Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh nhãn khoa

Các bệnh lý dịch kính võng mạc đã và đang trở thành một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa hiện nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý này là mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương do GS.TS. Đỗ Như Hơn đứng đầu đã nghiên cứu, ứng dụng thành công các kĩ thuật tiên tiến trong điều trị một số bệnh nhãn khoa như bệnh võng mạc đái đường tăng sinh, viêm mủ nội nhãn và bệnh võng mạc trẻ đẻ non,…

Tỉ lệ bệnh nhân mù lòa ngày càng cao

Theo thống kê của ngành Nhãn khoa Việt Nam, năm 2007 tỷ lệ mù do bệnh lí bán phần sau chiếm 14% nguyên nhân mù chung và có xu hướng ngày càng tăng. Trong số các bệnh lý bán phần sau này các bệnh lý như bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già đang có số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng. Theo số liệu của điều tra tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đã tăng từ 2,7% (2002) lên 5% năm 2008, tỷ lệ bệnh nhân nằm viện bị đái tháo đường có bệnh lí võng mạc do đái tháo đường chiếm khoảng 10,92%.

Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là nguyên nhân chính gây mù lòa ở những người trên 50 tuổi. Nếu bị thương tổn một mắt, gần nửa số bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị bệnh tương tự ở mắt thứ hai trong vòng 3-5 năm. Điều nguy hiểm là có đến 82% bệnh nhân không được phát hiện bệnh kịp thời. Tại Mỹ, tỷ lệ cao nhất của mù lòa là do bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già và bệnh võng mạc do đái tháo đường.

Ngoài ra, một bệnh lý bán phần sau tuy có số lượng bệnh nhân không nhiều nhưng có nguy cơ gây mù lòa vĩnh viễn, để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhân, gia đình, xã hội là bệnh võng mạc trẻ đẻ non và bệnh viêm mủ nội nhãn nội sinh. Việc điều trị trước đây đối với các bệnh lý nặng này thường chỉ là tác động một cách cơ học vào nguyên nhân gây biến chứng mù lòa như là các tân mạch nên thường có kết quả hạn chế, chỉ có thể hi vọng bảo tồn được thị lực của bệnh nhân.

Trong những năm gần đây, ngành nhãn khoa thế giới dựa trên những hiểu biết sâu rộng hơn về sinh lý bệnh đã có những tiến bộ vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lí bán phần sau. Đó là việc điều trị “đích” bằng cách đưa các thuốc ức chế tân mạch vào nội nhãn điều trị thoái hóa hoàng điểm tuổi già hình thái tân mạch hoàng điểm, bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh, bệnh võng mạc trẻ đẻ non hình thái cấp. Hay việc điều trị phẫu thuật cho các bệnh nhi bị bệnh võng mạc trẻ đẻ non giai đoạn 4,5 có nguy cơ mù gần như tuyệt đối cũng như việc sử dụng các vật liệu như dầu silicon bơm nội nhãn điều trị viêm mủ nội nhãn. Nhờ việc áp dụng các phương pháp điều trị mới không chỉ giúp bảo tồn mà còn phục hồi chức năng của những mắt mà trước đây với nhiều cố gắng chúng ta vẫn chưa điều trị thành công dẫn đến hậu quả mù lòa cao. Đây là xu thế điều trị tại các nước tiên tiến trên thế giới và là hướng đi mới tại Việt nam trong quá trình hội nhập và phát triển cùng thế giới.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Bệnh viện Mắt Trung ương đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đồng ý triển khai đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các kĩ thuật tiên tiến trong điều trị một số bệnh nhãn khoa” (mã số KC.10.07/11-15), thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15).

Thuốc Avastin và bơm tiêm insulin 3/10 cc dùng trong điều trị bệnh.

Làm chủ các kỹ thuật y học hiện đại

GS.TS. Đỗ Như Hơn, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đề tài được thực hiện với mục tiêu có được qui trình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong điều trị thoái hóa hoàng điểm tuổi già, bệnh võng mạc đái đường tăng sinh, viêm mủ nội nhãn và bệnh võng mạc trẻ đẻ non. Đồng thời đánh giá hiệu quả của các quy trình đã xây dựng trên bệnh nhân.

Nghiên cứu được tiến hành trên nhóm bệnh nhân thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể tân mạch tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong thời gian từ 1/2012 đến 12/2014. Với nghiên cứu sử dụng thuốc ức chế tân mạch điều trị bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể tân mạch của nhóm nghiên cứu đã cho thấy, phương pháp tiêm nội nhãn Bevacizumab điều trị AMD thể tân mạch với liệu trình tiêm tùy biến có hiệu quả trên cả mặt giải phẫu với độ dày võng mạc trung tâm trung bình giảm xấp xỉ 100 μm (từ 352,32 μm xuống 258, 24 μm) trong thời gian theo dõi. Tương ứng như vậy kết quả chức năng của bệnh nhân cũng được cải thiện rõ rệt với tỉ lệ thị lực tăng và ổn định trên 86% số bệnh nhân trong thời gian theo dõi.

Phương pháp điều trị cũng cho thấy có hiệu quả cả về giải phẫu và chức năng trên tất cả hình thái tân mạch. Qui trình tiêm thuốc có tỉ lệ thấp các tai biến trong tiêm nhẹ như xuất huyết kết mạc (8,56%) hay trào ngược thuốc (4,03%). Các biến chứng sau tiêm nặng như viêm nội nhãn hay xuất huyết dịch kính, bong rách võng mạc đều không gặp duy nhất có một ca bị viêm màng bồ đào và khỏi hoàn toàn sau khi điều trị nội khoa. Những kết quả này đã cho thấy phương pháp điều trị khá an toàn.

Sau quá trình triển khai thực hiện, theo dõi bệnh nhân và phân tích các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình chẩn đoán tân mạch hoàng điểm đạt độ chính xác 95% và độ đặc hiệu 89,3%; nghiên cứu chỉ định và xây dựng qui trình sử dụng thuốc chống tân mạch điều trị tân mạch hoàng điểm trong thoái hóa hoàng điểm tuổi già với hiệu quả điều trị 86% bệnh nhân giữ được thị lực, 49% bệnh nhân tăng thị lực trong thời gian theo dõi; nghiên cứu chỉ định và xây dựng qui trình sử dụng thuốc chống tân mạch điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh. Hiệu quả điều trị cao, thị lực tăng đạt 80,5% số bệnh nhân, thị lực tốt đạt 45,6% số bệnh nhân tiêm bevacizumab và cắt dịch kính.

Nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ định và xây dựng qui trình cắt dịch kính bơm dầu silicon điều trị viêm mủ nội nhãn nội sinh với kết quả 56,37% bảo tồn được nhãn cầu, 50,1% bệnh nhân có thị lực hữu ích, do tỉ lệ teo nhãn cầu rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm đến 66,6%) và vì trẻ đến viện muộn, khả năng đề kháng kém. Đồng thời chỉ định, xây dựng qui trình sử dụng thuốc chống tân mạch điều trị bệnh võng mạc trẻ đẻ non hình thái tối cấp. Tỉ lệ thành công 95% ở mũi 1 và 100% ở mũi thứ 2. Cùng với đó, nghiên cứu chỉ định và xây dựng qui trình cắt dịch kính, cắt màng tăng sinh xơ điều trị bệnh võng mạc trẻ đẻ non giai đoạn 4,5. Kết quả tốt đạt 29,7% bệnh nhân có thành công về giải phẫu. Do tình trạng mắt và toàn thân nặng nên thường không thể phẫu thuật cho bệnh nhi được sớm và tình trạng võng mạc bong co kéo nặng nên tỉ lệ thành công không cao.

Việc ứng dụng các phương pháp điều trị mới như sử dụng thuốc ức chế tân mạch trong các bệnh lý nhãn khoa phức tạp như bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già, bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh và bệnh võng mạc trẻ đẻ non đã mở ra một hướng điều trị mới hiệu quả cho người bệnh đó là điều trị “đích”. Đối với những bệnh lý có nguy cơ gây mù rất cao như viêm mủ nội nhãn nội sinh hay bệnh võng mạc trẻ đẻ non giai đoạn cuối 4-5, việc áp dụng các phương pháp phẫu thuật chuyên sâu là cứu được nhiều bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ mù lòa và đem lại hi vọng cho người bệnh và gia đình. Việc xây dựng được các quy trình điều trị cho các bệnh lý nhãn khoa phức tạp kể trên đã chứng tỏ sự cập nhật và bắt nhịp phát triển KH&CN của nghành nhãn khoa Việt Nam với khu vực và trên thế giới. Điều này cũng chứng tỏ chúng ta đã nắm vững và làm chủ được các phương pháp điều trị tiên tiến kể trên.

Hạnh Nguyên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ung-dung-cac-ky-thuat-tien-tien-trong-dieu-tri-benh-nhan-khoa/