UBTVQH thảo luận về luận các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước

Chiều 17/10, tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước (NSNN)... được nêu trong các báo cáo mà Chính phủ trình.

Cụ thể là các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và NSNN năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020...

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các ý kiến phát biểu cơ bản bày tỏ đồng tình với nội dung các báo cáo của Chính phủ; đồng thời nhận định, bước vào triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Với mục tiêu xây dựng Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, trong sạch và liêm chính, Chính phủ đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất về kinh tế-xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo vệ môi trường; giải quyết những khó khăn về đời sống người lao động; chỉ đạo sát sao và xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp mới phát sinh...

“Các báo cáo của Chính phủ cũng như các báo cáo thẩm tra được chuẩn bị công phu; nghiêm túc nhìn nhận tình hình; đánh giá toàn diện những mặt đạt được, những hạn chế tồn tại và đề ra nhiều giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá; đồng thời đề nghị trong kế hoạch năm 2017, Chính phủ cần tiếp tục tập trung mạnh vào những vấn đề mà trong triển khai thực hiện thời gian qua vẫn còn những hạn chế như vấn đề về nợ công, nợ xấu, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tái cơ cấu nông nghiệp, phòng chống tham nhũng; tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ công quyền...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến tính ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng tăng trưởng và công tác bảo vệ môi trường; kiên quyết không xuê xoa trước vấn đề về môi trường trong thẩm định và triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Cùng với đó, ông Phan Thanh Bình cũng đề nghị cần phải có đánh giá toàn diện hơn nữa về đầu tư công, chỉ ra những mặt được, những hạn chế còn tồn tại, đề ra những giải pháp hiệu quả trong đầu tư công, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải gây thất thoát và lãng phí. Tăng cường công tác quản lý thu chi NSNN, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Liên quan đến vấn đề về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 và thời gian tới, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên nguồn NSNN đã được UBTVQH quyết định. Bảo đảm thực hiện việc hỗ trợ hiệu quả các chương trình, dự án quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cần quan tâm cơ cấu lại các khoản chi NSNN, có lộ trình thực hiện giảm dần chi thường xuyên trên tinh thần chi tiêu tiết kiệm; rà soát cắt bỏ dần một số nhiệm vụ chi tiêu công không hiệu quả, không cần thiết.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất Chính phủ tập trung hơn vào chỉ đạo công tác thu NSNN; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu NSNN. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình; quản lý chặt chẽ vồn đầu tư xây dựng cơ bản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA; đi liền với đó cần đặc biệt quan tâm đến công tác giám sát, bảo đảm nguồn vốn ODA thực sự là nguồn lực đóng vai trò tích cực đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, sau một ngày làm việc khẩn trương, các báo cáo của Chính phủ đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp tại thảo luận và các ý kiến phát biểu cũng bày tỏ cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, đánh giá được Chính phủ nêu.

UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo; đồng thời đề nghị các ủy ban hữu quan của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ xây dựng các dự Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH liên quan đến các nội dung kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách… trình UBTVQH xem xét.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/ubtvqh-thao-luan-ve-luan-cac-van-de-kinh-te-xa-hoi-ngan-sach-nha-nuoc/289119.vgp