Ứng dụng CNTT trong nông nghiệp còn yếu, manh mún

Mặc dù nông nghiệp là ngành kinh tế có vị trí chiến lược nhưng đầu tư công nghệ thông tin cho ngành này vẫn còn yếu, ngắn hạn, manh mún.

Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Bộ Công thương, TW Hội nông dân Việt Nam và UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị kết nối giữa đơn vị sử dụng và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt khu vực miền Nam năm 2016.

Hội nghị tổ chức chiều nay 4/10 tại Cần Thơ có chủ đề “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Hội nghị có chủ đề chủ đề “Sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn” tổ chức tại Cần Thơ chiều 4/11 - Ảnh: H.Đ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tổng doanh thu công nghệ thông tin năm 2015 ước đạt 49,5 tỷ USD với giá trị xuất khẩu đạt trên 45 tỷ USD và giá trị xuất siêu khoảng 12 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 600 ngàn lao động trên cả nước. Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Thứ trưởng đánh giá nông nghiệp là một ngành kinh tế với vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Trong đó Việt Nam phần lớn dân số sống ở nông thôn với nhiều sản phẩm nông sản phong phú nhưng giá trị xuất khẩu thực tế chỉ ở mức tương đối. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào sức lao động là chính, trình độ cơ giới hóa chưa cao, sản phẩm đầu ra phần lớn phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường.

Thêm vào đó, thông tin về các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tình hình thị trường vật tư, hàng hóa, thời tiết, dịch bệnh… chưa đủ và kịp thời nên sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp cũng như áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và phát triển thị trường nông nghiệp là yêu cầu thật sự cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đồng ý với Thứ trưởng Bộ TT-TT, ông Ngô Văn Hùng – Phó trưởng ban tuyên huấn TW Hội nông dân Việt Nam, cho biết công nghệ thông tin rất cần thiết trong phát triển nông nghiệp. Khi công nghệ thông tin kết hợp với điện tử viễn thông, tự động hóa sẽ thực hiện các bài toán dự báo lũ, mực nước các hồ chứa, ngập lụt; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; dự báo thị trường nông sản; bên cạnh đó công nghệ thông tin sẽ tạo ra các hệ thống tự động tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác một cách chính xác, điều hành cung cấp các loại vật tư vừa đủ cho cây trồng, xác định sức khỏe của vật nuôi bằng các thiết bị tự động để nâng cao hiệu quả nuôi trồng, giảm dung lượng chất độc hại trong sản phẩm nông nghiệp và giảm ô nhiễm môi trường.

Trong bài tham luận của mình, vị đại diện Hội nông dân Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam trong những năm qua công nghệ thông tin kết hợp với công nghệ viễn thám tạo thành các hệ thống thông tin cho phép theo dõi tiến độ mùa vụ và đưa ra dự báo sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long hiện đang sử dụng hệ thống thông tin địa lý viễn thám trong quản lý sản xuất lúa. Hệ thống này giúp theo dõi tiến độ gieo trồng, tiến độ thu hoạch, tình hình sâu bệnh và biến động diện tích lúa từng vụ, từng năm, có được thông tin dự báo về năng suất lúa trên các cánh đồng… Những thông tin này rất cần cho việc định hướng sản xuất của người nông dân, công tác hỗ trợ sản xuất của Chính phủ và dự kiến kế hoạch thu mua, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp.

Nhờ vào công nghệ thông tin, người nông dân được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh một cách thuận tiện, từ đó có thể lựa chọn để áp dụng vào sản xuất nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thông qua các hệ thống dự báo, có thể biết được tình hình sâu bệnh hoặc nắm bắt được tình hình sản xuất lúa trong nước, trên thế giới và từ đó sẽ chủ động từ khâu sản xuất, cung cấp và dự báo được thị trường đầu ra, giảm lãng phí công sức, chi phí của nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Hùng, trên thực tế vẫn còn nhiều lãnh đạo bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò của công nghệ thông tin, đa phần vẫn chỉ coi công nghệ thông tin là một công cụ được sử dụng đơn lẻ, thiếu tính kết nối đa chiều, đa lĩnh vực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế và manh mún, chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì chưa áp dụng được. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư cho công nghệ thông tin trong nông nghiệp còn thấp hơn nhiều so với những ngành khác.

Ông Hùng cũng cho rằng nước ta hiện nay thiếu một định hướng lâu dài, quy hoạch đồng bộ để phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nông nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ dựa vào kinh tế hộ gia đình, năng suất lao động còn thấp vì vậy ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp tạo cơ hội cho người nông dân trở thành doanh nghiệp số có năng suất và giá trị vượt trội cùng với chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn, ông Hùng phát biểu.

Là đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu cho rằng, Bộ Thông tin Truyền thông hi vọng những kinh nghiệm, mô hình giải pháp hữu ích về công nghệ thông tin trong hội nghị sẽ đến được với những người nông dân - những người là lực lượng sản xuất nòng cốt, trực tiếp tạo ra giá trị của ngành nông nghiệp, qua đó khẳng định được vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công cuộc phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường toàn cầu. hội nghị này là dịp để các tổ chức, cá nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn cũng như giới thiệu, quảng bá hoạt động kinh doanh tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Hải Đăng

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/ung-dung-cntt-trong-nong-nghiep-con-yeu-manh-mun-145374.ict