Tuyên Quang: Lá bùa giúp 'con voi chui lọt lỗ kim'

Chỉ với “mảnh giấy” tận thu do UBND tỉnh Tuyên Quang cấp ngắn hạn cho doanh nghiệp, Công ty CP Khoáng sản Tuyên Quang đã “tàn sát” hàng chục quả đồi, nhiều vùng đất rộng lớn ở 2 xã Công Đa và Thái Bình của huyện Yên Sơn lên móc nhặt đút túi.

Khu vực khai thác ở bãi thải do nhóm Phong, Tân, Nguyên, Kiên đang cho múc.

“Ông quan” Phó Chủ tịch nào đang “chống lưng” cho em trai mình “làm càn” ở đây? Có hay không những nhóm “quyền lợi” đang làm ăn trên mảnh đất nghèo này để rồi tiền bạc, khoáng sản béo bở vào tay những “lợi ích nhóm”, còn dân mãi mãi vẫn nghèo… Nếu đúng quy trình, làm mỏ với đầy đủ thủ tục, từ hồ sơ thuê đất, trình đầy đủ các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), ký quỹ môi trường, làm đầy đủ thủ thục theo quy định của pháp luật, rồi mới tiến hành cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ…

Thải ra xong, lại xin hót

“Mục sở thị” theo lời tố cáo của người dân địa phương, phóng viên đến khu vực đất đồi nhà bà Hồng. Quan sát, phóng viên nhận thấy những tố cáo của người dân là có cơ sở. Phía Công ty đang cho đào sâu xuống gần chục mét, 2 chiếc máy xúc và 1 chiếc máy sàng tuyển quặng đang hoạt động.

Khu vực khai thác trước nhà bà Hồng.

Nhân dân thôn Bẩy Mẫu, xã Công Đa đều khẳng định, khu vực này là nhóm “xã hội đen” gồm các đối tượng tên là: Phong, Tân, Nguyên, Kiên đang khai thác quặng bán cho công ty. Đám này táo tợn cho máy xúc sâu suống mấy chục mét, phá toang hoang cả vạt đồi đất thịt. Hàng ngày, máy xúc, ô tô chuyên chở và máy sàng tuyển quặng hoạt động rầm rộ thách thức, bất chấp các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản cũng như luật bảo vệ môi trường…

Khu vực khai thác của Công ty Khoáng sản Tuyên Quang ở núi Liễm xã Thái Bình nham nhở.

Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Hiếu, trưởng thôn Bẩy Mẫu, xã Công Đa cho biết: Trong tất cả các buổi tiếp xúc cử tri, nhân dân đều kiến nghị về tình trạng Công ty CP khoáng sản Tuyên Quang khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, lấp suối, nắn suối. Thực tế phũ phàng, sau mỗi trận mưa bùn thải lấp đầy ruộng vườn của nhân dân. Công ty khai thác hết quặng ở vạt đồi này thì lại chuyển sang quả đồi khác trước sự bất lực của người dân. Nương, ruộng của nhân dân ở trên, Công ty khai thác khoáng sản ở dưới đào đất lên thành những vách thẳng đứng để lấy quặng. Cuốc hết cả đường của người dân người dân không có đường để lên nương của mình.

Lán trại của Công ty Khoáng sản Tuyên Quang.

“Về khu vực công ty khai thác quặng trên đồi nhà bà Hồng, người dân có ý kiến thì phía Công ty lấy lý do là nguy cơ sạt lở mùa… mưa bão; Công ty xin hạ cốt quả đồi nhà bà Hồng. Nhưng thực tế là Công ty đào sâu hoắm xuống cả chục mét để khai thác khoáng sản, xong đến đâu Công ty lại vùi lấp đất lại đến đó. Tất cả cũng chỉ vì những vỉa quặng Ba-rit mà thôi” - bà Hiếu chia sẻ thẳng thắn.

Trao đổi với phóng viên về những cơ sở pháp lý, khi doanh nghiệp thải ra rồi lại được tận thu trên bãi thải của chính mình, mà điển hình là Cty CP khoáng sản Tuyên Quang (đóng tại xóm Chanh, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, Giám đốc điều hành là ông Trần Ngọc Thủy), luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: bãi thải được hiểu là nơi chả có gì. Vậy doanh nghiệp này thải ra rồi lại “móc lên” để làm gì? Chắc chắn đây chỉ là cái cớ để chính quyền địa phương cấp phép cho rồi từ giấy phép con này, doanh nghiệp tha hồ “nhặt nhạnh”. Nếu cứ liên tục cấp giấy phép “con” cho doanh nghiệp này là có vấn đề, chưa kể ông Thủy này có mối quan hệ với một ông “cốp” làm Phó Chủ tịch ở địa phương. Dư luận sẽ đặt nhiều dấu hỏi cho mối làm ăn này”.

Khi được hỏi, nhiều người dân ở thôn 7 mẫu xã Công Đa bức xúc cho biết: ở khu vực thôn 7 mẫu có 3 điểm khai thác thì Công ty đang khai thác trên diện tích đất đồi nhà bà Hồng (một hộ dân ở đây), còn 2 điểm khác đang khai thác ở khu bãi thải cũ của Công ty.

Cũng theo lời tố cáo của bà con nhân dân địa phương (xin được giấu tên) với danh nghĩa là tận thu khoáng sản, nhưng thực tế là làm cho Công ty, một số đối tượng “mặt rô” ở địa phương như đối tượng tên Phong, Tân, Nguyên và Kiên (người ở xóm bên) đã đến khai thác. Đám “mặt rô” này khai thác hết quặng ở vạt đồi này, lại chuyển sang vạt đồi khác để múc, xúc… Thách thức pháp luật, nhóm này cho máy móc đào bới, sàng tuyển quặng ngang nhiên, không theo một quy định khai thác khoáng sản nào của nhà nước, Nhà máy sang tuyển, nghiền phân loại không có, cứ một vài dàn sàng đặt lên và làm. Hoạt động rầm rộ công khai như một công trường lớn.

Rời xã Công Đa, phóng viên tìm đến xã Thái Bình, tình trạng khai thác quặng tại các điểm khai thác ở đây cũng rơi vào trạng thái bát nháo. Có rất nhiều máy xúc, máy sàng tuyển quặng đang hoạt động trước sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các lực lượng chức năng như Cảnh sát môi trường, chính quyền địa phương… Họ mặc kệ cho các đối tượng mặc sức tung hoành, đào đãi xúc lấy Ba-rít mang bán kiếm lời.

Có dấu hiệu trốn, lách

Qua điều tra và tìm hiểu, phóng viên được biết: thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang chỉ cấp phép cho doanh nghiệp này theo kiểu khai thác tận thu khoáng sản ở bãi thải trước đây của Công ty. Nhưng cấp phép xong, có “ma nào” mò đến kiểm tra đâu. Và hậu quả là, cứ chỗ nào có quặng là đào. Có chỗ thì móc đồi để lấy quặng Ba-rit, có chỗ thì múc sâu mấy chục mét. Nhiều người dân bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường, đào bới lộn xộn. Công ty khai thác không đảm bảo về môi trường, không có bãi đổ thải, cứ đào mức lên công ty chỉ sàng nhặt lấy quặng còn đất đá công ty san gạt tại chỗ

Mùa mưa đến đất đá từ trên mỏ chảy xuống suối rồi chảy ra ruộng, vườn của nhân dân. Con suối ven làng thì liên tục bị nắn và làm ách tắc dòng chảy. Đường xá thì nát tươm, bụi bặm xe chở quặng ầm ầm cả ngày mà Công ty không tưới nước, nắng thì bụi như tát vào mặt, mưa thì trơn trượt… Nhưng mọi bức xúc, âu lo chỉ dám để trong lòng. Họ e ngại, không dám phản ứng mạnh bởi Công ty CP Khoáng sản Tuyên Quang do Trần Ngọc Thủy làm Giám đốc vốn là “em út” của ông Trần Ngọc T, Phó Chủ tịch. Cũng bởi “cái ô, cái lọng” quá to ở cấp địa phương này mà không ai dám động “râu hùm”…

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Công Trình, chủ tịch UBND xã Công Đa cho biết: Ngày 17/3/2016, xã Công Đa kết hợp với Thanh tra Sở TN&MT Tuyên Quang xuống kiểm tra và lập biên bản 2 khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản thuộc thôn Bén - một điểm trong khu vực bãi thải của Công ty Khoáng sản Tuyên Quang và một điểm nằm gần bãi thải. “Xã cũng có nhiều cố gắng nhưng cũng có nhiều điểm khó” - Ông Trình bộc bạch.

Còn ông Tuyên, Phó Giám đốc Công ty khoáng sản Tuyên Quang thì cho biết: Hiện tại Công ty chỉ khai thác có 3 điểm mỏ mà chỉ là tận thu ở các bãi thải. Công ty chỉ sàng tuyển và san gạt lại những sái quặng nhỏ ở bãi thải, không được đào bới. Ông này cũng “đổ lỗi” cho những điểm khác là người dân tự ý khai thác. Ông này khẳng định, Công ty khoáng sản Tuyên Quang chỉ khai thác tận thu mấy chục năm nay và được tỉnh Tuyên Quang gia hạn giấy phép nhiều lần. Khi được hỏi về các thủ tục thuê đất theo các quy định của nhà nước, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy hoạch khai thác mỏ, nhà xưởng tận thu, vệ sinh công nghiệp… Ông Tuyên cười, thản nhiên nói: “Giấy phép thì chưa làm vì giấy phép sắp hết rồi”.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng của Trung ương cần sớm vào cuộc, làm rõ những nhóm lợi ích ở đây để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo những nguồn khoáng sản quý báu của đất nước không bị bòn rút, thất thoát.

Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Đức Hải – Nam Long

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/tuyen-quang-la-bua-giup-con-voi-chui-lot-lo-kim.html