Tuyên Quang phát triển nông nghiệp bền vững

Nhằm phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, tỉnh Tuyên Quang đã và đang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao.

Sản xuất chè an toàn tại Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang).

Đổi mới cơ cấu cây trồng

Trong ba năm qua, Tuyên Quang đã lựa chọn, bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh nhiều giống lúa lai, lúa thuần, ngô lai mới; đồng thời loại 18 giống không còn phù hợp sản xuất ở địa phương. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng mô hình cánh đồng lớn, trong đó, một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn, theo hình thức doanh nghiệp đầu tư trả chậm vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm. Điển hình như Hợp tác xã nông lâm nghiệp Kim Phú (huyện Yên Sơn) liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, là hướng phát triển sản xuất mới của người dân trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú Vũ Xuân Thủy cho biết: “Kim Phú đã triển khai trồng lúa chất lượng cao từ hơn mười năm nay. Ban đầu, việc đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất chỉ hơn 10 ha, nhưng do sản xuất có hiệu quả nên xã đã mở rộng diện tích lên 150 ha, với gần 1.000 hộ nông dân tham gia, năng suất bình quân đạt từ 5,5 đến 6 tấn/ha. Nhãn hiệu gạo chất lượng cao Kim Phú đã được nhiều nơi biết đến với chất lượng tốt”. Chị Trần Thị Vượng ở thôn 3, xã Kim Phú chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi đang trồng ba sào lúa chất lượng cao năng suất hiệu quả, đầu ra ổn định. Với ba sào trồng lúa, gia đình tôi thu khoảng 5,5 tạ/vụ, với giá bán 18.000 đồng/kg, nếu so với các loại lúa thông thường thì hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”.

Cùng với việc nâng cao năng suất, chất lượng các giống lúa, Tuyên Quang chú trọng phát triển nhiều loại cây có thế mạnh, như cam, bưởi, chè, chuối, mía… Trong đó, cây cam Hàm Yên và Chiêm Hóa đã và đang khẳng định được hiệu quả, khi giá trị thu nhập ngày càng cao, là cây làm giàu của nhiều gia đình trên địa bàn. Qua thống kê, trên địa bàn hai huyện có tổng diện tích trồng cam hơn 5.500 ha, tạo thành vùng sản xuất tập trung chủ yếu ở 15 xã với hơn 5.600 hộ tham gia, trong đó gần 4.000 ha cho thu hoạch.

Do nhân dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh đúng kỹ thuật, năng suất cam đã tăng từ 10 tấn/ha năm 2013 lên 12 tấn/ha như hiện nay, sản lượng đạt gần 50.000 tấn, trị giá đạt hơn 575 tỷ đồng; doanh thu từ trồng cam bình quân đạt 144 triệu đồng/ha, nhiều hộ năng suất cao đạt hơn 350 triệu đồng/ha/năm. Riêng thương hiệu cam sành Hàm Yên được bình chọn nhiều giải thưởng uy tín, là một trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam năm 2012. Sản phẩm đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và bước đầu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Hướng đến các sản phẩm chủ lực

Hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số địa phương còn tự phát; phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cũng như mở rộng ứng dụng các quy trình sản xuất tiến bộ trong sản xuất còn chậm. Hơn nữa, việc xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm chính của địa phương chưa đạt yêu cầu; công nghệ chế biến thiếu, lạc hậu. Thị trường tiêu thụ thiếu bền vững khi sản phẩm cam, lạc tiêu thụ chủ yếu qua tư thương, giá bán không ổn định…

Theo kế hoạch, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tập trung phát triển tăng diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng, phát triển mạnh thị trường đối với những cây trồng có lợi thế, có giá trị kinh tế cao, như cây cam sành, mía, chè... Cùng với đó, hình thành, phát triển các vùng chuyên canh những cây trồng có tiềm năng, đang có hướng phát triển thành hàng hóa, như lúa chất lượng cao, bưởi, chuối, hồng không hạt; nghiên cứu phát triển các giống cây trồng mới để khai thác các tiểu vùng khí hậu đặc thù, mang lại giá trị kinh tế cao.

Đối với cây cam ở hai huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho người trồng cam; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, bảo đảm phát triển bền vững; tăng cường xúc tiến thương mại để tăng giá trị, giữ vững thương hiệu. Kêu gọi đầu tư, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân với doanh nghiệp đầu tư trồng, xây dựng cơ sở, nhà máy bảo quản, chế biến cam trên địa bàn Hàm Yên, Chiêm Hóa. Chọn tạo, đưa một số giống mới vào sản xuất để rải vụ thu hoạch quả.

Ngoài ra, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh và tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển cây trồng chủ lực, có lợi thế của tỉnh theo vùng quy hoạch; tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, cánh đồng lớn; đẩy mạnh nghiên cứu, tìm kiếm các thị trường, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh, có khả năng xuất khẩu như trà khô, mía đường, cam… Tăng cường phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, tập trung thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký, bảo hộ, chỉ dẫn địa lý; thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ các hoạt động quảng bá giới thiệu các sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh tại các hội chợ trong nước và quốc tế; tiếp tục tạo điều kiện để duy trì, phát triển liên kết sản xuất giữa nhà máy chế biến với nông dân, hợp tác xã.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang sẽ mở rộng diện tích cam lên 8.000 ha, sản lượng 82.500 tấn; cây chè 8.886 ha, sản lượng 70.500 tấn; cây mía 15.500 ha, sản lượng 1,24 triệu tấn.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Tuyên Quang sẽ mở rộng diện tích cam lên 8.000 ha, sản lượng 82.500 tấn; cây chè 8.886 ha, sản lượng 70.500 tấn; cây mía 15.500 ha, sản lượng 1,24 triệu tấn.

Bài và ảnh: PHÚC ĐẠT

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31899302-tuyen-quang-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung.html