Uber, Grab rẻ vì được ưu ái thuế và khuyến mại?

Thời gian qua, Uber, Grab liên tục đưa ra nhiều khuyến mại, taxi truyền thống cho rằng điều đó vi phạm Luật Cạnh tranh. Chỉ trong một thời gian ngắn, các hãng taxi truyền thống mất đến 60% thị phần. Đây có phải căn nguyên từ chính sách thuế “ưu ái” đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab?

Bộ Tài chính: Không có chuyện Uber, Grab được ưu đãi thuế so với taxi truyền thống. Ảnh: PV

Bộ Tài chính nói về Uber, Grab

Liên quan đến thông tin cho rằng Uber, Grab được ưu đãi thuế so với taxi truyền thống, Bộ Tài chính vừa lên tiếng khẳng định, không có chuyện taxi truyền thống đang phải chịu khá nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất chênh lệch khá xa so với Grab, Uber. Hiện tại, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế rà soát các trường hợp có dấu hiệu gian lận về thuế để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại diện Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về thuế hiện hành áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp (thống nhất về mức thuế suất, về điều kiện ưu đãi đầu tư, chế độ miễn, giảm thuế,...). Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, nếu xác định doanh thu tính thuế của Uber, Grab là 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng sẽ dẫn đến việc đánh thuế trùng và không hợp lý. Vì trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức, cá nhân này phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng.

Hiện thuế giá trị gia tăng với Uber, Grab là 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp 2% trên doanh thu được hưởng. Với tổ chức ký hợp đồng vận tải với Uber, Grab có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế GTGT, thu nhập DN trên phần doanh thu được hưởng. Cá nhân ký hợp đồng vận tải với Uber, Grab, hai công ty này có trách nhiệm kê khai và thu hộ cơ quan thuế, với mức thuế GTGT 3%, thu thuế thu nhập cá nhân 1,5% trên doanh thu được hưởng.

Với taxi truyền thống, Bộ Tài chính khẳng định, thuế GTGT đang áp dụng 10%, nhưng phần thuế này được khấu trừ mức tương đương ở chi phí đầu vào (như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định... được khấu trừ thuế GTGT 10%). “Việc DN taxi truyền thống kiến nghị được áp dụng mức thuế GTGT 5% là không có cơ sở”, Bộ Tài chính khẳng định lại.

Do đó, Bộ này khẳng định, thông tin cho rằng "taxi truyền thống đang phải chịu khá nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất chênh lệch khá xa so với Grab, Uber" là không đúng.

Khuyến mại không có nghĩa là vi phạm

Các phần mềm gọi xe được tích hợp trên điện thoại thông minh.

Vừa qua, Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội Taxi Việt Nam đã có công văn gửi Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), khiếu nại việc Uber và Grab vi phạm Luật Cạnh tranh khi liên tục đưa ra chương trình giảm giá, khuyến mại. Hiệp hội này cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng cho thấy Uber, Grab vi phạm. Điển hình như 2 DN vận tải này vi phạm quy định tổng thời gian giảm giá trong một năm không vượt quá 90 ngày, vi phạm quy định thời gian tối đa cho một chương trình giảm giá là 45 ngày, cũng như vi phạm quy định tổng giá trị hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị hàng dùng để khuyến mại...

Theo Hiệp hội Taxi Việt Nam, việc 2 đơn vị này bỏ cả nghìn tỷ đồng để khuyến mại, giảm giá nhằm thôn tính thị phần, "ép chết" doanh nghiệp taxi truyền thống. Hiệp hội Taxi Viêt Nam tính toán, thị phần số lượt xe taxi của các hãng truyền thống đã giảm tới 60%, một lượng lớn khách hàng chuyển từ đi taxi sang xe ôm Uber hay Grab. Đáng chú ý, hãng taxi Vinasun mới đây công bố con số “gây sốc” khi cho biết, chỉ riêng trong quý I năm 2017 hãng đã có 4.239 người lao động nghỉ việc và 300 đầu xe phải nằm bãi, mà nguyên nhân chính được cho là chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh "thiếu lành mạnh" của Uber và Grab.

Nghi vấn Uber, Grab có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không đã được đặt ra tại cuộc họp báo mới nhất của Bộ Công thương. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, mô hình kinh doanh mới này vừa qua đã mang lại lợi ích tốt cho người tiêu dùng cả về giá cả, chất lượng. Thời gian gần đây, Uber, Grab không ngừng tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá để cạnh tranh với taxi truyền thống, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, cơ quan này sẽ phối hợp với Bộ GTVT để theo dõi thêm. "Doanh nghiệp liên tục khuyến mại không có nghĩa là vi phạm. Khi thấy doanh nghiệp khuyến mại nhiều mà kết luận ngay là họ vi phạm thì chưa chính xác. Bộ Công thương sẽ phối hợp với cơ quan quản lý ngành giao thông giám sát loại hình vận tải này, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng khi đã hoạt động tại Việt Nam thì Uber, Grab sẽ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", ông Hải cho biết.

Cấm dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab

UBND thành phố Hà Nội vừa đề nghị Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất về việc cấm hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng. Theo đó, UBND TP Hà Nội cho biết đã nhận được công văn của Bộ GTVT về việc không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng. Cụ thể, nội dung Thông tư số 63/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có nêu rõ, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng. Việc thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết, không được bán vé, thu tiền hay xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức... Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản: thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về; số lượng hành khách; giá trị hợp đồng.

Hà Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thi-truong/uber-grab-re-vi-duoc-uu-ai-thue-va-khuyen-mai-20170718075402383.htm