UNESCO tài trợ ứng dụng quan trắc mưa của giáo sư người Việt

iRain, ứng dụng di động lấy nguồn dữ liệu mưa toàn cầu từ cộng đồng người dùng nhằm kiểm soát tài nguyên nước là sản phẩm hiếm của chất xám Việt Nam được UNESCO, NASA ... tài trợ.

Hôm 9/11 vừa qua, UNESCO tổ chức buổi công bố ứng dụng thống kê lượng mưa theo hình thức người dùng đóng góp dữ liệu giúp kiểm soát và sử dụng tốt hơn tài nguyên nước toàn cầu mang tên iRain.

Đây là sản phẩm của một giáo sư tập sự người Việt đang giảng dạy tại Đại học California - Irvine (Mỹ).

TS. Nguyễn Đình Phú tại lễ công bố iRain do UNESCO tổ chức. Ảnh: NVCC.

Trưởng dự án này là TS. Nguyễn Đình Phú, người đang giảng dạy tại Đại học California - Irvine và là giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm Khí tượng thủy văn và Viễn thám (CHRS) của trường.

Tại đây, TS. Phú đã nảy ra ý tưởng về việc sử dụng một ứng dụng di động để thu thập dữ liệu được đóng góp từ người dùng, kết hợp với dữ liệu từ vệ tinh để tạo nên một bản đồ mưa theo thời gian thực trên phạm vị toàn cầu.

Ý tưởng của TS. Nguyễn Đình Phú nhanh chóng thu hút sự chú ý của những tổ chức lớn như UNESCO, NASA và một vài đơn vị kỹ thuật của quân đội Mỹ. Các tổ chức này đã tài trợ dưới dạng tài chính hay kỹ thuật giúp ý tưởng của TS. Phú trở thành hiện thực.

Nhóm điều hành ứng dụng iRain do TS. Nguyễn Đình Phú đứng đầu có sự góp mặt của nhiều sinh viên xuất sắc, trong đó có cả sinh viên Việt Nam. Hiện nhóm có khoảng 6 thành viên cùng nhiều bạn trẻ đã đóng góp công sức trong từng giai đoạn phát triển iRain..

Ứng dụng iRain. Ảnh: NVCC.

iRain của TS. Phú là ứng dụng smartphone chạy trên cả hai nền tảng iOS và Android. Ứng dụng này giúp ích rất nhiều trong quá trình quản lý tài nguyên nước sạch vốn đang ngày càng trở nên khan hiếm.

iRain ra đời sẽ giúp tạo ra nguồn dữ liệu về lũ lụt, hạn hán chi tiết tới cấp độ 4 km. Ứng dụng còn cho phép chia sẻ lượng mưa chính xác tại vị trí của người dùng lên mạng xã hội như Facebook, Twitter.

Sản phẩm của TS. Phú không chỉ giúp các nhà hoạch định hiểu hơn về cơ chế, lượng mưa, chu kỳ mưa tại từng khu vực địa lý mà theo anh còn hoạt động như một "mạng xã hội mưa", nơi người sử dụng có thể đóng góp vào cơ sở dữ liệu bằng cách thông báo lượng mưa hiện tại tại vị trí của mình theo các mức từ "không mưa" tới "mưa rất to".

Anh Nguyễn Đình Phú kể lại, trong quá trình làm ứng dụng, tiếp xúc nhiều với các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên Việt Nam đã cho anh nhiều trải nghiệm đáng nhớ. "Mình rất ấn tượng về một cậu sinh viên Việt Nam làm việc với nhóm hoàn toàn qua mạng với chiếc máy tính cũ, tốc độ xử lý không cao và không phải là máy chuyên dụng để viết ứng dụng di động", anh chia sẻ về một cộng tác viên của dự án.

Hiệu quả công việc của cậu sinh viên Việt Nam đã khiến anh bất ngờ và khâm phục, củng cố trong anh niềm tin rằng chất xám Việt Nam có chất lượng không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới.

TS. Phú chia sẻ, kế hoạch trong tương lai của nhóm vận hành là giúp iRain hoạt động ổn định hơn nữa với kết nối Internet chậm tại nhiều vùng sâu, vùng xa cũng như tích hợp chức năng dự báo mưa dễ hiểu hơn cho người dùng không chuyên vì không phải ai cũng có khả năng đọc được những bản đồ mưa phức tạp.

"Mình mong muốn iRain sẽ thân thiện hơn với người dùng phổ thông, giúp ứng dụng không còn mang tính nghiên cứu, từ đó có nhiều hơn lượng người sử dụng, đồng nghĩa với dữ liệu cung cấp ngược về cũng nhiều hơn và chính xác hơn", TS. Nguyễn Đình Phú chia sẻ.

Ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy, TS. Nguyễn Đình Phú còn là thủ lĩnh sinh viên Việt Nam tại Mỹ. Anh hiện là Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (AVSPUS) và đóng góp không nhỏ vào hoạt động xây dựng cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ.

Ngô Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/unesco-tai-tro-ung-dung-thong-ke-mua-cua-giao-su-nguoi-viet-post698798.html