Ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào sẵn sàng cho 'các mối đe dọa hạt nhân'?

Theo Ria Novosti, Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng đồng nghĩa là cuộc bầu cử ra vị tổng tư lệnh đối với nước Mỹ, người có thể sẽ phải đưa ra quyết định về số phận của hàng triệu người trong bối cảnh xuất hiện mối đe dọa hạt nhân. Trong 2 ứng cử viên cho chức Tổng thống Mỹ hiện nay, chỉ có 1 người đã sẵn sàng cho mối đe dọa này.

Theo nhận định của ông Sam Nunn, cựu thành viên Thượng viện Mỹ, so với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, ứng cử viên đảng Dân chủ Hilary là người có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa hạt nhân hơn.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc Đảng Dân chủ Hilary Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump

“Moscow và Washington cho đến nay vẫn đang cố gắng bố trí các lực lượng hạt nhân của mình theo cách thức để họ có thể sử dụng các lực lượng này một cách nhanh nhất, chỉ trong một vài phút. Đây là chiến lược đã cũ nhưng hết sức nguy hiểm của thời Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh nguy hiểm này, chỉ có bà Hilary Clinton mới là ứng cử viên có đủ các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để sẵn sàng đối phó với mối đe dọa này”- ông Sam Nunn nhận định.

Xét về khía cạnh này, theo ông Sam Nunn, tỷ phú Donald Trump chỉ là một “cậu học trò trong thế giới hạt nhân nhưng lại không muốn học tập kiến thức trong lĩnh vực này”.

Để dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Sam Nunn đã đưa ra một vài ví dụ cụ thể. Theo đó, ứng cử viên đảng Dân chủ Hilary Clinton đã từng làm việc tại Ủy ban Thượng viện về các vấn đề lực lượng vũ trang Mỹ, đồng thời đã tiến hành các cuộc đàm phán với Nga, Trung Quốc và các đối tác then chốt khác của Washington.

Ngoài ra, Hilary Clinton cũng đã từng đóng vai trò then chốt trong việc thông qua các quyết định đối với hàng loạt cuộc xung đột vũ trang, cho dù “vẫn có những sai lầm nhất định”.

Mặc dù không chỉ ra sai lầm cụ thể của bà Hilary Clinton nhưng có lẽ cựu thượng nghị sỹ này ám chỉ đến sự vụ xảy ra tại thành phố Bengazi của Libya hồi tháng 9/2012. Khi đó, 4 người Mỹ ở Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Bengazi đã thiệt mạng do bị các phần tử khủng bố tấn công.

1 năm sau đó, trong cuộc điều trần về kết quả điều tra sự vụ này, bà Hilary Clinton, người giữ chức Ngoại trưởng Mỹ khi xảy ra vụ tấn công trên, đã nhận trách nhiệm về cái chết của 4 nhân viên ngoại giao này.

Trong khi đó, theo Sam Nunn, ông Donald Trump chỉ có thể nói suông mà hoàn toàn không có đủ các kỹ năng cần thiết để có thể xử lý các sự vụ tương tự. Ví dụ như tỷ phú đảng Cộng hòa chỉ có thể nói rằng thế giới đã trở nê kém an toàn hơn nếu như có nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, Donald Trump dường như “không nghe ai, không quan tâm đến cái gì mình không biết và có thái độ coi thường các quân nhân”.

Trong bài báo gửi cho tạp chí The Wall Street Journal, Sam Nunn cho rằng quan hệ Nga-Mỹ trong một vài năm gần đây đang ngày càng xấu đi và một trong các điều kiện bắt buộc đối với Tổng thống tương lai của Mỹ là phải giảm bớt căng thẳng và các mối đe dọa hạt nhân trong quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, theo Nunn, điều này “đòi hỏi phải có các cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn giữa lãnh đạo hai nước”.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ung-cu-vien-tong-thong-my-nao-san-sang-cho-cac-moi-de-doa-hat-nhan-post212508.info