giới thiệu 3 giống lúa NPT3, BQ và TQ14. Các giống lúa trên là thành quả nghiên cứu của GS.TSKH Trần Duy Quý cùng cộng sự đến từ Viện nghiên cứu hợp tác Khoa học kỹ thuật châu Á Thái Bình Dương (IAP) và Viện Di truyền Nông nghiệp.

Theo GS Trần Duy Quý, 3 giống lúa NPT3, BQ và TQ14 là 3 giống lúa đột biến mới được chọn tạo từ giống ĐH18, giống QK và Bao Thái Hồng nhờ xử lý tia gamma nguồn C 0 60 trên hạt khô.

Nói về ưu điểm nổi bật của 3 giống lúa mới này, GS Quý chia sẻ: “Đây là những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn: vụ mùa từ 105 – 110 ngày, vụ xuân từ 120 – 135 ngày; năng suất trung bình đạt 7 – 10 tấn/ha; chống chịu đạo ôn, bạc lá, rầy nâu… Các giống lúa này hoàn toàn có khả năng thay thế một phần lúa lai và các giống lúa thuần như Khang Dân 18 và Q5 có nguồn gốc nhập nội từ Trung Quốc”.

Giống lúa BQ - Ảnh: Internet

Cụ thể, giống NPT3 có khả năng gieo trồng trên chân đất vàn, vàn cao, rất cứng cây, lá đứng, màu sắc lá xanh đậm phù hợp với khả năng thâm canh, có khả năng chống chịu sâu bệnh và những điều kiện khắc nghiệt. Đặc biệt, NPT3 có tốc độ sinh trưởng nhanh, năng suất lý thuyết 12 – 14 tấn/ha, năng suất thực thu đạt 87,8 tạ/ha, hàm lượng amyloza từ 15 – 16% nhưng nhiệt độ hóa hồ cao nên cơm không bị dính.

Giống lúa BQ có chất lượng cao, năng suất trung bình đạt 77,18 tạ/ha, hàm lượng amyloza 16 – 18%, cơm ngon đậm. Giống TQ14 có năng suất trung bình đạt 62,24 tạ/ha, chất lượng gạo phù hợp với công nghệ chế biến bánh phở, mì, bún…

Được biết, các nhà khoa học đã nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 2007 – 2015 với phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và các tiêu chí chọn lọc khắt khe. “Hạt khô của 3 giống ở độ ẩm 13% được chiếu xạ bằng tia gamma nguồn C 0 60 ở liều lượng 25 – 30 Krad tại Trung tâm chiếu xạ Cầu Diễn và Viện hạt nhân Đà Lạt. Sau khi xử lý, hạt được gieo cấy bình thường tại khu ruộng thí nghiệm của Viện IAP và Viện Di truyền Nông nghiệp theo phương pháp nghiên cứu chọn tạo giống đột biến của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA, năm 1970) và Viện Di truyền Nông nghiệp năm 1985”, GS Quý phân tích.

Theo GS Quý, sử dụng tia gamma nguồn C 0 60 xử lý hạt khô sẽ tạo nên nguồn vật liệu khởi đầu cho công tác chọn tạo giống lúa. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục khảo nghiệm sản xuất ở nhiều vùng sinh thái, đặc biệt là việc cần hoàn thành quy trình công nghệ thâm canh tăng năng suất đối với giống lúa TQ14 để tiến tới việc công nhận giống trong thời gian tới.

Được biết, các giống lúa trên đã được đưa vào thử nghiệm tại 14 tỉnh thành trong cả nước.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/ung-dung-nang-luong-hat-nhan-chon-tao-giong-lua-thuan-sieu-nang-suat-44146.html