Underworld: Blood Wars - Viết tiếp cuộc chiến bất tận của Người sói và Ma cà rồng

Phần mới nhất của loạt phim "Underworld" vẫn giữ phong cách hành động pha lẫn kinh dị độc đáo nhưng thiếu mất sự tinh tế trong kịch bản.

Ra đời từ năm 2003, Underworld là một trong những thương hiệu hành động dài hơi của Hollywood với 4 phần phim trải dài suốt 9 năm. Sau 4 năm vắng bóng trên màn ảnh kể từ Underworld: Awakening (2012), phần thứ 5 của loạt phim mang tên Underworld: Blood Wars đã tiếp nối cuộc chiến dường như không có hồi kết giữa 2 chủng loài nổi tiếng bậc nhất điện ảnh.

Lấy bối cảnh ngay sau phần phim trước, Selene (Kate Beckinsale) lúc này phải chịu sự truy bắt vô cùng gắt gao của Người sói bởi dòng máu lai quý giá của cô và con gái Eve. Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của kẻ thù do Marius (Tobias Menzies), Ma cà rồng quyết định nhờ Selene huấn luyện cho các Death Dealers (Kẻ Tìm Diệt: các chiến binh tinh nhuệ của Ma cà rồng) để tránh bị tuyệt diệt.

Tuy nhiên, tất cả chỉ là cái bẫy do Semira (Lara Pulver) đặt ra để chiếm lấy dòng máu của Selene. Nàng Ma cà rồng xinh đẹp trốn chạy tới Hang ổ Bắc Âu cùng với đồng minh thân cận David (Theo James). Tại đây, họ khám phá ra hàng loạt những bí ẩn từ quá khứ nhằm đối phó với cuộc tấn công ồ át sắp tới của Người sói.

Cái hay của dòng phim Underworld chính là việc họ đã kết hợp được cả 2 chủng tộc nổi tiếng trên màn ảnh lại với nhau mà không "dìm" bất kì một bên nào. Họ sống giữa thế giới con người và xung đột với nhau trong hàng chục thế kỷ. Dù đều bất lão bất tử, mỗi giống loài đều có sở trường và điểm yếu riêng khiến cuộc chiến trở nên cân sức.

Trong khi Người sói, những kẻ dễ dàng bị cơn khát máu làm lu mờ lý trí với điểm yếu là bạc, có sức mạnh vượt trội thì Ma cà rồng lại có lợi thế về kỹ năng chiến đấu và sự tính toán trong hành động nhưng không thể bước đi dưới ánh mặt trời. Vì thế mà ngay từ những phần đầu tiên, những cuộc đụng độ của cả 2 giống loài này đều vô cùng ác liệt và đẫm máu.

Tông màu tối và u ám "truyền thống" mang lại sức nặng tâm lý cho bối cảnh chiến tranh và khiến cho tính "nghiêm trọng" của phim tăng lên khá nhiều.

Nhân vật chính là Selene vẫn trung thành với phong cách ra chiêu liên hoàn hay phi thân khá đẹp mắt. Song song với đó, việc thiên về cận chiến khi sử dụng kiếm trong phim khiến các trận đánh thêm phần ác liệt và nghẹt thở.

Tuy nhiên, các cảnh chiến đấu diễn ra với thời lượng ngắn và tần suất ít hơn hẳn so với các phần phim trước. Các trường đoạn đối đầu của các nhân vật với nhau vẫn chưa thật sự mang lại cảm giác "đã". Những cảnh đấu súng gây thất vọng khi đi vào lối mòn "bắn mãi không ai trúng đạn" cũng chẳng ai thèm... né đạn nhàm chán khiến sự kịch tính bị giảm đi một cách đáng kể.

Sự thay đổi khi cho một nữ đạo diễn cầm trịch một bộ phim như Underworld: Blood Wars cũng mang lại một số điểm nhấn sáng giá cho phim. Anna Foerster vốn là xuất thân là một quay phim và làm đồ họa cho nhiều bom tấn. Vì thế mà phần kỹ xảo của phim khá tốt.

Các góc quay cận hay toàn cảnh đều được sắp xếp một cách hợp lý. Bối cảnh Hang ổ Bắc Âu trên nền tuyết trắng và bầu trời đầy cực quang vô cùng đẹp mắt. Tạo hình của tộc Ma cà rồng mới này cũng khá đẹp cùng bộ đồ và mái tốc "ton sur ton" với môi trường.

Đạo diễn Anna Foerstar cũng giúp tác phẩm của mình có nét nữ tính và nhân văn hơn khi đề cao tình mẫu tử. Selene không còn là một Ma cà rồng máu lạnh mà đã biết bộc lộ cảm xúc của mình một cách mạnh mẽ đối với con gái Eve. Tình cảm giữa David và người mẹ anh chưa từng gặp mặt cũng là một điểm nhấn mấu chốt của phim.

Underworld: Blood Wars vẫn đi theo hướng của các "đàn anh" với cốt truyện gồm nhiều âm mưu và bí ẩn đan xen. Thế nhưng cách xử lý của bộ phim lại khá hời hợt dẫn đến nhiều tình tiết có phần vô lý.

Nhịp phim khá chậm cùng phần nút thắt không gây được sự hào hứng và thu hút là một điểm trừ khá đáng tiếc. Underworld: Blood Wars có khởi đầu khá tốt nhưng càng về cuối càng đuối dần. Hai kẻ phản diện chính là Semira và Marius được giới thiệu một cách hoánh tráng với nhiều thủ đoạn thâm hiểm nhưng có cách giải quyết khá đơn giản cũng như quá nhiều lỗ hổng trong cách hành động.

Vốn lẽ ra toàn bộ những âm mưu và bí ẩn của loạt phim Underworld đã kết thúc kể từ Underworld: Rise of the Lycans. Vì thế mà từ Underworld: Awakening, bộ phim chuyển sang khai thác một thế giới hoàn toàn mới.

Thế nhưng sang Underworld: Blood Wars, các nhà làm phim lại cố gắng liên kết với quá khứ thông qua chi tiết thân phận của David và hội đổng Ma cà rồng với sự có mặt của Semira. Tuy nhiên, nước đi này đã khiến nội dung của tác phẩm trở nên bất hợp lý.

Chi tiết Hang ổ Bắc Âu có liên quan tới các Đại Trưởng Lão trong các phần trước cũng như nguồn sức mạnh mới của nơi đây là một nét sáng tạo nhưng lại khá vụng về và khiến bộ phim càng trở nên khó hiểu.

Diễn xuất của Kate Beckinsale sau 13 năm gắn bó với Underworld đã có sự phát triển một cách rõ rệt. Nhân vật của cô đã có chiều sâu cũng như bộc lộ nhiều cảm xúc hơn trước. Đồng thời, cô vẫn giữa được nét trẻ trung và mạnh mẽ qua những cảnh hành động mãn nhãn.

Selene xứng đáng là vai diễn để đời của Kate Beckinsale cũng như là điểm nhấn sáng giá cho cả loạt phim. Ở hướng ngược lại, Theo James tuy có sự mạnh mẽ và quyết đoán cần thiết nhưng vẫn chưa thể vượt qua cái bóng của Divergent để tạo cho nhân vật David của mình một dấu ấn riêng.

Phía bên kia chiến tuyến, Ma cà rồng Semira mang lại hình ảnh quỷ quyệt, lạnh lùng và gian xảo khi không từ thủ đoạn để đạt mục đích. Trong khi đó, Marius cũng có đất diễn tương đối để bộc lộ tham vọng và tính cách. Tuy nhiên, cả 2 nhân vật lại gây thất vọng về cuối phim với sự hời hợt trong cách xử lý của kịch bản. Các diễn viên khác như Charles Dance hay Clementine Nicholson đều khá tròn vai.

Dù chưa hoàn hảo nhưng Underworld: Blood Wars vẫn mang tính giải trí khá tốt, xứng đáng để thưởng thức sau những giờ làm việc căng thẳng.

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/giai-tri/underworld-blood-wars--viet-tiep-cuoc-chien-bat-tan-cua-nguoi-soi-va-ma-ca-rong-102012/