Ứng dụng hợp chất tự nhiên bảo quản trái cây

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Đề tài sử dụng cây thuốc có hoạt tính kháng oxy hóa và ức chế vi sinh vật cao với chất tạo màng bao sinh học nhằm kéo dài thời hạn bảo quản và chất lượng của bơ và chanh dây”.

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức nghiệm thu và thông qua Đề tài “Ứng dụng các hợp chất tự nhiên có hoạt tính kháng oxy hóa và ức chế vi sinh vật trong bảo quản bơ và chanh dây tại tỉnh Đắk Lắk” do Viện Công nghệ Sinh học - Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh – Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Đề tài sử dụng cây thuốc có hoạt tính kháng oxy hóa và ức chế vi sinh vật cao với chất tạo màng bao sinh học nhằm kéo dài thời hạn bảo quản và chất lượng của bơ và chanh dây”.

Mục đích của màng bao sinh học là giảm thiểu sự bay hơi nước, ngăn cản sự tiếp xúc của quả với khí oxy bên ngoài, từ đó ức chế quá trình phát sinh ethylene, đồng thời kết hợp với thảo dược kháng oxy hóa sẽ ức chế Polyphenol oxidase và kháng vi sinh vật để kéo dài thời gian bảo quản cũng như chất lượng của trái bơ và tranh dây.

Bơ Đắk Lắk là một trong những thương hiệu có tiếng của Tây Nguyên. Ảnh: Đoàn Lê.

Ethylene là chất khí không màu, không vị, không gây độc. Loại khí này có đặc tính kích thích sự sinh trưởng của các tế bào thực vật, do đó có tác dụng làm tăng trưởng về kích thước cây trồng, kích thích sự ra hoa ở các loại cây ăn quả, kích thích quá trình chín của các loại quả có quá trình chín sau thu hoạch, nghĩa là kể cả khi quả đã được thu hoạch thì quá trình chín của chúng vẫn được duy trì như chuối, xoài, đu đủ, hồng, cà chua, bơ, chanh dây,...

Trong khi đó, Polyphenol oxidase được xem là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng hóa nâu ở nhiều loại trái cây và rau củ trong quá trình thu hoạch, bảo quản và chế biến. Từ đó ảnh hưởng xấu đến chất lượng thực phẩm và giảm khả năng chấp nhận của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến nhà sản xuất và ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Ước tính, có hơn 50% rau quả bị thiệt hại do bị hiện tượng hóa nâu, trong đó trái cây và rau củ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới dễ xảy ra hiện tượng này.

Hội đồng tư vấn đã thống nhất thông qua đề tài, đồng ý đưa đề tài vào danh mục đề xuất triển khai. Ảnh: Sở KH&CN Đắk Lắk.

Chính vì vậy, việc ức chế quá trình phát sinh Ethylene và Polyphenol oxidase là mấu chốt trong việc kéo dài thời hạn bảo quản, nâng cao chất lượng của bơ và chanh dây sau thu hoạch.

Đề tài đã được Ban chủ nhiệm báo cáo trước Hội đồng tư vấn của Sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk. Sau khi nghe đội ngũ nghiên cứu trình bày những lợi ích mà đề tài mang lại, Hội đồng tư vấn đã thống nhất thông qua đề tài, đồng ý đưa đề tài vào danh mục đề xuất triển khai trong thời gian tới.

Đoàn Lê

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-hop-chat-tu-nhien-bao-quan-trai-cay-c7a540301.html