Tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ sơ sinh ở miền núi cao gấp 3 lần ở đồng bằng

Sáng 8/12, Tập đoàn dược phẩm GSK phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tổ chức buổi thảo luận, góp ý cho dự án 'Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn'.

Phát biểu tại buổi thảo luận, TS Nguyễn Đức Vinh – Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở miền núi cao gấp 2 – 3 lần ở đồng bằng. Trong đó, tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong trong những năm gần đây không có dấu hiệu giảm, chiếm 50% tổng số trẻ tử vong dưới 5 tuổi.

 Quang cảnh buổi thảo luận

Quang cảnh buổi thảo luận

Nguyên nhân do đời sống kinh tế người dân vùng sâu xa còn khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi, do phong tục tập quán nên việc tiếp cận với các dịch vụ y tế còn hạn chế. Như tại nhiều vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ đến khi sinh nở người đỡ đẻ sẽ là chồng hoặc mẹ, trẻ sơ sinh được cắt dây rốn bằng những vật dụng không được tiệt trùng. Riêng tại tỉnh Yên Bái, theo một cuộc điều tra của tổ chức Cứu trợ trẻ em, có tới 91% phụ nữ sinh con tại nhà mà không có bất kỳ sợ hỗ trợ nào, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng ngày một tăng.

Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã tổ chức các khoa đào tạo đội ngũ cô đỡ thôn bản dân tộc thiểu số. Nguồn nhân lực này được huy động từ chính người dân tộc đang sinh sống trong các làng bản, sau đó được đào tạo trong 6 tháng vào được thực hành đỡ đẻ tại các bệnh viện.

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, hiện nay ở nước ta có khoảng 2300 – 2500 cô đỡ đẻ thôn bản người dân tộc thiểu số. Các cô đỡ này có khả năng khám sàng lọc cho phụ nữ mang thai trong làng, bản, nếu phát hiện nguy cơ thì chính những người này sẽ tư vấn để đối tượng lựa chọn sinh để tại trạm y tế tuyến xã hoặc bệnh viện tuyến huyện. "Hiện nay đội ngũ bác sĩ sản nhi còn rất thiếu. Do đó cùng với việc đào tạo các cô đỡ thôn bản, tại các bệnh viện tuyến huyện thuộc các tỉnh khó khăn phải khẩn cấp đào tạo bác sĩ có khả năng cấp cứu sản khoa, đảm bảo các bệnh viện tuyến huyện đều phải có đơn nguyên sản, sơ sinh. Như vậy mới có thể cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn”, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.

Trước thực trạng này, tại buổi thảo luận, tập đoàn GSK đã trao 356.000 USD cho tỉnh Yên Bái – một trong những tỉnh đang gặp khó khăn nhất trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em để trang bị các thiết bị vật tư thiết yếu, đào đội ngũ nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc bà mẹ và trẻ em tại đây.

Trần Nga

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ty-le-tu-vong-me-tre-so-sinh-o-mien-nui-cao-gap-3-lan-o-dong-bang-274917.html