Tuyên Quang: Nỗ lực quản lý đê nhân dân

Là một tỉnh nghèo miền núi với hệ thống đê điều được phân cấp là đê cấp 5, công tác bảo vệ, quản lý đê điều ở Tuyên Quang đang gặp nhiều khó khăn.

Dù vậy, với những nỗ lực của lực lượng quản lý đê nhân dân đã đảm bảo an toàn đê điều Tuyên Quang trong nhiều năm trở lại đây.

Quản lý đê nhân dân

Tuyên Quang có 2 tuyến đê nằm hai bên bờ sông Lô với tổng chiều dài 43,114km; dọc đê có 52 cống tiêu, bảo vệ cho 1.927,5ha lúa, hoa màu và hơn 46.300 nhân khẩu.

Chỉ với 15 người nhưng lực lượng quan lý đê nhân dân đang gánh vác nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ quản lý đê điều tại Tuyên Quang

Trong đó, tuyến đê tả sông Lô thuộc huyện Sơn Dương có tổng chiều dài 36,214km với 47 cống tiêu qua đê và đi qua địa bàn 8 xã; tuyến đê hữu sông Lô thuộc TP Tuyên Quang có tổng chiều dài 6,9km, 5 cống dưới đê và đi qua địa bàn 2 xã.

Căn cứ vào hiện trạng hệ thống đê và điều kiện xây dựng lực lượng quản lý, tỉnh Tuyên Quang không có lực lượng chuyên trách nên năm 2010 UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Năm, Trưởng phòng Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, lực lượng quản lý đê nhân dân trực tiếp thực hiện công tác quản lý và bảo vệ hệ thống đê điều.

Lực lượng này được tổ chức theo địa bàn từng xã ven đê, không thuộc biên chế nhà nước, hoạt động dưới sự quản lý, điều hành của UBND cấp xã và hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan chuyên môn cấp huyện và của Sở NN- PTNT.

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang hiện có 15 người (huyện Sơn Dương 13 người; TP Tuyên Quang 2 người) quản lý 43,113km đê trên địa bàn tỉnh. Hàng năm trước mùa mưa bão, lực lượng quản lý đê nhân dân phát dọn cây cỏ trên tuyến đê, tra dầu mỡ và vận hành thử máy đóng mở cống dưới đê, kiểm tra, phát hiện hư hỏng để báo cáo UBND cấp xã.

Trong mùa mưa bão, lực lượng này thường xuyên tuần tra, kiểm tra, báo cáo tình hình mưa lũ có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống đê điều trên địa bàn quản lý, nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, những hoạt động ảnh hưởng tới đê điều.

Sau mùa mưa bão, lại rà soát, tiến hành kiểm tra, báo cáo UBND cấp xã hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện các sự cố, từ đó đề xuất kiến nghị công tác quản lý và bảo vệ hệ thống đê điều trên địa bàn quản lý. Với các sự cố nghiêm trọng, kiến nghị địa phương đầu tư kinh phí tu sửa.

Ông Nguyễn Văn Hòa ở xóm Thúc Thủy, xã An Khang, TP Tuyên Quang là người thuộc lực lượng quản lý đê nhân dân cho biết, công việc thường xuyên của ông là kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn, tham gia xử lý sự cố đê điều; phát hiện, báo cáo kịp thời hiện trạng, các diễn biến hư hỏng, sự cố đê điều; phát hiện, ngăn chặn ngay các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều.

Ông Nguyễn Văn Sáng là cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, với những công việc nặng nề và vất vả song cả năm hoạt động thì mỗi người thuộc lực lượng quản lý đê nhân dân chỉ nhận được vỏn vẹn 2 triệu đồng. Đây là số tiền quá ít ỏi so với công sức và thời gian họ bỏ ra.

Ông Trần Tuấn Anh, quản lý đê xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương cho biết, ngoài công việc thường xuyên, lực lượng quản lý đê nhân dân còn phải tiến hành lập biên bản và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về đê điều; tham gia với cơ quan chuyên môn xây dựng phương án hộ đê, phòng, chống lụt, bão.

Nhiều trở ngại

Ông Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, tuyến đê qua huyện Sơn Dương hiện có 32 nhà ở, 2 trang trại, 1 nhà tạm, 5 bãi tập kết cát sỏi nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đê và hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, UBND các xã chỉ tiến hành xử phạt hành chính 6 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong khi đó, do tuyến đê được đầu tư xây dựng từ năm 1999 vừa thực hiện nhiệm vụ phòng chống lũ và kết hợp làm đường giao thông liên xã nên đến nay mặt đê đã xuống cấp, một số cống tiêu dưới đê bị sạt lở và hư hỏng nặng; bờ sông bị sạt lở mạnh và có nguy cơ gây mất an toàn công trình.

Chỉ với 15 người nhưng lực lượng quan lý đê nhân dân đang gánh vác nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ quản lý đê điều tại Tuyên Quang

Sở NN-PTNT đã tổ chức đánh giá, lập Dự án xử lý cấp bách sạt lở, nứt dọc gần chân đê. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục ưu tiên thuộc Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu từ năm 2012. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí thực hiện.

Về phía địa phương, chưa bố trí được nguồn ngân sách hàng năm cho các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, diễn tập tới lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng hộ đê. Chưa có kinh phí cho công tác tu sửa, nâng cấp hệ thống đê.

Trong khi đó, với mức lương 2 triệu đồng/người/năm cho lực lượng quản lý đê nhân dân thì về lâu dài công tác quản lý, bảo vệ đê điều sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi nói cho cùng, "có thực mới vực được đạo", với nguồn thu nhập đó thật khó hy vọng có sự cống hiên hết mình với trách nhiệm cao nhất của những người thuộc lực lượng quản lý đê nhân dân.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tuyen-quang-no-luc-quan-ly-de-nhan-dan-post177232.html