Tùy tiện trong sách 'Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển'

Cuốn sách “Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển (1986 - 2016)”, NXB Hà Nội vừa ra mắt năm 2017 đã tùy tiện đưa vào những thông tin không kiểm chứng.

Quá nhiều lỗi sai

Với 5 chương, 26 chuyên đề, dày gần 700 trang, cuốn sách cung cấp thông tin về các thành tựu của Thủ đô trong suốt 30 năm qua lại có những sai sót không đáng có.

Bìa sách "Hà Nội 30 năm đổi mới, phát triển"

Đầu tiên phải nói về nghiệp vụ làm sách. Trừ chương I, có tên 3 tác giả ở ngay bài viết; 4 chương còn lại (từ chương II đến chương V), hơn 20 tác giả đều không có tên trong bài mà lại ở… Mục lục. Những tác giả ấy đều là đồng chủ biên cuốn sách như TS Phạm Quang Nghị - GS.TS Phùng Hữu Phú; hoặc trong Ban chỉ đạo như TS Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội…

Đặc biệt, bài viết “Hà Nội mở rộng - không gian và tiềm lực” (trang 304 - trang 334) quá nhiều lỗi viết sai, viết ẩu, suy diễn về lịch sử.

Trang 321 có đoạn: “làng Canh Diễn quê hương của nhà thơ Xuân Thủy, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, làng Lai Xá, quê tổ nghề chụp ảnh, quê cụ Hưng Ký là người giúp việc Nguyễn Ái Quốc ở Paris học nghề rửa - sửa ảnh, cũng là quê tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”…

Chỉ một đoạn mà có quá nhiều chi tiết sai về sử liệu. Thứ nhất, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường không phải quê làng Canh Diễn, quê cụ là Cổ Nhuế. Thứ hai, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên không phải Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nguyễn Văn Huyên chỉ là Bộ trưởng lâu nhất với 30 năm đứng đầu ngành giáo dục (1946 - 1975). Thứ ba, không có cụ Hưng Ký nào gắn với Nguyễn Ái Quốc và nghề chụp ảnh, sửa ảnh ở Paris (Pháp).

Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc NXB Hà Nội đồng thời là tác giả bài viết đã giải thích rằng, ông sử dụng tư liệu của cố GS Trần Quốc Vượng trong sách “Đất thiêng ngàn năm văn vật” (NXB Hà Nội, 2010). Để chứng minh, ông Dũng đã lật giở trang 523 cuốn sách này. Tuy nhiên, trong sách viết: “tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời đại Hồ Chí Minh”.

Chi tiết Nguyễn Ái Quốc với nghề sửa ảnh thì ông Lê Tiến Dũng tự viết thêm chữ việc vào thành: giúp việc. Cuốn sách này được xuất bản năm 2010 sau khi GS Trần Quốc Vượng qua đời 5 năm. Độ chính xác về sử liệu có sai số. Không có cụ Hưng Ký nào giúp Nguyễn Ái Quốc nghề sửa ảnh ở Paris, mà đó là cụ Nguyễn Đình Khánh - tức Khánh Ký, người thầy dạy nghề của Nguyễn Ái Quốc.

Trang 323 tác giả viết: “Lật giở từng trang sử vàng truyền thống, chúng ta thấy khắc ghi tên tuổi của những kẻ sĩ Bắc Hà như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Hồ Đắc Di, Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện… Tinh thần và khí phách kẻ sĩ Bắc Hà đã thấm sâu, hun đúc và trở thành một tố chất trong phẩm chất của trí thức và của người dân Thăng Long - Hà Nội xưa cũng như nay”.

Quá nhiều lỗi sai trong sách

Kẻ sĩ Bắc Hà làm sao lại có cả cụ Huỳnh Thúc Kháng (người Nam Trung Bộ), GS Trần Đại Nghĩa và GS Trần Văn Giàu (người Nam Bộ)? Ông Lê Tiến Dũng giải thích: Theo tiêu chí đặt ra, những người lập nghiệp trên đất Hà Nội nổi tiếng có nhiều đóng góp cho đất nước, cho Hà Nội cũng đáng để tôn vinh. Khi PV hỏi đó là tiêu chí nào, ở đâu, thì ông nói: “Ý của tôi là như thế”.

Tùy tiện đưa thông tin

Bài viết “Thủ đô Hà Nội tiếp tục vững bước trên con đường thắng lợi”, tác giả Hoàng Trung Hải, trang 31, có đoạn: “Ngay từ những ngày đầu đất nước mới độc lập, Bác Hồ đã cảm hóa và quy tụ được nhiều nhân tài, ở trong nước có Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn…, ở ngoài nước có Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phan Anh… - những trí thức Việt kiều nổi tiếng ở Pháp theo Bác về giúp dân giúp nước”.

Các nhà trí thức Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước thì đúng là Việt kiều theo Bác Hồ về nước. Còn Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phan Anh đâu phải Việt kiều. PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, bình luận một về điều này: “Quá là tùy tiện”.

Bài viết còn dẫn một câu được cho là của nhà bác học Lê Quý Đôn đã nói: “Tôn tài thì đại thịnh, tôn nịnh thì đại nguy, tôn lộc thì đại suy”, nên Thăng Long - Hà Nội vừa là nơi “đất lành chim đậu” quy tụ hào kiệt bốn phương, vừa sinh ra nhiều anh tài kiệt xuất…”.

Tác giả đã đem bản quyền 16 chữ vàng “Tứ tôn châm” của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm gán sang Lê Quý Đôn. Đỗ Hoàng giáp năm 1907 khi 19 tuổi, vào triều kiến vua Thành Thái, Nguyễn Khắc Niêm đã đọc 4 câu góp kế sách để phục hưng quốc gia.

Từ nhiều năm trước, tháng 10/2007, GS.NGND Đinh Xuân Lâm trong bài viết “Cụ Hoàng quê tôi” đã nhắc đến 16 chữ vàng “Tứ tôn châm” của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Trước đó, nhiều tác giả khác như Phùng Văn Mỹ, Nguyễn Trọng Thụ cũng nhắc đến điều này. Bài viết của họ sau đó đều được in trong sách “Cụ Hoàng Niêm đất Hương Sơn” (Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm - biên soạn, NXB Thuận Hóa, tái bản - có bổ sung, 2007).

“Bài thơ “Tứ tôn châm” của cha tôi chứ không phải của Lê Quý Đôn. Những ai đọc sách báo mươi năm lại đây, đều biết có hàng chục tờ báo đã phân tích “Tứ tôn châm” của Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, đã được in ở nhiều sách báo viết về cụ. Trong đó có bài của ông Nguyễn Trọng Thụ, nguyên Trưởng Ban Quốc tế Tạp chí Cộng sản cũng viết rõ bài “Tứ tôn châm” là của cụ Nguyễn Khắc Niêm”. - Nhà văn Nguyễn Khắc Phê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương - Huế.

KHẢI MÔNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tuy-tien-trong-sach-ha-noi-30-nam-doi-moi-phat-trien-post192295.html