Tỷ trọng dân số trẻ em và tỷ lệ trẻ em chết sớm ở Việt Nam

Theo các chuyên gia Nhi khoa thì trong vòng 30 năm (1979 - 2009) tỷ trọng dân số trẻ em dưới 15 tuổi và trẻ vị thành niên (10 - 19 tuổi) đã thay đổi đáng kể...

* Xin hỏi về tỷ trọng dân số trẻ em ở nước ta và tỷ lệ trẻ em bị chết sớm so với các nước khác?

Bạn Lê Bích Hợp (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn)

Theo các chuyên gia Nhi khoa thì trong vòng 30 năm (1979 - 2009) tỷ trọng dân số trẻ em dưới 15 tuổi và trẻ vị thành niên (10 - 19 tuổi) đã thay đổi đáng kể. Xu hướng trẻ <15 tuổi giảm dần, từ 42,56% năm 1979 giảm xuống 39,28% năm 1989; 31,12% năm 1999 và 25,51% năm 2007. Tỷ trọng trẻ vị thành niên cũng có xu hướng giảm, từ 27,94% năm 1979 xuống còn 20,89% năm 2007.

Ngược lại tỷ lệ dân số trên 65 tuổi lại có xu hướng tăng, từ 4,7% năm 1989 tăng lên 7% năm 2006. Điều này chứng tỏ tình trạng kinh tế xã hội được cải thiện. Tỷ lệ sinh và tỷ lệ tử vong giảm. So sánh tỷ lệ trẻ em <15 tuổi trung bình của thế giới năm 2009 là 27% và của các nước Đông Nam Á là 29% thì tỷ lệ trẻ em của nước ta thấp hơn, chỉ cao hơn so với các nước châu Âu (15%). Cơ cấu dân số trẻ làm tăng lực lượng lao động nếu được đầu tư nhiều hơn cho việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo và phát triển công nghệ.

Tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh (NMR) là số trẻ chết từ 0 đến 28 ngày tuổi trên 1.000 sơ sinh sống. Trên thế giới có khoảng 4 triệu trẻ sơ sinh chết trong vòng 4 tuần đầu của cuộc đời, 98% xảy ra ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ này ở Việt Nam năm 2004 là 12, trong khi của thế giới là 21, của Singapore là 1, của Brunei là 4, của Malaysia là 5, của Thái Lan là 9, của Philippines là 15, của Indonesia là 17, của Đông Timor là 29, của Lào là 30 và của Campuchia là 48.

Tỷ suất trẻ em chết dưới 5 tuổi (U5MR - tính trên 1.000 trẻ sơ sinh sống) là một chỉ báo sức khỏe trẻ em quan trọng và là 1 trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ được ghi trong Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc năm 2000.

Ở nước ta tỷ suất trẻ chết <5 tuổi cũng đang giảm dần, từ 48,6 năm 1999 giảm xuống còn 32,9 năm 2002 và 25,9 năm 2007.

Tình hình suy dinh dưỡng ở trẻ em <5 tuổi ở nước ta đã được cải thiện nhiều trong hai thập kỷ gần đây: năm 1985 có khoảng 50% trẻ em <5 tuổi bị nhẹ cân và 60% bị thấp còi, nhưng đến năm 2000 thì hai tỷ lệ này chỉ còn là 33,8% và 36,9% và đến năm 2009 chỉ còn 20,2% và 35,8%.

Các nhà khoa học cho rằng các yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em bao gồm: Điều kiện kinh tế xã hội (thu nhập, nhà ở, dịch vụ sức khỏe…); dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn thực phẩm; các yếu tố di truyền và sinh học (chủng tộc, gia đình, tuổi, giới); môi trường (biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, nước, khó thuốc lá…).

gs.ngnd nguyễn lân dũng

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ty-trong-dan-so-tre-em-va-ty-le-tre-em-chet-som-o-viet-nam-post180891.html