Tựu trường san sát chân son

Khai giảng năm học mới nhiều trường không nghi lễ rườm rà, không bắt học sinh phải đến sớm ngồi giữa sân chờ một quan chức nào đó đến đọc diễn văn. Ngày khai trường trở thành ngày hội dành cho học sinh, thay vì là ngày các em làm khán giả ngồi xem người lớn diễn.

Thật vui khi TPHCM đi đầu trong việc bỏ diễn văn, không quan chức phát biểu, dành thì giờ cho các sinh hoạt theo những chủ đề mang tính giáo dục cao. Có trường lấy chủ đề “Quê hương”, có trường lấy chủ đề an toàn giao thông, có trường tổ chức giao lưu với những nhân vật nổi tiếng có đóng góp hiệu quả cho xã hội.

Với chủ đề “Quê hương”, qua hình ảnh minh họa và nhiều thông tin khác, học sinh sẽ hiểu biết thêm về Việt Nam với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những di sản văn hóa lâu đời, để các em tự hào và yêu quê hương đất nước hơn.

Với chủ đề an toàn giao thông, học sinh được trang bị kiến thức về pháp luật giao thông, tự bảo vệ mình khi đi đường, có ý thức chấp hành luật giao thông.

Chúng ta sẽ có những thế hệ ngày mai tham gia giao thông văn minh và an toàn một khi chúng ta biết giáo dục điều đó cho các em học sinh ngay từ ngày hôm nay. Với chủ đề giao lưu, tiếp xúc với những nhân vật có đóng góp cho cộng đồng, các em sẽ mở rộng tầm mắt, thấy được giá trị của sự cống hiến, sự chia sẻ. Mai sau, các em vào đời, cũng sẽ biết cách giang rộng vòng tay với tha nhân.

Ngày khai trường là ngày của các em, hãy để không gian, hãy dành thời gian cho các em, để các em sống với cảm xúc, suy tư của mình và sẻ chia cùng bè bạn.

Ngày tựu trường các em sẽ có gương mặt riêng, có lay động riêng, như Nguyễn Bính nói về các nữ sinh: “Những nàng thiếu nữ sông Hương. Da thơm là phấn, môi hường là son. Tựu trường san sát chân son. Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời”.

Và Huy Cận nói về các chàng trai: “Giờ náo nức của một thời trẻ dại. Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương. Những chàng trai mười
lăm tuổi vào trường. Rương nho nhỏ với linh hồn ngà ngọc”.

Tinh thần của ngày khai trường năm nay sẽ tiếp tục theo các em đến hết năm học. Đó là các em không phải những đứa trẻ thụ động ngồi ngay hàng thẳng lối nghe người lớn đọc diễn văn, mà là chủ thể hành động để tạo nên những giá trị cho riêng mình.

Đó là các em sẽ không ngồi học bằng thái độ chịu mọi thứ áp đặt, mà độc lập suy nghĩ để đưa ra quan điểm cá nhân. Đó là các em phải đòi được quyền thụ hưởng một nền giáo dục khai phóng, một nền giáo dục tạo ra con người tự do sáng tạo và cống hiến.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/tuu-truong-san-sat-chan-son-589454.bld