Tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp: Ngóng “đại gia” nhả học sinh

GiadinhNet - Theo lịch tuyển sinh, chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc nộp hồ sơ NV3.

Tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp: Ngóng “đại gia” nhả học sinh Những học sinh không đủ điều kiện xét tuyển NV3 vào ĐH, chỉ còn trông chờ vào các trường CĐ hoặc theo học nghề. Tuy nhiên, trái ngược với cuộc chạy đua sôi động vào ĐH, tình cảnh chung của nhiều trường nghề khá vắng lặng. "Dài cổ" chờ nguồn tuyển Tại Trường trung cấp Tài chính - Tin học Ánh Sáng, lượng hồ sơ đăng kí vào trường trong năm học mới này đến hết ngày 23/9 vẫn "lèo tèo". Ông Đặng Văn Sáng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Thông thường, hàng năm chỉ khoảng 20% thí sinh đỗ ĐH. Tôi không hiểu số thí sinh còn lại sẽ đi đâu? Có một số em cố chờ để năm sau thi tiếp vào ĐH nhưng chưa chắc các em thi đã đỗ. Vậy nhưng, trường nghề vẫn "chết đứng" vì các em không chọn". Theo ông Sáng, ngay từ đầu mùa thi, việc tư vấn vào ĐH, CĐ, điểm chuẩn, điểm sàn... đều được thông tin rất nhiều nhưng các thông tin về trường nghề lại quá ít. Chủ yếu các trường nghề phải tự nâng cao chất lượng hoặc bạn bè giới thiệu để thí sinh vào. Còn chờ đợi từ phương tiện thông tin đại chúng "ưu ái" cho trường nghề, để các em có cái nhìn thật đúng thì hiếm có. Chính vì thế, Trường trung cấp Tài chính - Tin học Ánh Sáng phải bù lỗ mất vài năm do không có học sinh. Cũng giống như nhiều trường nghề khác, hiện nhà trường đang chờ các "đại gia" ĐH lên khuôn toàn bộ nguồn tuyển, mới có hy vọng đón được học sinh. Theo ông Sáng, vài năm trước, trường chỉ tuyển được khoảng 30-35% thí sinh so với chỉ tiêu (khoảng 300-400 học sinh/năm). Năm 2009, trường tuyển được 900 em. Trong khi cơ sở vật chất nhà trường có thể đảm nhiệm được mức đào tạo lên đến khoảng vài nghìn em. Tương tự, nhiều trường nghề khác có các ngành đào tạo như nông nghiệp, điện - điện lạnh, may công nghiệp... cũng thường xuyên không tuyển đủ học viên theo chỉ tiêu hằng năm. Chẳng hạn, tại Trường TCCN Kinh tế - Công nghệ Gia Định (TP Hồ Chí Minh), vài năm nay, số học viên theo học trung cấp giảm. Năm 2009, trường có 350 chỉ tiêu nhưng chỉ hơn 200 học sinh nhập học. Tự "làm mới" Theo điều tra của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) năm 2008, bình quân mỗi doanh nghiệp còn thiếu 6-7 lao động qua đào tạo nghề. Các trường nghề hàng năm chỉ tuyển được khoảng 40%- 69% so với chỉ tiêu, khoảng 70% số học viên khi tốt nghiệp có việc làm. Tuy nhiên, học sinh chưa mặn mà với học nghề là do tâm lý muốn vào ĐH và chưa mấy tin tưởng vào chất lượng đào tạo ở trường nghề. Theo ông Đặng Văn Sáng, nếu nói học sinh không chọn trường nghề vì cơ sở vật chất kém, đào tạo không chất lượng thì quá chủ quan. Ông Sáng phân tích, trừ một số trường ĐH danh tiếng, có bề dày lịch sử, nhiều trường ĐH nhìn bề ngoài "hoành tráng" nhưng cơ sở vật chất đôi khi thua cả trường dạy nghề do phải đầu tư quá lớn vào hệ thống giảng đường, KTX... Trong khi đó, nhiều trường dạy nghề, đặc biệt trường ngoài công lập, được đầu tư cơ sở vật chất khá lớn... Vì thế, để thu hút học viên, nhiều trường nghề đang tự "làm mới mình". Thậm chí, ngay từ cuối năm học trước, các trường đã đăng quảng cáo, phát tờ rơi tại cổng trường phổ thông, các điểm thi, các ngã tư... Năm học 2010-2011, Trường TCCN Kinh tế - Công nghệ Gia Định đã phải đầu tư lại toàn bộ cơ sở vật chất phòng máy vi tính cho học sinh thực hành. Ngoài đăng quảng cáo tuyển sinh, trường còn kết hợp với các đơn vị tham gia nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh tại nhiều địa phương. Theo ông Nguyễn Chí Hiếu (Chuyên viên tuyển sinh của trường), đấy chỉ là một trong những phương thức để thu hút học viên. Tương tự, Trường trung cấp Tài chính - Tin học Ánh Sáng cũng tổ chức liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Đặc biệt, ngay sau mỗi khóa tốt nghiệp, trường tổ chức "Ngày hội việc làm" để học viên tìm việc. Đây cũng là trường trung cấp đầu tiên có bộ phận nghiên cứu đào tạo riêng để giúp học viên đưa kiến thức đã học vào các công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao. Hạnh Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100927102751196p0c1000/ngong-dai-gia-nha-hoc-sinh.htm