Ứng dụng CNTT để công khai minh bạch trong đăng ký xuất bản phẩm

Năm 2016, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cơ quan QLNN về hoạt động xuất bản, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ để công khai minh bạch thông tin về đăng ký xuất bản.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Sáng ngày 24/2/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2017 tại Đà Nẵng.

Đánh giá những kết quả đạt được của ngành xuất bản năm 2016, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cho rằng: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án được chú trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, giúp công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, đặc biệt là trong việc ứng dụng công nghệ để công khai minh bạch thông tin về đăng ký xuất bản và lưu chiểu xuất bản phẩm, góp phần không nhỏ cho công tác quản lý. Đồng thời, việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng đã tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong tình hình cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Các Sở TT&TT đã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về xuất bản và phát hành tại địa phương, chủ động định hướng, giám sát hoạt động của các đơn vị, đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố có nhiều nhà xuất bản và chi nhánh đại diện của nhà xuất bản đóng trên địa bàn. Đặc biệt, trên 50% các Sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước và thực hiện các thủ tục hành chính trong hoạt động xuất bản.

Công tác thanh tra, kiểm tra thể hiện rõ nét nhất việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản ở Trung ương và địa phương, góp phần ngăn chặn sai phạm, chấn chỉnh, giúp đỡ các đơn vị tham gia xuất bản, phát hành đúng quy định. Nhiều Sở TT&TT đã tích cực phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm qui định pháp luật.

Về lĩnh vực xuất bản, nhiều nhà xuất bản đã chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc qui trình xuất bản nên đã có bước chuyển biến theo hướng tích cực, thể hiện qua việc chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao. Một số nhà xuất bản đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc xuất bản xuất bản phẩm điện tử, khai trương hệ thống phát hành điện tử, đấu tư gói thầu xuất bản ddienj tử, hoặc xây dựng đề án xuất bản xuất bản phẩm điện tử...Hầu hết biên tập viên trong toàn ngành xuất bản đã được cấp Chứng chỉ hành nghề biên tập (1230 biên tập viên). Chất lượng biên tập viên được nâng lên thể hiện qua việc số lượng xuất bản phẩm vi phạm đã giảm hẳn so với trước đây.

Đối với lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, nhiều đơn vị đã tổ chức có hiệu quả các đợt phát hành sách phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như: Học tập và quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII; Triển khai thực hiện Chỉ thị 05/CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; Các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước; Tham gia Chương trình bình ổn giá thị trường do Chính phủ phát động, tổ chức nhiều đợt phát hành sách, vở viết, cặp sách, bút và tiền mặt cho đồng bào và các em học sinh vùng khó khăn....

Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục trưởng Chu Văn Hòa nhìn nhận: Công tác Quản lý nhà nước về xuất bản vẫn còn một số bất cập như: Việc triển khai thực hiện pháp luật chưa đồng bộ giữa các Bộ, ngành, các cấp chính quyền; Một số địa phương chậm triển khai Quy hoạch phát triển xuất bản phẩm, in và phát hành xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một số địa phương do hạn chế nhân lực nên chưa thường xuyên kiểm tra thị trường để kịp thời phát hiện các xuất bản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc xuất bản phẩm trái phép; Việc nộp lưu chiểu xuất bản phẩm không kinh doanh chưa được các Sở TT&TT nhắc nhở thực hiện đẩy đủ theo qui định pháp luật...

8 tập thể đã được nhận Cờ thi đua của Bộ TT&TT.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo biểu dương những cố gắng của các đơn vị, nhà xuất bản đã có nhiều nỗ lực vượt khó, đưa được nhiều đầu sách hơn đến với bạn đọc, tạo lập được thế đi lên khá vững chắc, phát triển bền vững có chiều sâu và dần khẳng định được thương hiệu riêng của đơn vị trong đời sống văn hóa xã hội. Bên cạnh đó, số lượng xuất bản phẩm bị vi phạm đã giảm hẳn so với năm trước, điều này đã thể hiện được vị thế cao của nhà xuất bản.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế chưa được khắc phục triệt để như: vẫn còn sự buông lỏng quản lý của một số đơn vị; Không thực hiện nghiêm túc quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung xuất bản phẩm mới; Tình trạng in lậu, in nối bản không hợp pháp vẫn còn diễn ra, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Một số đơn vị chủ quan chưa quan tâm sâu sát để chỉ đạo kịp thời; Đội ngũ quản lý vừa thiếu vừa yếu, nhất là cấp địa phương nhận thức cán bộ xuất bản, phát hành sách còn hạn chế.

Vì vậy, trong năm 2017, Thứ trưởng yêu cầu ngành xuất bản phải chấp hành tốt các quy định của Luật xuất bản và những quy định pháp luật liên quan; Phát hành được nhiều cuốn sách hay, có giá trị, nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp tri thức cho toàn xã hội nhưng vẫn đảm bảo thực hiện theo chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả liên kết, không để các đối tác liên kết chi phối hoạt động của các Nhà xuất bản. Chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Giám đốc, Tổng biên tập, Nhà xuất bản thông qua công tác đọc, duyệt xuất bản phẩm; tránh để xảy ra sai phạm về nội dung tư tưởng, phê phán, phản bác lại những quan điểm lệch lạc, sai trái.

Chuẩn bị tốt các điều kiện nguồn lực và cơ sở vật chất để có thể đáp ứng cho sự phát triển đa dạng với các loại hình xuất bản sách, ấn phẩm giấy, điện tử đang dần trở thành xu thế của ngành xuất bản.

Xác định công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý nhà nước và giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật, các chủ thể tham gia hoạt động này, góp phần làm hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về xuất bản, tiến tới xây dựng một thị trường xuất bản lành mạnh, tiến bộ.

Năm 2017, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành, trên diện rộng, từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó cần tăng cường phối hợp với nhau hơn nữa với các cơ quan chức năng để phòng chống việc in lậu, in giả, sao chép trái phép xuất bản phẩm, đồng thời có những chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các nhà xuất bản.

Tại Hội nghị, Các Nhà xuất bản đã trình bày các tham luận gồm: Nhà xuất bản Việt Nam trình bày tham luận về việc nâng cao chất lượng đạo tạo trong đội ngũ quản lý; Nhà xuất bản Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận về công ty biên tập và liên kết xuất bản; Công ty văn hóa Phương Nam trình bày tham luận về đa dạng hóa hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm,…Cũng tại hội nghị, đã có 8 tập thể đã được nhận Cờ thi đua và nhiều cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ TT&TT.

Hải Yến

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ung-dung-cntt-de-cong-khai-minh-bach-trong-dang-ky-xuat-ban-pham-post221853.info