Ứng dụng công nghệ mới trong công trình xanh

Tiếp nối thành công của Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ I, ngày 12/11, trường Cao đẳng Công nghệ (CĐCN) thuộc Đại học Đà Nẵng tiếp tục tổ chức Hội thảo “Ứng dụng Công nghệ mới trong Công trình Xanh” (ATiGB) lần thứ 2.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo nhằm tạo cơ hội để các nhà khoa học, các giảng viên, các chuyên gia trong nước và nước ngoài có điều kiện gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những thông tin liên quan đến Công trình Xanh và các công nghệ mới được ứng dụng trong lĩnh vực này, công bố và giới thiệu những kết quả nghiên cứu có liên quan, hướng đến mục tiêu cùng chung sức xây dựng và phát triển xanh, bền vững của đất nước.

Xanh công trình, xanh nhà cao tầng là một hướng phát triển xanh mà Đà Nẵng đang thực hiện trong những năm qua. Nhà ở xã hội Nest Home được đánh giá là một trong những công trình xanh tại Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ của Hội thảo sẽ đề cập đến các chủ đề nghiên cứu cần được chia sẻ xung quanh vấn đề về tiết kiệm năng lượng, giải pháp giảm thiểu và thích ứng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; Các nghiên cứu về sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường; Các giải pháp thiết kế xanh, quy hoạch, kiến trúc xanh và thông minh…

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã có những báo cáo các nghiên cứu mới liên quan về công trình xanh như việc Xây dựng bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững cho các đô thị lớn tại Việt Nam- trường hợp của thành phố Đà Nẵng. Báo cáo về hiện trạng và quản lý chất thải rắn trong tương lai, Phát triển công nghệ tái sử dụng nguồn tài nguyên nước được chia sẻ từ các Giáo sư trường ĐH Okayama và trường ĐH Technology Nhật Bản.

Công trình xanh là thuật ngữ được nói nhiều trong thời gian gần đây. Nhất là trong giai đoạn đô thị hóa nhanh tại Việt Nam đã tác động không nhỏ đối với môi trường sống, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên… Chính vì thế, việc hướng đến xây dựng công trình xanh mang lại hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường là điều cần thiết nhất hiện nay.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng trường CĐCN Đà Nẵng cho rằng: Trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta thành công cũng nhiều nhưng cũng phải trả giá không ít cho những bất cập, khiếm khuyết. Đó là phát triển hạ tầng còn thiếu tầm nhìn chiến lược, không theo kịp sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu thực tế. Phát triển xanh và không bền vững. Khai thác tài nguyên bừa bãi, hủy hoại môi trường. Quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý… Những điều này đã tác động không nhỏ đối với sự phát triển bền vững trong tương lai. Vì thế, chỉ có sự phát triển xanh và bền vững là sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng, tổn hại đến khả năng đáp ứng của thế hệ tương lai mà Việt Nam chúng ta đang hưởng ứng tích cực.

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng trường CĐCN Đà Nẵng trình bày về Xây dựng bộ chỉ số phát triển xanh và bền vững cho các đô thị lớn tại Việt Nam- trường hợp của TP Đà Nẵng.

Công trình xanh không chỉ là công trình xây dựng nhà cửa, kiến trúc, cầu đường, thủy lợi, thủy điện… mà công trình xanh là tất cả những gì liên quan đến sự phát triển của cả một đô thị, cả một nền kinh tế của địa phương. Để thực hiện được công trình xanh cần có sự tham gia vào cuộc của cả cộng đồng và cả các nhà quản lý. Bởi công trình xanh hiện nay cần có một thể chế, một chính sách đồng bộ trong quy hoạch hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình và cả hệ thống đào tạo. Đồng thời cần có những nghiên cứu của các nhà khoa học để những ứng dụng mới trong các công trình xanh mang lại hiệu quả cho sự phát triển bền vững.

Nguyễn Nam

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/ung-dung-cong-nghe-moi-trong-cong-trinh-xanh.html