Tỷ phú Mỹ đầu tư vào Nga trong khủng hoảng

Tỷ phú Mỹ Jim Rogers cho rằng kinh tế Mỹ đang suy thoái nhanh hơn kinh tế Nga và quyết định đầu tư vào đồng rúp.

Vị tỷ phú Mỹ Jim Rogers đưa ra một dự báo lạc quan hơn cho nền kinh tế Nga so với Mỹ, ngoài ra đó cũng là những tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế vào nền kinh tế vững chãi trong suy thoái này.

Theo đó, bản thân ông Jim Rogers cũng đã sẵn sàng đầu tư các khoản tiền lớn vào hai tập đoàn kinh tế được cho là hàng đầu của Nga như Rosneft trong lĩnh vực dầu mỏ và Alros trong lĩnh vực công nghiệp nhôm, ngành công nghiệp du lịch của Nga cũng không nhỏ.

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters, Rogers khẳng định rằng tiềm năng phát triển của Rosneft và Alros là khá lớn. Tuy nhiên, Rogers sẽ chỉ đầu tư tiền mua cổ phiếu của các tập đoàn này sau khi đã xem các công ty này có phải chịu các lệnh cấm vận chống Nga hay không.

Du lịch Nga được tỷ phú Mỹ chú trọng đầu tư.

Ngoài việc có thể đầu tư vào các lĩnh vực trên, Rogers cũng đang xem xét sẽ đầu tư thêm vào mảng nông nghiệp và du lịch Nga.

“Tôi đánh giá ngành công nghiệp du lịch Nga rất lạc quan”- Rogers khẳng định. Được biết, cơ sở để Rogers đưa ra các đánh giá này là do Rogers đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mua trái phiếu của Nga.

“Tôi đã mua trái phiếu chính phủ ngắn hạn của Nga khoảng 2-3 tuần trước. Nếu như có thể thì tôi đã mua nhiều hơn nữa”- Rogers tiết lộ với Reuters.

Tỷ phú Rogers đồng thời khẳng định rằng sẽ không đầu tư vào các trái phiếu châu Âu mà chỉ đầu tư vào các trái phiếu của Nga vì trái phiếu Nga sẽ sinh lợi nhiều hơn.

“Ngày càng có nhiều nhà đầu tư hiểu rằng Nga là điểm đến đầy hấp dẫn để đầu tư. Khác với Mỹ và Bồ Đào Nha, Nga sẽ không thể rơi vào tình trạng vỡ nợ”- Rogers quả quyết.

“Nền kinh tế Nga đang trải qua giai đoạn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ sẽ còn phải đối mặt với sự suy thoái mạnh, nền kinh tế Đức cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu như sụp đổ thì các nền kinh tế này sẽ sụp đổ nhanh hơn những gì mà nền kinh tế Nga đã phải trải qua”- Tỷ phú Rogers kết luận.

Những gì mà ông Rogers đưa ra rất đúng với những gì ghi nhận ở Nga trong khi nền kinh tế chung gặp khủng hoảng.

Đồng nội tệ mất giá, giá dầu lao đao đã kéo tụt cả nền kinh tế Nga xuống mức thấp kỷ lục. Song tín hiệu từ Bộ trưởng Tài chính Nga A. Siluanov nhận định triển vọng kinh tế của Nga sáng sủa hơn khi Chính phủ Nga đã áp dụng một chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn. Còn theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, sự phục hồi giá dầu toàn cầu có thể thúc đẩy mạnh mẽ sự tăng trưởng của nền kinh tế Nga; việc chuyển đổi sang một mô hình kinh tế lành mạnh hơn có thể tạo ra một sự khác biệt thực sự trong dài hạn.

Một bằng chứng rõ ràng nhất về các tin vui với nền kinh tế Nga được ông Oleg Safonov, Giám đốc Cơ quan Du lịch liên bang của Nga cho hay lượng du lịch nước ngoài tới Nga đã tăng thêm trong 2015 (13% so với 2014) và một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới ngành du lịch là giá trị đồng ruble đang ở mức hấp dẫn so với các đồng tiền quốc tế sau khi suy giảm mạnh.

Chênh lệch tỷ giá hối đoái làm số tiền Nga thu về cho mỗi thùng dầu tăng.

“Đồng ruble suy yếu so với các đồng ngoại tệ chủ chốt như USD và Euro. Một mặt, đây là tín hiệu không tốt đối với nền kinh tế Nga nhưng mặt khác, sự suy yếu này tạo ra các điều kiện thuận lợi để gia tăng dòng khách du lịch nước ngoài đến Nga. Chúng tôi cần tích cực hơn nữa để đạt được mục đích này”- Oleg Safonov nhấn mạnh.

Không chỉ du lịch, theo nhà báo Tim Worstall đăng tải bài bình luận trên Tạp chí Forbes minh chứng cho việc đồng Rúp trượt giá lại là những gì Nga cần vào thời điểm bị phương Tây và Mỹ cấm vận kinh tế.

Tỷ giá hối đoái giảm có nghĩa là Nga sẽ nhận được số rúp nhiều hơn cho mỗi thùng dầu bán đi. Chính vì sự chênh lệch này, Nga sẽ thu về số rúp nhiều hơn khi bán 1 thùng dầu. Điều đó làm giảm bớt áp lực cho ngân sách được tính bằng đồng rúp của Nga, quốc gia mà phần lớn ngân sách là từ thuế xuất khẩu dầu.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ty-phu-my-dau-tu-vao-nga-trong-khung-hoang-3305647/