Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi: Giảm chậm và có dấu hiệu chững lại

Hàng năm, Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố số liệu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo các chỉ số suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân (tính theo cân nặng/tuổi), SDD thể thấp còi (chiều cao/tuổi) và SDD thể gầy còm (cân nặng/chiều cao).

Số liệu về tình trạng dinh dưỡng trẻ em được phân tích theo chỉ số nhân trắc học của Tổ chức Y tế thế giới năm 2006. Đây là con số quan trọng phản ánh sự quan tâm đầu tư của gia đình và xã hội về chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ.

Giảm chậm

Điều tra về tình trạng dinh dưỡng trẻ em được tiến hành ở 63 tỉnh, thành. Mỗi địa phương chọn mẫu ngẫu nhiên 30 cụm. Số liệu mới nhất về tình trạng SDD trẻ em dưới 5 tuổi mới được Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố cho thấy: Tình trạng SDD thể nhẹ cân giảm 0,4% (từ 14,5% năm 2014 xuống 14,1% năm 2015), SDD thể thấp còi giảm 0,3% (từ 24,9 % xuống 24,6% năm 2015).

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm GD truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), tỷ lệ SDD trẻ em có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, các vùng miền. Hiện tình trạng SDD cao nhất là khu vực Tây Nguyên (SDD nhẹ cân là 21,6%, SDD thấp còi là 34,2%), tiếp đến là trung du và miền núi phía Bắc (SDD nhẹ cân là 19,5%, SDD thấp còi là 30,3%). Tỷ lệ SDD dưới 5 tuổi thể nhẹ cân và thấp còi cao nhất vẫn tập trung ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Ở Tây Nguyên tỷ lệ SDD trẻ em cao nhất là 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai với SDD nhẹ cân là 23,7% và 24,1%, SDD thấp còi là 39,3% và 35,3%. Lai Châu và Hà Giang là hai tỉnh có tỷ lệ SDD trẻ em cao nhất khu vực trung du và miền núi phía Bắc với SDD nhẹ cân là 23,0% và 22,8%, SDD thấp còi là 36,4% và 35,1%.

Kết quả khảo sát về tình trạng dinh dưỡng trẻ em khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) cũng cho kết quả tương tự. Trong số 2.880 trẻ tham gia khảo sát, có đến 77% trẻ thành thị thiếu vitamin A, con số này ở nông thôn là 90%. 44% trẻ thành thị và 69% trẻ nông thôn thiếu vitamin B1, 51% trẻ thành thị và 64% trẻ nông thôn thiếu vitamin C. Ngoài ra, có hơn 50% trẻ thiếu vitamin D, và nghiêm trọng hơn là có đến 88% trẻ thành thị thiếu sắt, ở nông thôn tỷ lệ này lên đến 94%.

Từ số liệu trên cho thấy, chiến dịch giảm tình trạng SDD trẻ em dưới 5 tuổi là cuộc chiến chưa hồi kết, thậm chí còn có biểu hiện của sự chững lại cho dù các chương trình của Nhà nước đều ưu tiên đối tượng này.

Gia đình chưa vào cuộc

Khoa học đã chứng minh dinh dưỡng liên quan đến vòng đời của mỗi con người. Từ khi còn nằm trong bụng mẹ, thai nhi đã chịu sự tác động dinh dưỡng từ mẹ, cho đến khi chào đời và trưởng thành, dinh dưỡng là một trong yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển, trưởng thành về thể lực, tầm vóc mỗi người.

Nói như vậy để thấy rằng, dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Dinh dưỡng tốt sẽ cho ra đời những đứa con khỏe mạnh, ngược lại người mẹ bị suy dinh dưỡng sẽ sinh ra đứa con ốm yếu cho đến sau này. Dinh dưỡng quan trọng là vậy nhưng kết quả khảo sát của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường quốc tế IPSOS thực hiện tại 4 thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ cho thấy 58% số trẻ được khảo sát có xu hướng ăn ít, lười ăn, ăn không đủ chất hoặc không thích thú với các bữa ăn mà mẹ chuẩn bị công phu để đạt được cân bằng dưỡng chất.

Thành thị đã vậy, nông thôn, miền núi, tình trạng dinh dưỡng qua bữa ăn của trẻ còn nghèo nàn hơn nhiều. Bữa cơm chủ yếu là rau, mắm, thêm vài miếng thịt mỡ hay quả trứng được cho là sang với nhiều gia đình. Ở vùng khó, việc có cơm ăn ba bữa quanh năm là mừng lắm rồi bởi còn nhiều gia đình vẫn rơi vào cảnh đói giáp hạt. Thực phẩm thiết yếu đã vậy lấy đâu ra tiền mua thực phẩm của bữa ăn chứ nói gì đến việc ăn đủ chất.

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều địa phương đã khuyến khích gia đình cho trẻ đi học từ tuổi nhà trẻ. Ở trường, các em không chỉ được chăm sóc, giáo dục mà còn được hỗ trợ tiền ăn. Một số nơi khác, ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường huy động phụ huynh đóng góp thêm, từ củ khoai, mớ rau đến quả trứng, bìa đậu sẽ được chế biến để có bữa ăn hợp lý. Các cô giáo ở đây cũng không ngại khó, tìm mọi cách cải thiện bữa ăn cho trò (trồng rau, nuôi lợn, gà…). Nhìn vào tình trạng trẻ SDD đầu năm và cuối năm học ở những nơi này sẽ thấy có sự thay đổi đáng ghi nhận. Nhưng để các em có cơ hội phát triển toàn diện thì cần tăng cường chất lượng bữa ăn hơn nữa. Điều này đòi hỏi phụ huynh phải vào cuộc hơn nữa. Có như vậy, trẻ em miền núi, vùng khó mới có cân nặng, chiều cao tiến kịp trẻ vùng đồng bằng, xa hơn nữa là trẻ thành thị.

- Số liệu về tình trạng SDD trẻ em < 5 tuổi hàng năm sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách về phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương đề ra các giải pháp can thiệp kịp thời để góp phần giảm tỷ lệ SDD trẻ em và nâng cao tầm vóc người Việt Nam.

- Một trong những giải pháp quan trọng và bền vững là tăng cường hoạt động truyền thông về dinh dưỡng, nhằm mở rộng kiến thức, nâng cao hiểu biết để từng bước thay đổi thái độ, hành vi có lợi cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Hồng Hoa

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/ty-le-tre-suy-dinh-duong-the-thap-coi-giam-cham-va-co-dau-hieu-chung-lai-2097002-b.html