Tướng Thu kể chuyện đối đầu nghẹt thở với cướp biển

Gắn bó với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam từ ngày đầu mới thành lập (8.1998), Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu - nguyên Tham mưu trưởng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vẫn nhớ như in những vụ đánh án buôn lậu trên biển, buộc phải khai hỏa trấn áp cướp biển bảo vệ an toàn hàng hải và cả những vụ cứu nạn ngư dân.

Khác với vẻ cương quyết có phần hơi “khó gần” trong vai trò người phát ngôn của Cảnh sát biển Việt Nam (đặc biệt là trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam), đời thường, Tướng Thu khá cởi mở và thân thiện.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đang vây ráp tàu Zafirah. Ảnh: CSB

Trò chuyện với tôi, ông khoe: “Mình nghỉ hưu hơn một tháng rồi nhưng anh em báo chí vẫn hỏi han, chia sẻ, một số anh em thân quen còn thường tới nhà hàn huyên”.

Khi tôi hỏi về những kỷ niệm trong cuộc đời làm cảnh sát biển, Tướng Thu dí dỏm: “Nhiều người cứ nghĩ Cảnh sát biển Việt Nam thuộc ngành công an nhưng thực ra lực lượng Cảnh sát biển là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Bạn cứ hình dung, trên bờ có cảnh sát thì dưới biển cũng cần có lực lượng giữ vững an ninh trật tự, an toàn hàng hải, trấn áp và đấu tranh có hiệu quả với các loại vi phạm, tội phạm trên các vùng biển, tìm kiếm cứu nạn…

Khắc tinh của cướp biển

Ông nói, kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông chính là vụ bắt giữ thành công 11 tên cướp biển người Indonesia có vũ trang trong vụ cướp tàu Zafirah năm 2012.

Áp tải 1 trong số 11 tên cướp tàu Zafirah. Ảnh: CSB

Nhận được thông tin cần trợ giúp từ Trung tâm Chống cướp biển quốc tế báo tàu Zafirah (quốc tịch Malaysia) bị cướp, toàn bộ thuyền viên trên tàu bị đẩy xuống biển. Sở chỉ huy Cảnh sát biển Việt Nam (tại Hà Nội) đã lệnh cho biên đội tàu Cảnh sát biển lên đường hỗ trợ.

Thật may, qua báo cáo của Đài duyên hải, ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát hiện 9 thủy thủ đang trôi dạt trên biển và cứu vớt kịp thời. Họ xác nhận chính là thủy thủ của tàu Zafirah.

Có những tàu Cảnh sát biển đi trên biển nhiều ngày, chỉ cần thấy một chiếc thuyền đánh cá của ngư dân treo cờ đỏ sao vàng là thấy thiêng liêng lắm. Còn khi tàu cá gặp tàu Cảnh sát biển, ngư dân trên tàu cũng mừng rỡ, chạy hết cả lên boong vẫy chào anh em. Hình ảnh đó cảm động lắm bởi chúng tôi biết rằng bà con vẫn an toàn, chúng tôi lại càng vững tâm”.

Tướng Ngô Ngọc Thu

Khi biên đội tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đang trên đường tới hiện trường thì có nguồn tin cấp báo có một tàu khả nghi đang cách đảo Phú Quý 50 hải lý về hướng đông bắc. Tuy nhiên, khi tàu của Cảnh sát biển tới thì thấy rõ tên tàu đã được đổi thành “MTSea Horse”. Qua kính ngắm chuyên dụng, các chiến sĩ Cảnh sát biển thấy tàu này được sơn đè khá vội vã. Thuyền trưởng tàu Zafirah dù chưa kịp trấn tĩnh cũng được điều ra khu vực tàu này để xác minh.

Ngay sau cái gật đầu, khẳng định đây đúng là tàu Zafirah bị cướp, toàn bộ biên đội của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã vây ráp quanh tàu, giữ khoảng cách an toàn phòng trường hợp cướp biển xả súng. Một giọng nói dõng dạc vang lên bằng tiếng Anh, qua loa: “Đây là lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, yêu cầu tất cả đầu hàng”.

Đáp lại lời kêu gọi của lực lượng Cảnh sát biển là sự tĩnh lặng lạ thường. Rồi bỗng dưng con tàu chồm lên lao nhanh hòng thoát khỏi sự kiềm tỏa của lực lượng chức năng. Chỉ thị được Sở chỉ huy cấp tốc chỉ đạo xuống: “Bắn cảnh cáo”.

Ngay lập tức, một loạt đạn AK rền vang. Một phút, hai phút, ba phút… trôi qua, nhóm cướp biển vẫn ngoan cố. Nhận thấy tình hình vẫn rất khó lường, Sở chỉ huy Cảnh sát biển lại lệnh “dùng đại liên 12 ly 7 và AK bắn”.

“Vẫn chỉ là loạt đạn cảnh cáo, nhưng sau loạt đạn đại liên 12 ly 7 kèm AK vang lên, qua ống nhòm chuyên dụng, lực lượng Cảnh sát biển trông thấy toàn bộ nhóm cướp biển co rúm và dồn hết vào cabin” – Tướng Thu nói.

“Những tên cướp biển vẫn không thể hiện bất kỳ một dấu hiệu đầu hàng nào. Lúc ấy, tại Sở chỉ huy, chúng tôi nhận lệnh của Bộ Quốc phòng quyết định đưa đặc công ra. Máy bay trực thăng cũng đã chở đặc công từ vịnh Cam Ranh vào Vũng Tàu. Một tàu Cảnh sát biển cũng đã sẵn sàng để đưa đặc công tới hiện trường, tấn công trực diện. Lúc ấy tất cả đều rất căng thẳng bởi nhóm cướp biển quá gan lì, chuyên nghiệp” – Tướng Thu hào hứng kể.

Khẽ đăm chiêu, Tướng Thu kể tiếp: “Tàu Zafirah chở dầu dạng nhẹ. Loại dầu này giống như xăng máy bay. Tôi trưởng thành từ lính, đánh đặc công mang tính phá hủy, triệt tiêu, gây nổ… thế nhưng con tàu này như quả bom khổng lồ. Với phương án sử dụng đặc công, cướp biển chống trả lại thì không rõ hậu quả sẽ lớn như thế nào. Tính mạng, tài sản và cả sự an nguy của những tàu Cảnh sát biển xung quanh sẽ khó đảm bảo nếu cả tàu Zafirah phát nổ”.

Ngay lúc đó, Sở chỉ huy hạ hạ lệnh bắn đại liên và AK vào ca bin tàu. Tuy nhiên, yêu cầu chọn lựa những xạ thủ giỏi để hạn chế thương tích cho cướp biển cũng được đặt ra. Sau những loạt đạn đại liên và AK nhằm thẳng vào ca bin, toàn bộ phần phía trên của ca bin tan hoang.

Khi những làn khói từ nòng súng trên tàu cảnh sát biển chưa tan hết thì cũng là lúc từng tên cướp chắp tay sau đầu lục tục kéo ra xin hàng. Có tổng cộng 11 tên. Cảnh sát buộc 11 tên cởi bỏ toàn bộ quần, áo, nhảy xuống biển để cảnh sát vớt lên.

“Đây là một chiến công gây tiếng vang với cộng đồng quốc tế. Vụ việc lại càng đáng nhớ vì lần đầu tiên một lực lượng thực thi pháp luật trên biển của ta đối mặt với cướp biển có vũ trang, nổ súng bắn thẳng để trấn áp, không phải tiêu diệt một tên nào mà vẫn bắt gọn được toàn bộ. Điều này thể hiện sự quyết đoán, thống nhất, dũng cảm và đa trí của ta trong xử lý” - Tướng Thu quả quyết.

Nỗi lòng của vị tướng biển cả

“Tất cả vụ việc vi phạm pháp luật trên biển đều bắt nguồn từ trên bờ. “Ông trùm” trên bờ chỉ đạo toàn bộ. Qua trinh sát nắm tình hình, có những vụ việc buôn lậu dầu hàng nghìn lít, những kẻ buôn lậu bán cho nhau chỉ cần ghi số hiệu tàu, lượng dầu bán… mà không cần bất cứ giấy tờ gì. Tiền sẽ được người trong bờ chuyển qua tài khoản. Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, nhờ cậy các thế lực can thiệp bằng nhiều hình thức. Lúc ấy, bản lĩnh, trách nhiệm, đạo đức của người Cảnh sát biển lại càng phải được đề cao, để những “viên kẹo bọc đường” nếu có cũng không thể xuyên thủng” - Tướng Thu khẳng định.

“Trước khi thành lập lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, tôi là Chỉ huy trưởng Vùng 1, có thời điểm các tàu hàng đi buôn lậu hàng từ Nhật về như đi “trẩy hội”. Khi có nguồn tin báo về, chúng tôi điều tàu ra truy bắt. Thế nhưng, tàu buôn lậu ném toàn bộ hàng hóa ti vi, tủ lạnh xuống biển để cản trở và tẩu tán tang vật. Có những chuyên án, các lực lượng chức năng phải mất hàng tháng, hàng năm trời theo dõi, thu thập và phá án”, Tướng Thu tâm sự và chia sẻ thêm: “Việc xua đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải Việt Nam cũng diễn biến rất phức tạp. Có những tàu cá nước ngoài còn nuôi chó béc giê hung dữ trên tàu. Khi lực lượng Cảnh sát biển tiếp cận, đàn chó sẵn sàng lao ra ngăn chặn, thậm chí cắn xé Cảnh sát biển”.

Nhiều năm sát cánh cùng ngư dân, Tướng Thu khẳng định ngư dân ta rất sáng tạo và thông minh. Có những con tàu, chỉ ngư dân mới điều khiển được. Lên tàu mới thấy hết sự sáng tạo của ngư dân mình. Nhiều tàu cá có thể nổ máy, đánh lái và quay tròn tại chỗ.

Trong khi đó về khoa học, muốn lượn vòng thì phải có bán kính lượn khá xa. Bán kính lượn vòng lại tùy thuộc vào tốc độ, khả năng quy trở từng tàu một. Rồi có tàu cá đang phóng ầm ầm, thuyền trưởng chỉ cần một thao tác là tàu phanh dừng tại chỗ.

Trong câu chuyện giữa tôi với Tướng Thu, vị cảnh sát biển này vẫn canh cánh: Nhược điểm lớn nhất là một số ngư dân các vùng miền vẫn còn quan niệm rằng mang theo phao trên tàu cá là xui xẻo.

“Tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng, biển to sóng dữ không ai biết trước bất trắc cả, hãy cứ phòng bị cho mình mỗi người tối thiểu một áo phao. Ra khơi, ngư dân hãy đi theo tổ đội sản xuất để có thể hỗ trợ nhau lúc cần thiết” - vị tướng dặn dò.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/tuongthu-ke-chuyen-doi-dau-nghet-tho-voi-cuop-bien-660873.html