Ứng dụng Be My Eyes và cuộc cách mạng công nghệ cho người khiếm thị

Những ứng dụng kết nối những người khiếm thị với các tình nguyện viên ngày càng phong phú và mở ra một kỷ nguyên kết nối công nghệ mới

Be My Eyes (Hãy là đôi mắt của tôi) là một ứng dụng kết nối người khiếm thị hoặc thị lực kém với các tình nguyện viên qua một kết nối video từ xa. Qua camera của điện thoại, người khiếm thị có thể cho tình nguyện viên thấy những gì họ đang nhìn vào trong thế giới thực và các tình nguyện viên sẽ trợ giúp họ với bất kỳ vấn đề gì.

Be My Eyes đã có hơn 35.000 người khiếm thị hoặc thị lực kém đăng ký sử dụng và hơn 500.000 tình nguyện viên tham gia trợ giúp. Bất kỳ khi nào người sử dụng có yêu cầu trợ giúp, các tình nguyện viên sẽ nhận được một thông báo và ứng dụng này sẽ thực hiện kết nối video.

Giao diện ứng dụng Be My Eyes.

Giao diện ứng dụng Be My Eyes.

Những lợi ích này quá rõ ràng. Jose Ranola, 55 tuổi người Philippines mắc bệnh viêm võng mạc sắc tố, nói rằng: “Tôi thường sử dụng ứng dụng này để đọc tên thuốc và các loại giấy tờ. Các trải nghiệm của tôi đều rất tốt. Các tình nguyện viên đều rất nhiệt tình”. Còn đối với James Frank, 49 tuổi công dân bang Minnesota (Mỹ) người bị hỏng dây thần kinh võng mạc: “Tín hiệu kết nối rất tốt và tôi chưa bao giờ phải đợi quá một phút”.

Nước Anh có khoảng 2 triệu người khiếm thị và trên thế giới có khoảng 285 triệu người có thị lực bị tổn hại. Vào giữa những năm 1970, Ray Kurzweil là người đầu tiên phát triển phần mềm nhận dạng ký tự quang học và tiếp sau đó là sự ra đời của Kurzweil Computer Machine, máy đọc đầu tiên dành cho người khiếm thị.

Ngày nay, một kỷ nguyên mới mở ra với khả năng tiếp cận và kết nối nhanh nhờ các thiết bị di động thông minh. Khả năng đọc màn hình đã phát triển tới mức bộ chữ Braille đã không còn cần thiết nữa.

Be My Eyes không phải là ứng dụng duy nhất có áp dụng công nghệ kết nối và hội thoại giữa người dùng với nhau. Aira, sản phẩm đầu tiên của hãng AT&T lại là một ứng dụng khác hoạt động như Google Glass, kết nối với các tổ chức độc lập, có chuyên môn, và có tính phí phục vụ để giúp người khiếm thị trong các hoạt động hàng ngày với thời gian xử lý thực (ngay lập tức khi được yêu cầu). Người ta hy vọng rằng trong tương lai có thể dạy trí thông minh nhân tạo làm thay công việc này cho các tổ chức đó.

Giao diện ứng dụng và hình ảnh của kính Aira.

Có trụ sở tại Boston và Mexico, Sunu là công ty khởi nghiệp đã phát triển một sản phẩm dẫn đường cho người khiếm thị dưới hình dạng một chiếc vòng đeo tay, sử dụng công nghệ siêu âm thanh để xác định môi trường xung quanh và ngay lập tức gửi thông báo nếu phát hiện chướng ngại vật trên đường đi của người sử dụng.

Vòng đeo tay trợ giúp người khiếm thị Sunu.

Các ứng dụng tuyệt vời này không chỉ giúp cho cuộc sống của người khiếm thị dễ dàng hơn mà còn cho thấy vai trò của công nghệ hiện đại trong cuộc sống ngày càng phức tạp của chúng ta. Những thế hệ tiếp theo của các phát minh công nghệ hứa hẹn sẽ ngày càng thông minh và có giúp đỡ to lớn hơn nữa cho người khiếm thị nói riêng và cho con người nói chung.

Minh Thu (theo The Guardian)

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/phan-mem/ung-dung-be-my-eyes-va-cuoc-cach-mang-cong-nghe-cho-nguoi-khiem-thi-155472.ict