Ukraine dựng trạm không gian trên Mặt Trăng?

Kiev sẽ tiếp tục gửi phi hành gia vào vũ trụ và xây dựng trạm không gian trên Mặt Trăng dù nền công nghiệp đang gục ngã trước các cấm vận Nga.

Đài TSN dẫn tuyên bố của Trưởng phòng Thiết kế Yuzhnoe ở Dnepropetrovsk- ông Alexandr Degtyarev cho hay, Ukraina có thể tiếp tục gửi phi hành gia vào vũ trụ và xây dựng trạm không gian trên Mặt trăng.

Theo Degtyarev, Kiev có công nghệ cần thiết và nhân sự cho việc này, nhưng không đủ vốn. Như người đứng đầu Phòng Thiết kế đã nói, Ukraina là "một trong năm quốc gia có công nghệ đặc biệt", và bây giờ phải xúc tiến nó ra thị trường.

Ukraine tự tin với công nghệ vũ trụ phối hợp với Mỹ khiến nước này có thể xây dựng trạm không gian ở Mặt Trăng.

Ukraine hiện đang hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học vũ trụ.

Hôm 17/10 vừa qua, tên lửa đẩy Antares - dự án hợp tác của Orbital Sciences Corporation của Mỹ và Phòng Thiết kế Yuzhnoe - đã mang theo tàu vũ trụ Cygnus tới trạm không gian quốc tế ISS.

Trong tên lửa đẩy Antares có lắp động cơ Nga RD-181 do NPO "Energomash" sản xuất ở ngoại ô Moscow.

Video: Tên lửa đẩy Antares phóng lên trạm không gian quốc tế ISS

Nền công nghiệp của Ukraine và Nga có mối liên kết chặt chẽ và đã bị ảnh hưởng nặng nề từ sau khi Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Nga.

Khó có thể phủ nhận nền khoa học công nghệ vũ trụ Ukraine không bị ảnh hưởng mạnh mẽ.

Hồi tháng 6 vừa qua, Giám đốc Cơ quan vũ trụ quốc gia Ukraine Lubomir Szabados nói với tạp chí Space News rằng, ngành công nghiệp tên lửa-vũ trụ của Ukraine bị mất hàng triệu đô la do chấm dứt hợp tác với Nga.

Tất cả các dự án (liên doanh với Nga) liên quan đến các mục đích quân sự đã bị đóng băng. Khi nói đến thiệt hại trong ngành công nghiệp vũ trụ của Ukraine, thì đó là hàng triệu USD- Space News dẫn lời ông Szabados.

Quan chức này cũng lưu ý rằng chương trình vũ trụ của Ukraine đã bị một đòn nghiêm trọng khi mất trung tâm thông tin liên lạc vũ trụ tại ngoại ô Yavpatoria ở Crimea.

Mỹ lên kế hoạch mua động cơ tên lửa RD-180 của Nga.

Việc chấm dứt quan hệ sản xuất với Moscow, vốn là đối tác truyền thống của Kiev trong lĩnh vực chế tạo tên lửa đã bắt đầu từ năm 2014. Đầu năm 2016, Roskosmos cam kết trong tương lai gần sẽ hoàn toàn chấm dứt phụ thuộc vào các phụ tùng do Ukraine chế tạo.

Chưa kể, chính việc Ukraine tuyên bố tuyệt giao về công nghiệp quốc phòng với Nga đã đẩy quốc gia này tới một triển vọng mờ mịt.

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp sản xuất vũ khí của Ukraine với cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ sản xuất vũ khí kiểu Liên Xô cũ, chủ yếu sống dựa vào các đơn hàng gia công thiết bị, chế tạo linh kiện từ Nga, cơ bản là không có bước phát triển về công nghệ quân sự.

Việc chấm dứt hoàn toàn hợp tác sẽ khiến họ phải tìm kiếm những đối tác và đơn hàng mới. Tuy nhiên, hiện thị phần vũ khí có liên quan đến công nghệ Liên Xô hiện nay rất ít ỏi, nếu có thì đơn hàng cũng rất nhỏ, rất khó kiếm được tiền để duy trì hoạt động chứ chưa nhắc tới thiết kế mới hay phát triển công nghệ mới.

Việc tái cơ cấu ngành công nghiệp quốc phòng, xây dựng nền móng công nghệ phương Tây về cả con người lẫn cơ sở vật chất sẽ cần rất nhiều thời gian để Ukraine làm lại từ đầu, bắt kịp ngành công nghiệp quân sự phương Tây đã phát triển hàng trăm năm nay.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất là sự chuyển hướng này sẽ tốn một khoản ngân sách rất lớn.

Với nền kinh tế èo uột như hiện nay, đó là việc bất khả thi đối với chính quyền Ukraine.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ukraine-dung-tram-khong-gian-tren-mat-trang-3321211/